Ăn uống ngày Tết: 3 lưu ý, 4 điều tránh

Ba ngày Tết đi thăm viếng bà con, bạn bè, đi du lịch nên việc ăn uống nhiều là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, bên cạnh sự khoái khẩu thì nguy cơ rước bệnh vào thân, ngộ độc cũng là điều cần cảnh giác. 

Nên ăn ít hơn

. Phóng viên: Ngày Tết có nhiều món ăn khoái khẩu, vậy nên ăn uống như thế nào cho hợp lý, không rước họa vào thân, thưa bác sĩ?

+ BS Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM: Nếu biết cách lựa chọn, chúng ta hoàn toàn có thể thưởng thức Tết với những món ăn truyền thống vừa ngon vừa đủ dinh dưỡng.

Chẳng hạn, bánh chưng, bánh tét có gần đủ các chất dinh dưỡng cơ bản, chỉ thiếu chất xơ. Vậy chúng ta bổ sung thêm chất xơ bằng cách ăn kèm với củ kiệu, hành muối, dưa món, dưa hành và sau đó tráng miệng bằng trái cây. Thịt kho hột vịt nhiều chất đạm, cholesterol, do vậy nên ăn kèm dưa giá, dưa leo. Tôm chua ăn kèm rau sống, chút bún cuốn với bánh tráng… Những cách phối hợp như trên giúp cho cơ thể gần như đầy đủ chất dinh dưỡng.

Ba điều cần lưu ý: Một, nên tăng cường thêm rau xanh trong ngày Tết. Hai, tăng cường chất xơ góp phần hạn chế hấp thu chất béo. Ba, luôn chú ý khẩu phần ăn tổng thể trong ngày Tết phải ít hơn ngày đi làm.

. Người bị thấp khớp, tiểu đường, tim mạch, cao huyết áp có cần phải kiêng khem?

+ Nếu những người này ăn uống điều độ, phù hợp với tình trạng sức khỏe của mình thì không cần kiêng khem quá mức.

Cụ thể, với người lớn tuổi, người béo phì, người mắc các bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường không nên ăn nhiều các món chứa nhiều muối, chất béo, bột đường. Các loại dưa muối, lạp xưởng, giò thủ, bánh chưng, bánh tét, thịt kho, da gà… dù khoái khẩu cũng nên hạn chế.

Người bệnh thận, khớp không nên ăn nhiều chất đạm. Canh măng hầm xương, nước lèo các loại, bia bọt có thể làm tăng cơn đau ở người bị bệnh gout.

. Cần quan tâm điều gì đến việc ăn uống của trẻ em?

+ Gia đình quá bận rộn với khách, không chăm sóc tốt thì trẻ có thể sụt cân sau những ngày ăn Tết nếu chúng nhấm nháp rả rích mứt, kẹo, uống nhiều nước ngọt… Những loại thực phẩm này gây cảm giác no khiến trẻ em bỏ bữa. Hãy cho trẻ thưởng thức các món nói trên sau bữa ăn chính.

BS Đỗ Thị Ngọc Diệp (bìa trái) hướng dẫn các món ăn trong ba ngày Tết cho người bệnh tiểu đường. Ảnh: TRẦN NGỌC

Ngộ độc thực phẩm luôn rình rập

. Ở nhà, khi bị ngộ độc thực phẩm thì cần phải làm gì?

+ ThS-BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM: Khi bị ngộ độc thực phẩm tại nhà, cần ngưng ngay việc tiêu thụ thức ăn nghi ngờ gây ra ngộ độc. Thu thập mẫu thức ăn nghi ngờ để cung cấp cho cơ quan điều tra, cơ sở điều trị giúp truy tìm nguyên nhân và có phương pháp điều trị thích hợp. Bên cạnh đó, nhanh chóng gây nôn để tống thức ăn có độc ra ngoài. Biện pháp gây nôn tại nhà có thể làm được là ngoáy họng hay uống nước muối (hai thìa canh muối với một cốc nước ấm). Sau đó nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ.

. Cần làm gì để phòng tránh ngộ độc thực phẩm trong Tết?

+ Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm trong những ngày Tết, khâu quan trọng nhất là chọn lựa thực phẩm an toàn. Thực phẩm tươi sống phải đảm bảo có nguồn gốc xuất xứ, được bày bán và bảo quản trong các cửa hàng, quầy sạp đã được cơ quan nhà nước quản lý. Thực phẩm chế biến phải có nhãn mác, đầy đủ thông tin về xuất xứ sản phẩm, hạn sử dụng…

Bốn điều cần tránh: Một, sử dụng thực phẩm là gia súc, gia cầm, trứng gia cầm, hải sản còn tái hay sống. Hai, để chung thức ăn sống và thức ăn chín, thức ăn cũ và thức ăn vừa nấu chín. Ba, sử dụng chung các dụng cụ chứa đựng và chế biến như rổ, rá, dao, thớt, điều này dễ gây nhiễm chéo mầm bệnh từ thức ăn sống, cũ vào thức ăn đã nấu chín. Bốn, không bảo quản thực phẩm thật an toàn. Lưu ý thức ăn thừa cần để ngay vào tủ lạnh.

Ngộ độc rượu, cần làm gì?

ThS-BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM: Với người ngộ độc rượu nhẹ như chóng mặt, buồn nôn, nhức đầu… thì cho nạn nhân nằm nghiêng để tránh tình trạng hít sặc gây ra suy hô hấp và viêm phổi về sau; giữ ấm cho nạn nhân vì khi ngộ độc rượu làm hạ thân nhiệt.

Đối với trường hợp nặng như rối loạn tiêu hóa, nôn mửa, rối loạn thần kinh gây ra hiện tượng giãy giụa, co giật, hôn mê… thì người nhà cần nhanh chóng đưa nạn nhân vào cơ sở điều trị, nơi có điều kiện hồi sức cấp cứu để cứu chữa kịp thời. Trong quá trình vận chuyển, lưu ý phải đảm bảo đường thở của nạn nhân được thông suốt.

Bị bệnh đột xuất, tai nạn, gọi số điện thoại nào? 

BS Võ Quang Huy, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM: Khi người nhà có bệnh hoặc bị tai nạn giao thông, thân nhân có thể gọi Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM qua số 115. Trung tâm sẽ thu thập thông tin và chuyển cho trạm cấp cứu vệ tinh 115 gần hiện trường xảy ra tai nạn hoặc gần nhà bệnh nhân.

Muốn chăm sóc y tế tại nhà, liên lạc ở đâu?

Hầu như các bệnh viện ở TP.HCM đều có dịch vụ chăm sóc bệnh nhân tại nhà trong những ngày Tết. Khi có nhu cầu, người thân nên liên hệ trực tiếp với bệnh viện mình chọn.

Dưới đây là một số địa chỉ và dịch vụ bạn đọc có thể tham khảo:

BV quận Thủ Đức: Thân nhân có nhu cầu chăm sóc người bệnh tại nhà thì liên hệ điện thoại 08.22444129 hoặc số 0934121669. Chi phí dịch vụ như sau: 200.000 đồng/bốn giờ, 300.000 đồng/sáu giờ, 360.000 đồng/tám giờ… Thân nhân cũng có thể chọn từng loại hình hỗ trợ chăm sóc người bệnh tại nhà. Cụ thể: Tắm, gội: 200.000 đồng/lần; tắm: 160.000 đồng/lần.

BV Đa khoa Xuyên Á, huyện Củ Chi: Người nhà có nhu cầu thì liên hệ điện thoại 08.37966999, 08.37966888. Chi phí chăm sóc bệnh nhân tại nhà trong những ngày Tết được tính như sau: Phí của bệnh viện + 70.000 đồng.

T.NGỌC ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm