Dị tật 'súng ống', có nên lập gia đình?

Chào chuyên gia tư vấn!

Em năm nay 24 tuổi. Bốn năm trước, em có yêu một người, chúng em đã đi quá giới hạn một lần. Tuy nhiên, sau lần đó bạn gái của em đã rời xa em. Em cũng đoán được lý do nên rất tự ti.

Cơ quan sinh dục của em bị dị tật. "Súng ống" rất ngắn (lúc bình thường chỉ khoảng 2 cm, khi lên to nhất cũng chỉ khoảng 6 cm).

Thêm vào đó, về chức năng sinh sản, khi đi xét nghiệm tinh dịch đồ, bác sĩ nói tỉ lệ tinh trùng = 0. Do vậy, muốn sinh con, em phải làm thụ tinh nhân tạo. Nhưng muốn thụ tinh được, trong tinh hoàn của em phải có túi tinh. Qua kiểm tra, túi tinh của em cũng chỉ có 20% tinh trùng. Vì thế, nếu đi thụ tinh nhân tạo, tỉ lệ thành công của em cũng chỉ 30%-40%.

Em rất lo lắng. Em băn khoăn không biết mình có nên lập gia đình hay không? Vì em sợ em sẽ làm khổ người ta.

Mong chuyên mục hãy cho em lời khuyên.

Dị tật 'súng ống', có nên lập gia đình? ảnh 1
Ảnh minh họa.

BS Hoàng Thúy Hải, chuyên gia tư vấn sức khỏe sinh sản chương trình Cửa sổ tình yêu tư vấn: 

Chào bạn,

Trong hôn nhân, tình dục rất quan trọng nhưng nó không phải là yếu tố quyết định tất cả. Có rất nhiều người, có thể chung sống với nhau cả đời mà không cần chuyện đó. Vì thế, với câu hỏi có nên lập gia đình hay không, chị nghĩ rằng vẫn nên lấy vợ em ạ. Tuy nhiên, quy trình của em sẽ khác hơn một chút.

Thứ nhất là ngay từ khâu chọn đối tượng, em nên tìm những người chân chất, họ sống cuộc sống đơn giản chứ không phải những người quá đầy đủ. Hoặc những người quá hiểu biết, quá sành sỏi. Những người ấy, họ yêu cầu rất cao. Và khi họ yêu cầu cao, mình sẽ không đáp ứng được.

Thứ hai là tính chân thật. Ở trường hợp này, tính chân thật là vô cùng quan trọng. Khi yêu đến một mức độ nào đó, em cảm nhận được rằng bạn gái cũng có tình cảm với mình, em hãy chia sẻ với bạn ấy tất cả những vấn đề liên quan đến sức khỏe, thực trạng của mình để cho họ quyết định.

Khi đó, nếu họ quyết định và họ tự nguyện ở lại bên em thì thực sự hạnh phúc. Còn nếu họ không chấp nhận thì đó là số phận, mình lại phải tạm biệt.

Còn về chức năng sinh con: Em có thể dùng kỹ thuật để hỗ trợ. Quan trọng nhất là chân tình và yêu thương nhau thì sẽ làm được hết em ạ.

Bác sĩ nam khoa - thành viên Hội Nam học Hoa kỳ, Hội Y học tình dục quốc tế & châu Á-Thái Bình Dương:

Trường hợp này là có tinh trùng trong túi tinh nhưng khi xuất ra không có. Như vậy, chắc chắn đã bị tắc ở đâu đó. Việc xử lý và mổ xẻ trong trường hợp này là cực khó và tốn kém. Tỉ lệ thành công lại không cao.

Do đó, so với việc xử lý bằng mổ xẻ thì việc lấy tinh trùng để nhờ kỹ năng sinh sản sẽ đỡ tốn kém và tỉ lệ thành công cao hơn nhiều. Hiện nay, các bác sĩ còn có thể lấy trực tiếp tinh trùng ở tinh hoàn để “vỗ béo” rồi mới cho thụ tinh. Do đó, bạn hoàn toàn có thể tin tưởng vào sự may mắn của mình.

Còn về độ dài ngắn của "súng ống": Các bác sĩ nam khoa sẽ phải khám để đánh giá nguyên nhân, sau đó mới có thể tiên lượng. Có một số trường hợp vẫn có thể dùng thuốc để cải thiện cả về kích thước và chức năng.

Trường hợp không thể cải thiện bằng thuốc, các bác sĩ vẫn có thể áp dụng biện pháp phẫu thuật, độn ghép để tăng kích thước cho "súng ống".

Tuy nhiên, những trường hợp này, chỉ có thể thay đổi về mặt hình thức, còn chức năng thì hoàn toàn không thể. Thêm vào đó, khi phẫu thuật tăng kích cỡ cũng vẫn sẽ có tỉ lệ rủi ro. Do đó, bạn cũng phải cân nhắc. Chúc bạn tự tin!

Theo Vietnamnet

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm