Bệnh nhi liệt 2 chân do té xe, tưởng bị ung thư máu

Ngày 24-5, BS Phan Minh Trí, khoa Ngoại thần kinh BV Nhi đồng 1, cho biết bệnh viện vừa thực hiện thành công ca phẫu thuật phức tạp cho bệnh nhi NNPT (11 tuổi, ngụ Mỹ Tho, Tiền Giang) bị máu tụ ở tủy hiếm gặp.

Theo lời gia đình, bệnh nhi đi xe đạp bị ngã sau đó than với cha mẹ đau vùng cột sống lưng. Gia đình có đưa bé đi khám và cho uống thuốc. Tuy nhiên, sau bảy ngày bệnh nhi đột nhiên bí tiểu, hai chân bị liệt gần như không cử động được.

Do trước đó có tiền sử điều trị bệnh bạch cầu cấp dòng tủy (ung thư máu) tại BV Truyền máu Huyết học TP.HCM nên khi bé gặp biến chứng, gia đình nghĩ do bệnh cũ tái phát. Gia đình đưa bé đến BV Truyền máu Huyết học. Tại đây, ban đầu các bác sĩ cũng cho rằng bé bị bạch cầu cấp xâm lấn vào tủy gây bí tiểu. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra, chụp MRI, các bác sĩ phát hiện bé có khối máu tụ ở cột sống.

"BV Truyền máu Huyết học TP.HCM đã hội chẩn liên viện với BV Nhi đồng 1 ngay trong chiều. Qua kết quả chụp MRI não, cột sống thắt lưng, phát hiện bé bị tổn thương nặng cột sống, dập tủy, tụ máu ngoài màng cứng gây chèn ép ngực. Các bác sĩ khoa Ngoại đã tiến hành mổ cấp cứu cho bệnh nhi ngay trong đêm 18-5. Ca mổ kéo dài đến 3 giờ sáng 19-5, êkíp mổ đã mở ba đoạn đốt sống, lấy khối máu tụ, giải phóng chèn ép. Nếu tính theo dân gian, ca mổ được tiến hành trong hai ngày” - BS Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc BV Nhi đồng 1, cho biết.

Hiện hai chân của bệnh nhi đã có thể cử động trở lại.

Hiện hai chân của bệnh nhi đã có thể cử động trở lại. Ảnh: HÀ PHƯỢNG

Sau phẫu thuật, hiện sức cơ của bé đã cải thiện gần như hoàn toàn và bé đã tự đi tiểu, hai chân có thể vận động được. Theo BS Trí, chấn thương cột sống thường xảy ra ở người lớn, ít khi gặp ở trẻ em. Nếu có chủ yếu là các chấn thương như gãy cột sống, dập tủy, rất hiếm hiện tượng máu tụ ngoài màng cứng vùng tủy như trường hợp này. Những trường hợp sang thương như vậy rất khó phát hiện và khó chẩn đoán, y văn ghi nhận chỉ có khoảng 1% bệnh nhân chấn thương cột sống bị máu tụ ngoài màng cứng vùng tủy.

“Đây là trường hợp sang thương rất hiếm gặp, bé vừa dập tủy vừa tụ máu ngoài màng cứng vùng tủy, lại trên nền bệnh lý huyết học. Kể từ khi công tác tại bệnh viện, đây được xem là ca đầu tiên mà khoa Ngoại thực hiện với những kỹ thuật khá phức tạp" - BS Trí nói thêm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm