Bệnh trào ngược dạ dày - thực quản

Thực quản là một ống kéo dài từ họng đến dạ dày. Khi thức ăn được nuốt vào miệng sẽ đi xuống thực quản. Không chỉ trẻ nhỏ mà người lớn cũng đều có thể bị trào ngược dạ dày - thực quản.

Nguyên nhân gây trào

Cho đến nay khoa học vẫn chưa xác định chính xác nguyên nhân của trào ngược dạ dày - thực quản. Tuy nhiên, những yếu tố sau đây góp phần gây nên hiện tượng trào ngược trở nên nặng hơn:

- Sử dụng rượu bia, thuốc lá, mắc chứng béo phì.

- Sử dụng các thuốc như theophylline, nitrates, kháng histamine.

- Chế độ ăn nhiều mỡ và thức ăn chiên, tỏi, hành, thức ăn chua như trái cây thuộc giống cam, quýt, cà chua, thức ăn có nhiều gia vị, hương liệu bạc hà.

- Sử dụng thức uống có chứa caffeine.

- Thói quen ăn uống như ăn một lượng lớn thức ăn cùng một lúc, ăn trước khi đi ngủ.

Hiện tượng đau, tức lồng ngực là một trong những triệu chứng cơ bản nhất của bệnh trào ngược dạ dày - thực quản.

Dấu hiệu bệnh

Dấu hiệu thường gặp nhất của bệnh trào ngược dạ dày - thực quản là ợ nóng dai dẳng, người bệnh có cảm giác đau rát ở giữa ngực, sau xương ức. Cơn trào thường xuất hiện ở thượng vị và lan lên cổ, thường tăng lên sau khi ăn. Ngay cả khi nằm hoặc gập người cũng có thể gây ra ợ nóng. Tuy nhiên, không phải tất cả người bị trào ngược dạ dày - thực quản đều bị ợ nóng.

Ngoài ra, bệnh trào ngược dạ dày - thực quản còn có thể gặp những dấu hiệu sau và cũng rất dễ nhầm với một số bệnh khác, nhất là bệnh của đường hô hấp:

- Ợ ra acid đắng trong khi ngủ.

- Thấy vị đắng trong miệng.

- Ho khan dai dẳng, rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý ở đường hô hấp. Trong thực tế đã có rất nhiều trường hợp các thầy thuốc nhầm lẫn trào ngược dạ dày - thực quản với bệnh viêm họng và điều trị trong một khoảng thời gian dài vẫn không hết, sau đó tiến hành nội soi dạ dày mới phát hiện ra bệnh và điều trị khỏi.

- Khàn giọng, nhất là vào buổi sáng. Đã có trường hợp chẩn đoán nhầm với bệnh viêm thanh quản và cũng đã thực hiện việc nội soi thanh quản mà không phát hiện gì về bệnh lý thanh quản.

- Thấy khó chịu trong cổ họng, như có một mẩu thức ăn nằm ở đó.

- Thở khò khè, rất dễ nhầm với bệnh hen phế quản, vì vậy việc điều trị sẽ không có hiệu quả.

Cách phòng tránh

Để có thể phòng tránh bệnh trào ngược dạ dày - thực quản cần tránh dùng những thức ăn, nước uống như sau:

- Rượu bia và những đồ uống có pha rượu luôn có tác hại đối với sự co giãn của cơ thắt thực quản, nó là một chiếc van ngăn dịch từ dạ dày trào ngược lên thực quản.

- Cà phê, trà và những đồ uống chứa caffeine, caffeine và tinh chất trà xanh sẽ làm tăng sự giãn cơ vòng dưới thực quản cũng như tăng sự tiết acid trong dạ dày.

- Đồ uống có ga, chúng sẽ làm trướng bụng và gây ra những tác động không tốt đối với cơ thắt dạ dày - thực quản.

- Sữa chứa nhiều chất béo, protein và canxi. Đây là ba yếu tố khuyến khích sự tiết acid dạ dày.

- Gia vị và hương liệu là những chất gây kích thích và làm tăng cảm giác nóng rát dạ dày.

- Thực phẩm chứa nhiều chất béo, làm cho sự tiêu hóa thức ăn trở nên chậm và khó khăn hơn mà khi thức ăn nằm lâu trong dạ dày sẽ làm tăng sự tiết acid dạ dày.

- Các loại hoa quả cam, quýt, chanh, bưởi sẽ làm tăng sự tiết dịch của dạ dày. Kể cả nước ép của các loại quả này cũng không nên uống.

- Bạc hà là một tác nhân kích thích sự giãn cơ thắt thực quản.

- Sôcôla sữa là những chất có tác dụng làm tăng độ chua của dạ dày.

BS HỒ VĂN CƯNG


Nội soi xác định bệnh

Việc xác định bệnh chủ yếu là dựa vào sự “theo dõi pH thực quản trong vòng 24 giờ” nhưng ở nước ta chưa được thực hiện, kể cả ở các bệnh viện lớn còn nhiều khó khăn. Hiện nay để có thể chẩn đoán xác định bệnh lý trào ngược dạ dày - thực quản chủ yếu dựa vào nội soi dạ dày, qua việc phát hiện viêm hoặc loét thực quản ở người bệnh có biểu hiện nóng rát sau xương ức và ợ chua.

Không những thế nội soi còn có thể phát hiện các nguyên nhân thực thể tạo điều kiện cho trào ngược dịch vị như thoát vị cơ hoành để có biện pháp can thiệp ngoại khoa thích hợp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm