Bị ong đốt, 1 nữ sinh suýt tử vong

Chưa đầy năm phút sau, nữ sinh đã rơi vào tình trạng khó thở, nổi mẩn ngứa toàn thân. Sau đó lâm vào hôn mê, phù phổi cấp và có nguy cơ tử vong rất lớn.

Ngày 11-7, BS CK2 Trần Thanh Linh, Phó khoa Hồi sức cấp cứu – BBV Chợ Rẫy, cho biết bệnh nhân Phan Thị Bích Loan, sinh năm 1998, quê ở ấp 2, xã Hòa Lộc, huyện Tam Bình (Vĩnh Long) được khoa Cấp cứu tiếp nhận trong tình trạng máu và nước đã bắt đầu trào ra ống nội khí quản rất nhiều, bệnh nhân được thở máy và trong tình trạng suy hô hấp rất nặng, tốc độ thở máy của bệnh nhân đã không kiểm soát được.

Bệnh nhân được chuyển lên khoa Hồi sức cấp cứu trong tình trạng vật vã, tím tái, huyết áp thấp, mạch nhanh, thở máy chế độ cao. Tổn thương nặng khiến không thể kiểm soát tình trạng hô hấp. Vì vậy khoa Hồi sức huy động lực lượng bác sĩ, hội chẩn cả khoa để thực hiện phương pháp chạy ôxy hóa máu, tuần hoàn cơ thể hay gọi là phương pháp ecmo cho bệnh nhân.

BS Linh chia sẻ đây là một trong những sốc phản vệ nặng gây suy phổi, nếu không sử dụng phương pháp ecmo ngay cho bệnh nhân, nguy cơ tử vong sẽ không thể tránh khỏi.

Gia đình xin về vì quá nghèo, BHYT lại hết hạn không đúng lúc. Sau khi hội chẩn, gia đình hạnh phúc khi bác sĩ thông báo có thể cứu được Loan thông qua phương pháp ecmo. Nhưng cần chi phí gần 200 triệu đồng cả ecmo, thuốc và điều trị.

Lúc này gia đình đã phải đau đớn quyết định đưa con về nhà vì hoàn cảnh quá khó khăn, quanh năm phải làm thuê làm mướn, không thể chạy đâu được số tiền quá lớn như vậy.

Dáng người nhỏ thó ngồi nép sau chậu hoa khoa Hồi sức cấp cứu, bà Lại Thị Bích nước mắt ngắn dài kể lại. “Lúc bé Loan vừa ngất đi, gia đình đưa cháu vào BV Tam Bình chỉ vét được 800.000 đồng trong túi. Đến khi cháu chuyển nặng đưa lên BV Đa khoa tỉnh Vĩnh Long, tôi vay mượn được hơn 1 triệu đồng nữa. Tôi chỉ biết cứu được con là hạnh phúc rồi, vậy nên khi các bác sĩ BV Vĩnh Long bảo chuẩn bị tinh thần, gia đình đã hết sức đưa con lên Chợ Rẫy vì tin rằng vẫn còn nước còn tát” - cô Bích kể.

Cô Lại Thị Bích - mẹ nạn nhân bùi ngùi kể lại sự việc ẢNH: HÀ PHƯỢNG

Nghèo lại gặp cái eo, Bích Loan được đưa vào BV Chợ Rẫy trong giai đoạn vừa học xong 12, BHYT vừa hết hạn cuối tháng 5-2016. Vì vậy bệnh nhân và gia đình không được hưởng chế độ thuốc và dịch vụ tính theo BHYT.

Trước tình cảnh trên, gần 6 giờ sáng, các bác sĩ khoa Hồi sức cấp cứu – BV Chợ Rẫy đã đến quyết định xin lãnh đạo cứu bệnh nhân trước, rồi sau đó mới tiến hành xin tiền. “Lúc biết mình có thể cứu được bệnh nhân nhưng chỉ vì không có tiền mà lại để bệnh nhân nguy hiểm thì không thể được. Trong khi bệnh nhân này còn rất trẻ, chỉ mới 18 tuổi, tương lai phía trước còn rộng mở. Rất tuyệt là ban lãnh đạo đồng quan điểm với chúng tôi, cho cứu trước rồi đi xin giúp đỡ, lỡ không xin được thì bệnh viện phải liều mình lo chứ biết sao” - BS Linh bồi hồi.

Sau năm ngày sử dụng phương pháp ecmo, đến nay tình trạng hô hấp của bệnh nhân đã được cải thiện, huyết áp ổn định, phổi có xu hướng phục hồi tốt. Phương pháp ecmo được đánh giá tương đối thành công.

Sau 5 ngày sử dụng phương pháp ecmo, tình trạng bệnh nhân Bích Loan đã cải thiện rất nhiều ẢNH: HÀ PHƯỢNG

Chia sẻ thêm về trường hợp bệnh nhân Phan Thị Bích Loan, BS Linh cho biết: Bình thường các vết thương do ong chích mức độ nặng phụ thuộc rất nhiều vào số vết đốt của ong, thường trên 50 nốt ong chích mới nguy hiểm. Tuy nhiên, trong trường hợp bệnh nhân này mức độ sốc và tổn thương phổi không phụ thuộc vào số lượng ong đốt mà phụ thuộc vào cơ địa của bệnh nhân, do bệnh nhân có tiền căn là do viêm da dị ứng, thường xuyên bị dị ứng thức ăn, mỗi lần côn trùng đốt thì nổi mẩn.

Hiện tại chi phí điều trị cho bệnh nhân Phan Thị Bích Loan còn rất nhiều và gia đình vẫn đang tạm ứng tiền tại bệnh viện. Trong khi đó khả năng vay mượn không có, hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn. Mọi sự giúp đỡ cho gia đình bệnh nhân xin liên hệ với bà Lại Thị Bích, mẹ nhân nhân qua số điện thoại 0924 080 397. 

Bác sĩ khuyến cáo đối với vết ong chích như thế này, độc tố xuất phát từ mũi kim, vì vậy khi bị ong chích cần lấy ngay mũi kim ra ngoài.

Thứ hai, nên rửa sạch vết ong chích bằng xà phòng, lấy mũi kim ra và chườm lạnh để giảm đau tại chỗ. Riêng với người có cơ địa như viêm da, dị ứng khi thấy nổi mẩn đỏ và có dấu hiệu khó thở sau khi bị ong chích nên đưa ngay đi bệnh viện. Tuyệt đối không châm kim cho máu chảy ra vì có thể làm nặng thêm tình trạng bệnh. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm