Ca ghép gan sinh tử cho bé trai 13 tháng tuổi

Chưa đầy bảy tuần tuổi, bé NVTH đã phải trải qua cuộc phẫu thuật Kasai (phẫu thuật nối đường mật) do bệnh lý teo đường mật bẩm sinh. Hôm qua (4-10), em lại tiếp tục cuộc chiến sinh tử cùng cha. Bởi gan em nhận trong cuộc phẫu thuật được lấy từ chính người đã sinh ra em.

“Còn nước còn tát”

“Bám trụ” bệnh viện (BV) hơn 13 tháng qua, chị VTTT (32 tuổi, quận Tân Bình, TP.HCM) không giấu nổi vẻ lo lắng sau đôi mắt đã mỏi mệt, đỏ hoe. Với chị, tất cả thứ quý giá nhất, những gì chị yêu thương nhất đều đang phải chiến đấu bên trong phòng phẫu thuật.

Từ khi kết hôn với anh NTH (sinh năm 1978), hai vợ chồng chị T. đã phải nhiều năm liền vất vả đi chữa hiếm muộn, bơm tinh trùng… làm đủ cách chỉ để mong ngóng chào đón đứa con đầu lòng. Sau ba năm mệt mỏi, chị hay tin mình có con, đứa con trai đầu lòng kháu khỉnh chào đời với cả gia đình chị là một báu vật.

Hạnh phúc dường như nhân đôi khi chị biết mình mang thai đứa con thứ hai ngoài kế hoạch. “Tôi siêu âm biết mình mang thai đứa con thứ hai. Với vợ chồng tôi đó là một điều tuyệt vời vì cả hai chưa bao giờ nghĩ lại dễ dàng như vậy” - chị T. kể.

Bé H., con trai thứ hai chị T. sinh ra được chẩn đoán có triệu chứng vàng da, phân đi ngoài lạ. Bé H. được chẩn đoán bị xơ gan do teo đường mật bẩm sinh và phải trải qua phẫu thuật Kasai khi chỉ mới bảy tuần tuổi. Kể từ những ngày tháng đó, gia đình chị T. liên tục vào BV vì cứ mỗi lần bé sốt nóng lại vàng da, mệt mỏi, quấy khóc. Hơn 13 tháng qua vì sức khỏe của con, chị T. đã phải bỏ công việc công ty, thời gian ở BV với con nhiều hơn cả thời gian ở nhà chăm lo gia đình.

Các bác sĩ chuẩn bị trước khi phẫu thuật lấy gan người cha NTH, 38 tuổi. Ảnh: HÀ PHƯỢNG

“Tôi thăm hỏi bác sĩ mới biết phẫu thuật Kasai chỉ được xem là biện pháp tạm thời. Bệnh của con tôi cần phải được ghép gan, trong khi kỹ thuật này ở Việt Nam lại rất ít BV thực hiện. Khi được giới thiệu, vợ chồng tôi tìm đến BV Nhi đồng 2, đi lại BV nhiều tháng trời, trải qua nhiều xét nghiệm xem con tôi có thể ghép gan được hay không. Con tôi may mắn khi kết quả phù hợp với gan của cả cha và mẹ nhưng do nhóm máu của chồng tôi tương thích hơn nên anh ấy sẽ vì con, cùng con chiến đấu trong cuộc chiến khó khăn này. Bây giờ với tôi, còn nước còn tát. Mặc dù biết chi phí ca ghép gan quá cao nhưng tôi vẫn sẽ làm hết sức, khi nào bác sĩ nói vẫn cứu được thì vợ chồng tôi sẽ làm đến cùng” - chị T. bộc bạch.

Nhiều khó khăn trong ghép gan

Hơn 6 giờ sáng 4-10, đội ngũ điều dưỡng, bác sĩ BV Nhi đồng 2 TP.HCM, chuyên gia nước ngoài cùng cố vấn ca phẫu thuật đã tập trung đông đủ ở đơn vị ghép nội tạng. Là “nhạc trưởng” cho nhiều ca ghép gan nhi thành công tại BV Nhi đồng 2, GS-BS Trần Đông A với vai trò cố vấn cho ca phẫu thuật có mặt từ sớm ở phòng mổ để đánh giá, nắm thật vững tình hình bệnh nhân. Giáo sư chia sẻ: Trong 10 ca ghép gan được thực hiện thành công từ năm 2005 tại BV Nhi đồng 2, đây là ca duy nhất người cho gan là cha.

Riêng trường hợp này, bé H. mới 13 tháng, đã được mổ dẫn lưu thử đường mật tại BV Nhi đồng 1 (phẫu thuật Kasai) nhưng thất bại, sau đó bị viêm và xơ gan giai đoạn cuối. Biện pháp duy nhất hiện tại chỉ có thể là ghép gan mới hy vọng giữ được mạng sống cho bé. Tuy nhiên, khó khăn của ca này là trẻ dưới hai tuổi thì kỹ thuật ghép khó nhất vì các bộ phận nhỏ xíu như cây tăm. Khi phẫu thuật chỉ lấy hai miếng gan nhỏ xíu của người cho để ghép cho em bé. Mạch máu trẻ em nhỏ, đường mật rất nhỏ, phải nối bằng vi phẫu, chỉ cần sơ sót một tí là dẫn đến nghẹt mạch. Và đây cũng là kỹ thuật khó nhất trong ghép tạng.

Ca phẫu thuật kéo dài hơn 12 giờ, bắt đầu từ 8 giờ sáng 4-10 với sự tham gia của hai giáo sư hàng đầu về ghép gan từ Bỉ sang. Theo các bác sĩ, khả năng thành công của phẫu thuật có thể lên đến 90%. Chiều tối 4-10, BS Phạm Ngọc Thạch cho biết ca ghép gan đã kết thúc sớm hơn so với dự kiến khoảng hai giờ. Mảnh gan lấy ra nặng 230 g được ghép cho bé H. thuận lợi. Sức khỏe cả hai cha con sau mổ đều khá ổn định, đã được chuyển vào phòng hậu phẫu và hồi sức để tiếp tục theo dõi. “Tuy nhiên, bé H. còn trải qua nhiều giai đoạn như chống nhiễm trùng, chống thải ghép, phải nuôi ăn bằng chế độ đặc biệt, chích vitamin bổ sung… đòi hỏi phải rất kiên nhẫn và gian nan” - BS Thạch chia sẻ.

Trẻ được ghép gan chỉ đếm trên đầu ngón tay

Theo BS Phạm Ngọc Thạch, Phó Giám đốc phụ trách về chương trình ghép tạng tại BV Nhi đồng 2, trước đây đối với các bé bị tắc mật hay xơ gan thì hầu như các BV đều bó tay. Đến năm 2005, ca ghép gan đầu tiên ở Việt Nam được thực hiện tại BV Nhi đồng 2 đã mở ra nhiều hy vọng cho bệnh nhi bị bệnh lý gan nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn và con số bệnh nhi được ghép gan hiện tại chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Trong năm năm trở lại đây, các bệnh lý gan ứ mật ở BV Nhi đồng 2 theo dõi có khoảng 300 bé, trong đó có 80 trẻ có chỉ định ghép gan. Tuy vậy, khả năng kinh tế, nguồn tạng, mức độ phù hợp chỉ còn lại khoảng năm ca sẽ được ghép tạng. Dự định đến năm 2025, BV Nhi đồng 2 sẽ xây dựng trung tâm ghép tạng và xây dựng khu trung tâm ghép tạng kỹ thuật cao tại BV. Đề án đã được Sở Y tế TP.HCM chấp thuận và đang chờ duyệt từ UBND TP.HCM.

_____________________________

Bé H. là một trong hai bệnh nhi nhỏ tuổi nhất được phẫu thuật ghép gan tại BV Nhi đồng 2. Đây là ca ghép gan phức tạp. Nếu suôn sẻ, bệnh nhi sẽ được theo dõi chặt chẽ về mức độ thải ghép. Chúng tôi kỳ vọng nếu lá gan phục hồi tốt, sau khoảng ba tháng cháu H. sẽ có được lá gan phát triển như người bình thường.

GS-BS TRẦN ĐÔNG A

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bộ Y tế: Hơn 70% người lớn mắc viêm lợi, viêm quanh răng

Bộ Y tế: Hơn 70% người lớn mắc viêm lợi, viêm quanh răng

(PLO)- Hơn 70% người trưởng thành tại Việt Nam bị viêm lợi, viêm quanh răng. Đây là nội dung được Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên thông tin tại Lễ mít tinh và đi bộ hưởng ứng Ngày sức khỏe răng miệng thế giới diễn ra tại TP.HCM ngày 16-3.