Ca nhiễm MERS đầu tiên ở VN có thể xuất hiện ở bất kỳ địa phương nào

Người nước ngoài làm thủ tục khai báo y tế tại sân bay.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh tại hội nghị trực tuyến về giám sát, điều trị và phòng chống dịch bệnh gây Hội chứng viêm đường hô hấp cấp vùng Trung Đông do virus corona (MERS-CoV) chiều 8-6:“Mỗi nhân viên y tế phải thấm nhuần bài học “phát hiện sớm, bao vây, dập tắt, không cho dịch lan rộng” trong công tác phòng, chống và ngăn chặn dịch MERS vào Việt Nam. Chúng ta không được chủ quan một phút nào, cần phải quyết liệt ngay từ đầu. Bởi nếu lơ là công tác kiểm soát và phòng dịch chỉ một giây, một phút là chúng ta sẽ phải trả giá rất đắt”.

Theo thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện nay, tình hình dịch MERS-CoV vẫn đang có diễn biến phức tạp. Tính đến ngày 8-6, thế giới đã ghi nhận 1.218 trường hợp mắc bệnh MERS với 450 ca tử vong, tại 26 nước. Tính riêng Hàn Quốc đã ghi nhận 87 ca nhiễm và có 6 ca tử vong; thực hiện cách ly gần 1.500 người.

Bà Tiến cho rằng nguy cơ MERS-CoV xâm nhập vào Việt Nam là hoàn toàn có thể, vì vậy phải có kế hoạch, chương trình, đưa ra từng tình huống đối phó cả khi chưa có dịch và cả trong trường hợp dịch đã vào Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị cần phải đẩy mạnh công tác truyền thông để tuyên truyền cho nhân dân biết được mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, từ đó người dân sẽ chủ động phòng tránh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cảnh báo, ca nhiễm MERS-CoV đầu tiên ở nước ta có thể xuất hiện ở bất kỳ địa phương nào.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng đề nghị các địa phương triển khai quyết liệt tất cả các biện pháp theo công điện của Chính phủ. Các địa phương kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống dịch và rà soát các kế hoạch phòng chống dịch, giao nhiệm vụ cho từng người. Rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị phòng hộ, đội phản ứng nhanh tại các địa phương để khi có dịch xảy ra sẵn sàng triển khai. “Đối phó với phòng chống dịch phải hết sức nhanh chóng, không đến lúc có dịch mới chuẩn bị, lúc đó rất rối” – ông Long nói.

Thứ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các địa phương có cửa khẩu đường đường bộ, đường thủy, và đường hàng không phải triển khai giám sát thân nhiệt 24/24 giờ và triển khai tờ khai y tế.

Ông Long cho biết Bộ Y tế quyết định mở rộng diện giám sát. Theo đó, trước đây những bệnh nhân có biểu hiện nặng mới đưa vào giám sát, thì nay những bệnh nhân sốt, ho cộng thêm yếu tố dịch tễ đi về từ vùng có dịch thì phải đưa vào giám sát.

Ngoài ra, phòng lây nhiễm trong các cơ sở khám chữa bệnh rất quan trọng. Tại Hàn Quốc chủ yếu các ca bệnh lây nhiễm trong bệnh viện. Nhiều khi coi nhẹ lây nhiễm chéo trong bệnh viện dẫn đến số ca bệnh tăng.

Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cho biết để xác định ca nghi ngờ nhiễm MERS không phải dễ. Vì vậy việc đề cao và tuân thủ nghiêm ngặt công tác phòng chống nhiễm khuẩn là điều kiện tiên quyết phòng chống lây lan khi MERS- chưa được khẳng định.

Tám bệnh viện được phân công tiếp nhận bệnh nhân nhiễm MERS

Nhằm duy trì hoạt động của các BV trong trường hợp dịch lan rộng, Cục Quản lý KCB đã có kế hoạch phân tuyến điều trị. Các BV được phân công điều trị những bệnh nhân MERS-CoV đầu tiên, nặng và khó, gồm: BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, BV Bạch Mai, BV Nhi Trung ương (Hà Nội), BV Trung ương Huế, BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, BV Nhi đồng 1, 2 và BV Chợ Rẫy (TP.HCM).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm