Cậu bé ở đảo Song Tử Tây đã được mổ tim

Nhìn hình ảnh cậu bé bụ bẫm, khỏe mạnh hiện tại, không ai nghĩ rằng cậu bé 13 tháng tuổi ấy vừa vượt qua những ngày lênh đênh trên biển để trở về đất liền và trải qua ca phẫu thuật tim bẩm sinh phức tạp với các bác sĩ (BS) BV ĐH Y Dược TP.HCM.

Đánh cá, trồng rau nuôi hy vọng

Cưới nhau từ năm 2010, hai vợ chồng anh Trần Minh Thôi (29 tuổi) và chị Dương Thị Thanh Hiền (26 tuổi, quê ở Cam Ranh, Khánh Hòa) đã có với nhau hai mặt con. Những ngày đầu năm 2013, hai vợ chồng anh Thôi cùng con trai bốn tuổi gói ghém hành trang ở đất liền đến lập nghiệp trên huyện đảo Trường Sa, Khánh Hòa. Từ lúc đó, mọi sinh hoạt của vợ chồng anh gắn liền với biển đảo. Hằng ngày chồng đánh cá, vợ trồng rau, trao đổi lương thực với bộ đội, chiến sĩ biển đảo và quanh quẩn với vỏn vẹn bảy hộ gia đình cư dân trên đảo.

Năm 2014, chị Hiền nhận được tin vui mang thai đứa con thứ hai. Thai kỳ của chị vẫn phát triển bình thường, mãi đến tháng thứ bảy đi khám thai thì BS cho biết thai có vấn đề ở tim. Nhưng điều kiện lúc đó quá khó khăn, trên đảo chỉ có trạm y tế, không có điều kiện tầm soát.

“Gần đến ngày dự sinh, tôi xin phép UBND huyện về đất liền cho tiện sinh nở. Vừa đến BV Từ Dũ thì BS bảo gần sinh rồi. Tôi vào sinh mổ, cách ly với con bảy ngày. Đến lúc về, BS dặn dò chuẩn bị tinh thần vì con bị tim bẩm sinh. Lúc đó hai vợ chồng tôi rất buồn, cứ lo lắng tìm nơi chạy chữa mãi. Nhưng vì quá nghèo, không dám mơ đến số tiền lớn mổ tim cho con. Đành nuôi con đến tháng thứ ba lại đưa nhau ra đảo, cầu mong có một phép màu” - chị Hiền kể.

“May mắn một đoàn từ thiện ra thăm Trường Sa, con tôi được giới thiệu mổ tim bẩm sinh miễn phí. Lúc đó vợ chồng hạnh phúc lắm, làm giấy tờ xin phép về đất liền đưa con đi điều trị ngay lập tức. Thực ra, nếu không có lần mổ tim miễn phí này, không biết đến bao giờ chúng tôi mới có đủ tiền cho con phẫu thuật. Cuộc sống hai vợ chồng cứ loanh quanh trên đảo. Quanh năm dường như không biết đến sự tồn tại của tiền thì làm sao có thể đưa con đi chữa bệnh” - anh Thôi tâm sự.

Gia đình bé Trần Dương Thế Phong hạnh phúc sau ba tuần mổ tim. Ảnh: HÀ PHƯỢNG

Tình quân dân, y đức bác sĩ

Cuộc sống gắn kết tình quân dân trên đảo không có gì hơn ngoài những bó rau sạch tự trồng, những con cá tươi mới đánh bắt về. Nhưng khi nhận tin bé Thế Phong (con trai của anh Thôi - chị Hiền) được tài trợ mổ tim miễn phí, bà con cùng các chiến sĩ đã quây quần với gia đình, mỗi người góp chút ít đưa vợ chồng anh Thôi và bé Phong về đất liền làm phẫu thuật.

“Bốn ngày trời lênh đênh trên biển về đất liền, đó có lẽ là những ngày tháng khó diễn tả cảm xúc của gia đình nhất. Lo lắng lẫn hạnh phúc đan xen, không thể nào nói hết nên lời. Nó giống như một kỳ tích được ông bụt ban tặng cho con trai tôi vậy” - chị Hiền nói.

Vào BV ĐH Y Dược vào cuối tháng 11-2016, bé Phong được chẩn đoán bị tim bẩm sinh phức tạp thông sàn nhĩ thất, khiếm khuyết phát triển cộng với hở van tim. Theo PGS-TS-BS Nguyễn Hoàng Định, Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch - BV ĐH Y Dược TP.HCM, trường hợp của bé Phong rất may mắn là đã được đưa về đất liền phẫu thuật sớm. Nếu chậm trễ thêm vài tháng nữa bé sẽ dễ bị suy tim, máu ứ trên phổi làm xung huyết phổi, khiến bé chậm phát triển và không thể sống lâu được. Đồng thời, toàn bộ chi phí ca phẫu thuật hơn 100 triệu đồng đều do một doanh nghiệp giúp đỡ thiện nguyện.

“Ca mổ của bé khá đặc biệt với chúng tôi vì bé còn khá nhỏ. Khi có vấn đề về van tim, chúng tôi thường không thể thay van mới được mà phải sửa. Ca mổ kéo dài hơn bốn giờ và thời gian dành cho việc sửa van tim phải thực hiện nhiều lần, chỉ cần có một chút sơ suất cũng dễ gây ra ảnh hưởng đến bé về sau. Điều đặc biệt thứ hai, ca mổ này không chỉ là vấn đề của BS với người bệnh mà nó còn thể hiện tình cảm của đất liền với người dân nơi đầu sóng ngọn gió, những người đang chịu nhiều khó khăn để góp phần gìn giữ biển trời tổ quốc” - BS Định chia sẻ.

Chiều 29-12, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM tại bệnh viện, chị Hiền cho biết ca mổ tim cho Thế Phong thực hiện hôm 7-12. Hôm nay là lần tái khám thứ ba. Các BS đánh giá ca phẫu thuật của bé đến nay thành công 90%. “Để đảm bảo cho con phục hồi tốt sau phẫu thuật, gia đình sẽ về Khánh Hòa chờ lần tái khám thứ tư, sau bốn tháng nữa. Chồng tôi sẽ ra Song Tử Tây trước, khi nào sức khỏe Thế Phong ổn định, hai mẹ con tôi sẽ ra sau” - chị Hiền cho biết.

Theo ThS-BS Cao Đằng Khang, khoa Phẫu thuật tim mạch - BV ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết do các vấn đề về van tim của bé chỉ mới được sửa tạm thời. Vì vậy, sau phẫu thuật bé cần được tái khám và theo dõi định kỳ cho đến khi lớn. Tuy nhiên, gia đình sống ngoài đảo, di chuyển khó khăn nên BS khoa phẫu thuật tim mạch đã thành lập một hồ sơ ghi rõ quá trình điều trị, những vấn đề hiện tại của bé, những biến chứng, vấn đề cần theo dõi để các BS ngoài đảo dễ dàng theo dõi.

___________________________________

Bệnh tim bẩm sinh có tỉ lệ 1/100. Hầu hết các bé mắc bệnh này xuất phát từ nhiều nguyên nhân như mẹ chịu tác động từ yếu tố môi trường bất lợi, nhiễm trùng, nhiễm siêu vi trong quá trình mang thai… một tỉ lệ nhỏ do di truyền.

Khi khám thai, nếu phát hiện con mắc tim bẩm sinh, các bậc cha mẹ cần phối hợp tốt với các bệnh viện sản khoa lập ra kế hoạch sẵn sàng phẫu thuật cho em bé.

PGS-TS-BS NGUYỄN HOÀNG ĐỊNH, Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch - BV ĐH Y Dược TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm