Cô bé “mai rùa” xuất viện khỏe mạnh

“Ai chọc con con sẽ chọc lại”

Sau hơn một tháng trải qua ca phẫu thuật tách “mai rùa”. Cô bé Trần Thị Ngọc Thắm (Sóc Trăng) hay còn gọi là “cô bé lưng rùa” sáng 10-7 đã cùng mẹ chuẩn bị đồ đạc về quê, hòa nhập với cuộc sống bình thường như bao bạn trẻ khác.

Từ sáng sớm, Ngọc Thắm được mẹ dắt đi vòng quanh BV Nhi đồng 1, mua những chú búp bê nhỏ xinh về quê làm kỷ niệm. Cô bé mân mê búp bê trên tay, chia sẻ. “Con về nhà sẽ đi học lại, đi chơi với các bạn. Từ nay không còn mai rùa nữa. Nếu từ nay ai chọc con, con sẽ chọc lại”.

Một tháng ở lại BV Nhi đồng 1 chăm con, xa gia đình. Mọi thứ ở nhà trông hết vào chồng, sống ở BV nhờ sự giúp đỡ từ phòng Công tác xã hội BV và những nhà hảo tâm. Nhận được thông báo xuất viện, nhìn con khỏe mạnh chính là niềm hạnh phúc lớn hơn ai hết của người mẹ, chị Thạch Thị Đa Ni. Với chị Ni, từ nay con sẽ không còn bị bạn bè chọc phá, không còn bị xem là “đứa bé quỷ ám” như những tháng ngày qua nữa.

Cô bé “mai rùa” xuất viện khỏe mạnh ảnh 1
Mẹ con em bé "mai rùa" hạnh phúc ngày xuất viện. ẢNH: HÀ PHƯỢNG

Trước lúc rời khỏi BV, chị luôn cười tươi vui vẻ. “Sức khỏe bé tốt lắm, nó chạy tung tăng được rồi. Vết thương trên lưng với trên chân đều bình thường. Giờ bé có thể nằm được, lăn được, chỉ còn hơi đau nữa thôi” - chị Ni nói.

Nhìn con khỏe mạnh sau nhiều năm bó tay do cuộc sống gia đình quá khó khăn, người phụ nữ này luôn nhắc đi nhắc lại lòng biết ơn đối với các bác sĩ BV Nhi đồng 1. “Giờ mừng lắm, cảm ơn các bác sĩ rất nhiều. Gia đình biết ơn các bác lắm. Nếu không có các bác tôi cũng không biết phải làm thế nào. Chiều về nhà, sẽ xin cho bé đi học trở lại để sau này còn ráng mà đền đáp công ơn các bác sĩ dành cho gia đình”.

Tất cả đã thành công

Niềm hạnh phúc ngày xuất viện của “cô bé mai rùa” không chỉ là của riêng gia đình. Đó là sự theo dõi sát sao, kỹ lưỡng của đội ngũ bác sĩ BV Nhi đồng 1, BS Đào Trung Hiếu - Phó Giám đốc BV Nhi đồng 1 cho biết “Với những ca mổ quan trọng thế này chúng tôi luôn theo dõi sát sao để nhìn thấy được sự thay đổi. Sự chờ đợi của cả một êkíp rồi cũng đạt được. Mặc dù chúng tôi đã lên kế hoạch ghép da lần hai sau phẫu thuật nhưng thật sự may mắn là em bé phục hồi tốt. Niềm hạnh phúc hiện tại là của tất cả mọi người. Từ nay, bé đã không còn tâm lý nặng nề vì bạn bè chọc, từ nay bé có thể vui vẻ tắm biển, không bị tổn thương và mặc cảm về tâm lý và có thể chơi những thứ mình thích” - BS Hiếu chia sẻ.

Về khía cạnh kỹ thuật và sức khỏe, như đã biết vấn đề lớn nhất của cô bé là sau phẫu thuật làm thế nào để có đủ miếng da ghép phủ lên trên phần mai rùa bị cắt đi. Do diện tích cắt bỏ rất lớn chiếm gần như toàn bộ phần lưng của em bé. Vì vậy phải tính toán vấn đề là đủ có da ghép và giải pháp lấy da trên đùi em bé để phủ lên mặt ghép đã thành công.

Cô bé “mai rùa” xuất viện khỏe mạnh ảnh 2
Từ nay chiếc "mai rùa" đã hoàn toàn biến mất trên lưng cô bé. ẢNH: HÀ PHƯỢNG

Quan trọng không kém là vấn đề nhiễm trùng, băng bó vết thương hậu phẫu cắt "mai rùa". Vì vậy, bác sĩ đã tính toán làm thế nào để dùng thuốc kháng sinh để ngừa nhiễm trùng cho em bé và điều quan trọng nhất là phải chăm sóc mỗi ngày, thay băng vết thương đúng quy định.

“Nếu băng bó thô bạo quá thì mảnh da ghép có thể bong ra do động tác của mình, do vậy kỹ thuật này cũng hết sức chuyên nghiệp để làm sao vừa thay băng vừa kiểm soát được nhiễm trùng đồng thời bảo vệ được mảnh da ghép. Trong vòng 10 ngày đầu sau khi lấy mảnh da ghép thì đánh giá ngay buổi đầu thành công miếng da ghép đã dính 70%. Đến hôm nay miếng da dính đã đạt 95% và chỉ còn 5% còn lại nên em bé hoàn toàn có thể xuất viện” - BS Hiếu đánh giá.

BS Hiếu cho biết thêm đối với những vệ tinh gần mai rùa nhất đã được xử lý và chắc chắn những vệ tinh ở xa không bao giờ lớn như mai rùa kia mặc dù nó có thể theo bé đến hết cuộc đời.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm