Cuộc chạy đua ghép tạng có một không hai

Để quá trình ghép thận giữa người cho chết não và người sống diễn ra thành công, các y bác sĩ luôn tự đòi hỏi mình “phải chính xác từng milimet một và không được xảy ra sơ sót”.

Con hiến tạng mẹ

Vừa thực hiện thành công ca ghép thận cuối ngày, Thầy thuốc ưu tú, TS-BS Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người, BV Chợ Rẫy (TP.HCM), mới có thể “rảnh tay chút” mà ngồi lại, tường thuật cho chúng tôi nghe về cảm giác hồi hộp vẫn y nguyên sau gần ba ngày chạy đua ghép gan, thận (diễn ra từ ngày 24-3). Đối với BS Thu và cả êkíp, đây là một trải nghiệm rất đặc biệt.

BS Thu kể lại: “Mấy chục năm qua có lẽ đây là lần tôi sẽ nhớ mãi vì nó hoàn toàn khác so với những ca trước. Ngay từ người cho là một phụ nữ bị tai nạn giao thông và người quyết định hiến là những cô con gái tuổi còn rất nhỏ. Mặc dù biết nguồn tạng cần rất lớn nhưng không phải ai cho BV cũng sẵn sàng nhận”.

Vì vậy, khi nhận được nguyện vọng từ gia đình, bác sĩ giám đốc đã chỉ đạo rà lại luật, phải xem xét chắc chắn ở tuổi nào được quyền quyết định. Đồng thời cử người đi nói chuyện với gia đình, giải thích rất nhiều lần về cho tạng cho các bé hiểu.

“Tôi vẫn nhớ, đến lượt mình nói chuyện với các em, mọi nghi ngờ trong tôi ngay lập tức tan biến, tụi nhỏ khẳng định “Chết cũng là hết thôi, chết rồi cũng thành tro bụi, ngày xưa mẹ em tốt với người ta lắm. Bây giờ chết cũng vậy, em tin mẹ sẽ đồng ý”. Kể từ câu nói đó chúng tôi bắt tay vào một cuộc chạy đua chính thức” - BS Thu bắt đầu câu chuyện.

Êkíp thực hiện ca ghép tạng căng thẳng của BV Chợ Rẫy, TP.HCM. Ảnh: HP

Chạy đua với thời gian

Đơn vị điều phối đặt ra trường hợp người mẹ từng có vấn đề về tim, không thể xác định được khi nào ngưng tim, chết não và diễn tiến xấu lúc nào từ chiều đến tối. Do đó, khi nhận được kết quả xét nghiệm giang mai âm tính từ người cho vào lúc 15 giờ 30, trưởng đơn vị điều phối báo cáo tình hình lên cấp trên. Ngay lập tức giám đốc BV Chợ Rẫy cùng BS Thu dùng điện thoại di động cá nhân triệu tập cuộc họp khẩn vào lúc 16 giờ cùng ngày.

Sau hai giờ căng thẳng, cuộc họp chấm dứt. Khi ấy người hiến cho được hai thận, gan và giác mạc. Danh sách chờ thận khá nhiều nên BV khá dễ dàng tìm người nhận, giác mạc cũng vậy. Duy chỉ có khó khăn khi danh sách chờ ghép gan có hai người phù hợp với nhóm máu người cho. Một người ở tận Kiên Giang, bị ung thư gan trên nền viêm gan siêu vi C. Bệnh nhân này đăng ký sáu tháng, tình trạng đã rất nặng và tiên lượng sống thấp. Người còn lại hiện nằm tại BV ĐH Y Dược, sức khỏe ổn hơn, có con trai cho gan, dự kiến ca phẫu thuật được thực hiện vào tháng 7-2017. Sau khi xem xét, BV ưu tiên cho người bệnh từ Kiên Giang.

Hơn 18 giờ, BV Chợ Rẫy gọi điện thoại trực tiếp đến BV Kiên Giang nhờ tạo điều kiện cho xe cấp cứu đưa bệnh nhân lên BV Chợ Rẫy nhanh nhất có thể. Dự kiến các xét nghiệm khu trú cho người này sẽ hoàn tất trước 22 giờ. Ca ghép gan sẽ được thực hiện vào 2 giờ sáng nếu không có gì thay đổi.

Cùng lúc đó, sợ tim người cho có thể ngừng đập bất cứ lúc nào nên bác sĩ hồi sức ngoại thần kinh phải sử dụng vận mạch gấp đôi liều cao nhất để giữ cho tim đập đến lúc tìm được người ghép.

“Một nhóm làm xét nghiệm, êkíp khác lại thay phiên nhau căng thẳng theo dõi màn hình để nắm chỉ số sinh hiệu của bệnh nhân. Sự tập trung cao độ thể hiện rõ trên từng khuôn mặt và trên từng bước chân của mỗi y bác sĩ. Tất cả đều nhận thức được món quà thiêng liêng của người cho, chúng tôi không cho phép mình để một sai sót nào xảy ra với ca ghép. Cũng vì lẽ đó, phương án hai của BV cũng được các bác sĩ tính tới. Nếu tình hình người hiến nguy cấp, không đợi kịp xe đưa bệnh nhân từ Kiên Giang lên êkíp buộc phải tiến hành ghép gan cho bệnh nhân tại TP.HCM” - BS Thu kể lại.

Người nhận từ chối phút cuối

Ngay tối hôm đó, BV Chợ Rẫy lại thiếu phòng. Toàn bộ êkíp đã phải dời những ca phẫu thuật sau sang phòng khác, hẹn lại hai ca ghép thận để tập trung toàn sức cho ca ghép gan. Mọi người đều hồi hộp chờ đợi, căng thẳng từng phút một.

Chuyến xe từ Kiên Giang mãi đến 1 giờ sáng mới có mặt tại BV Chợ Rẫy. May sao tình trạng người cho vẫn chưa diễn tiến xấu nhất, do vậy bệnh nhân này được làm nhanh các xét nghiệm khu trú.

Tuy nhiên, êkíp phẫu thuật khá buồn khi người này từ chối nhận gan với lý do êkíp ghép gan không có nhóm chuyên gia từ Hàn Quốc sang. Nhưng cảm giác hụt hẫng chỉ xuất hiện trong vài phút, phương án hai ngay lập tức đưa vào. Hai phòng phẫu thuật lại sáng đèn.

“Đó là một ca ghép căng thẳng. Từng vết mổ, vết cắt tỉ mỉ đều bắt buộc phải thành công. Vì nếu thất bại, tất cả chúng tôi sẽ rất có lỗi với người nhận và với cả người hiến tạng. Sau gần 12 tiếng, ca phẫu thuật hoàn thành ổn thỏa” - BS Thu nhớ lại.

Theo BS Thu, khi một bác sĩ được chứng kiến từ đầu đến cuối tinh thần cứng rắn, quyết liệt từ cô gái quyết định hiến tạng mẹ mình; chứng kiến sự phấn đấu của một tập thể, chạy đua, vật vờ canh diễn tiến bệnh nhân; chứng kiến không khí làm việc giống như gia đình thì mới cảm nhận hết niềm hạnh phúc lớn lao khi ca ghép tạng thành công”.

Đến nay, những ca phẫu thuật ghép tạng, giác mạc từ trường hợp này đều đã thành công. Với quyết định thiêng liêng một mạng người đã hồi sinh cho bốn người khác đang bên lề cái chết.

Ba ca ghép gan, thận diễn ra song song và thành công trong ba ngày. Tiếp đó giác mạc của người cho sẽ chuyển sang ghép cho bệnh nhân ở BV Nguyễn Trãi. “Đội ngũ ghép tạng đã chứng kiến rất nhiều những ca sắp chết não xin về, những trường hợp hồi sức đến chờ hiến tạng nhưng không kịp. Một ca ghép tạng phải trải qua bao nhiêu khó khăn mới tìm được người phù hợp để thực hiện. Vì thế, ai ai cũng trân quý từng ca ghép tạng dù dễ dàng hay khó khăn. Mọi nỗ lực đều rất thiêng liêng và cao đẹp” - ThS Lê Minh Hiển, Trưởng phòng Công tác xã hội, BV Chợ Rẫy, đánh giá.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm