Dịch bệnh rình rập trẻ mùa tựu trường

“Mùa tựu trường là thời điểm hàng loạt dịch bệnh nguy hiểm như sốt xuất huyết (SXH), tay-chân-miệng (TCM), cúm mùa… bước vào đỉnh dịch. Các dịch bệnh nguy hiểm khác như sởi, quai bị, thủy đậu, não mô cầu, phế cầu… cũng đang rình rập trẻ” - BS Phạm Văn Hoàng, Trưởng khoa Khám bệnh BV Nhi đồng 1 (TP.HCM), cảnh báo khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM. Theo BS Hoàng, nếu nhà trường và phụ huynh không chủ động phòng, chống ngay từ đầu, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập, bùng phát trong trường học là rất lớn.

. Phóng viên: Thưa bác sĩ, vì sao mới vào mùa tựu trường lại phải cảnh giác cao độ các loại dịch bệnh tấn công trẻ?

+ BS Phạm Văn Hoàng: Mùa học sinh (HS) tựu trường trùng với giao mùa từ hè sang thu, đây là thời điểm thuận lợi cho nhiều loại virus, vi khuẩn gây bệnh, muỗi truyền bệnh phát triển. Trong đó, đỉnh dịch SXH thường rơi vào khoảng tháng 7 đến tháng 10 hằng năm. Dịch TCM cũng có chu kỳ tăng mạnh trong những tháng cuối năm, trùng với thời điểm HS tựu trường. HS, nhất là trẻ mẫu giáo (từ năm tuổi trở xuống) là nhóm có nguy cơ mắc TCM cao nhất.  Vào thời điểm tựu trường, số lượng trẻ mắc các bệnh đường hô hấp, cúm cũng thường gia tăng. Đây là các bệnh mà phụ huynh và nhà trường có thể đề phòng trước như hướng dẫn HS ăn mặc đủ ấm trong thời tiết chuyển mùa, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, giữ gìn vệ sinh cá nhân, ăn uống đủ chất… Trong lớp học của nhiều trường có máy lạnh không được mở 24/24 giờ, chỉ mở vào giờ trưa và để ở nhiệt độ 28oC. Nên mở thông thoáng cửa, ánh sáng có thể diệt một số loại vi khuẩn nguy hiểm. Bởi trong môi trường máy lạnh, một số loại vi khuẩn nguy hiểm phát triển, đặc biệt là vi trùng lao.

Ăn uống hợp vệ sinh là một trong những cách phòng ngừa các bệnh mùa tựu trường. Ảnh: HTD

. Còn đối với các dịch bệnh lây nhiễm nguy hiểm như não mô cầu, phế cầu rất dễ lây trong trường học, phòng bệnh như thế nào?

+ Đối với nhóm bệnh do vi trùng như não mô cầu và phế cầu nếu xuất hiện trong môi trường trường học có đông HS thì rất nguy hiểm vì đường lây của chúng rất nhanh qua đường hô hấp, dịch tiết khi ho. Bệnh não mô cầu gây viêm họng, nhiễm trùng huyết, viêm màng não diễn tiến rất nhanh với các triệu chứng như nổi ban xuất huyết toàn thân, sốc, hôn mê. Ở thể tối cấp bệnh nhân tử vong rất nhanh. Do vậy phụ huynh cần tham khảo ý kiến bác sĩ để tiêm ngừa sớm cho trẻ, tránh trường hợp khi có dịch bệnh thì ùa nhau đi tiêm vaccine như 3-4 năm về trước khiến vaccine khan hiếm.

Đối với bệnh phế cầu (viêm phổi, viêm màng não do vi trùng phế cầu) thì đã có vaccine phế cầu gắn kết với protein, hiệu quả bảo vệ trẻ trên 70%.

. Còn những loại dịch bệnh nào khác, bác sĩ muốn lưu ý đến phụ huynh?

+ Đó là các dịch bệnh sởi, quai bị, thủy đậu, tiêu chảy cấp… Với trẻ 6-7 tuổi, phụ huynh cần tiêm nhắc lại cho trẻ vaccine ngừa sởi, quai bị và cả thủy đậu nếu có điều kiện. Đối với bệnh tiêu chảy cấp, lời khuyến cáo là bếp ăn nhà trường phải sạch sẽ từ dụng cụ chế biến đến thực phẩm và kiểm tra bếp ăn thường xuyên. Phải có nơi rửa tay cho các cháu và đặc biệt chú ý là nhà vệ sinh phải sạch sẽ. Không khuyến khích trẻ ăn quà vặt trước cổng trường…
. Theo bác sĩ, trước mắt ngành y và ngành giáo dục cần phải làm gì khi dịch bệnh chưa xảy ra?

+ Ngành giáo dục cần phối hợp chặt chẽ với ngành y tế để tổ chức phổ biến, hướng dẫn kiến thức phòng bệnh, cách nhận biết triệu chứng một số bệnh thường gặp ở trẻ để từ đó tuyên truyền đến HS, phụ huynh chủ động phòng bệnh cho trẻ. Khi có một ca bệnh ở trường học thì phải cách ly trẻ với các bạn khác bằng cách cho trẻ ở nhà, đồng thời tổ chức các biện pháp dập dịch sớm.

. Xin cám ơn bác sĩ!

Trẻ mắc sốt xuất huyết và tay-chân-miệng tăng nhanh

Bệnh nhi SXH đang tăng nhanh. Từ tháng 7 đến nay, số bệnh nhi mắc SXH tại BV Nhi đồng 1 là trên 100 em/ngày. Tại BV Nhi đồng 1 cũng đã có sáu trẻ SXH tử vong. Tính toàn TP.HCM từ đầu năm đến nay có hơn 8.100 ca SXH nhập viện, tăng 61% so với cùng kỳ năm 2014. Trước diễn biến phức tạp của bệnh SXH, các trường học cần tăng cường giữ vệ sinh môi trường thông thoáng để hạn chế muỗi và tiêu diệt lăng quăng.

Bên cạnh đó, hai tuần qua số trẻ mắc bệnh TCM cũng đã bắt đầu gia tăng. Từ đầu năm đến nay toàn TP.HCM có hơn 4.500 trường hợp TCM nhập viện, trung bình khoảng 100-150 ca nhập viện/tuần. Nhà trường cần phối hợp với ngành y tế vận động phụ huynh, HS thường xuyên thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng bệnh như rửa tay bằng xà phòng, giữ vệ sinh chung,... Các trường mẫu giáo thường xuyên rửa sạch bàn tay cho trẻ.

____________________________________

40.000 là số trường học trong cả nước tính tới năm học mới 2015-2016. Trường học là nơi tập trung đông người nên có thể thành môi trường thuận lợi để các dịch bệnh phát sinh và lây lan. Công tác đảm bảo vệ sinh trường học còn nhiều nơi chưa đạt tiêu chuẩn, đặc biệt là vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Để năm học mới 2015-2016 diễn ra tốt đẹp, đảm bảo sức khỏe trong nhà trường, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo nhà trường cần phối hợp với ngành y tế để tăng cường hoạt động truyền thông giáo dục kiến thức, thay đổi hành vi, đồng thời tổ chức khám sức khỏe cho HS-SV hằng năm nhằm phát hiện sớm và điều trị bệnh kịp thời, tránh lây lan trong cộng đồng…

Trích văn bản Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) về phòng ngừa dịch bệnh đầu năm học 2015-2016

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm