Hàng vạn 'bé gái ' biến mất

Tại chương trình “Chung tay giải quyết mất cân bằng giới tính khi sinh” tổ chức mới đây tại TP Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam đã và đang trở thành vấn đề báo động. Hiện nay tỉ lệ này đã ở mức 113,8 bé trai sinh ra sống so với 100 bé gái sinh ra sống và có chiều hướng tiếp tục gia tăng, lan rộng ra khắp mọi miền đất nước. Bộ trưởng Tiến lên tiếng kêu gọi cộng đồng “hãy chung tay bảo vệ quyền được sinh ra của các bé gái”.

Bé trai nhiều hơn bé gái là tình trạng đáng lo ngại hiện nay. Hình minh họa 

4,3 triệu đàn ông không lấy được vợ

Chia sẻ về những hậu quả của vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh, BS Trần Văn Trị, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM, cho biết với tốc độ tăng dân số và sự chênh lệch về tỉ số giới tính khi sinh ngày càng cao như hiện nay thì trong những năm tới Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề xã hội khó khăn. Sự chênh lệch tỉ số giới tính khi sinh sẽ dẫn đến tình trạng thừa nam, thiếu nữ trong độ tuổi kết hôn. “Theo phân tích và dự báo, trong vòng 20-30 năm nữa sẽ có từ 2,3 triệu đến 4,3 triệu đàn ông Việt Nam không lấy được vợ” - BS Trị nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, theo BS Trị, mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ làm thay đổi cơ cấu dân số trong tương lai. Cụ thể: Thiếu hụt phụ nữ ở độ tuổi lập gia đình dẫn đến một tỉ lệ nam giới phải trì hoãn xây dựng gia đình, đặc biệt là nam giới nghèo, vị thế xã hội thấp. Cấu trúc gia đình thay đổi đáng kể vì một bộ phận nam giới có thể phải lựa chọn hay rơi vào tình trạng sống độc thân.

“Điều này sẽ gây ra những bất ổn về trật tự an toàn xã hội ở cộng đồng; gia tăng tệ nạn mại dâm, buôn bán trẻ em gái, phụ nữ; gia tăng bạo lực giới và các loại tội phạm xã hội khác” - BS Trị nói.

In và bày bán tài liệu hướng dẫn chọn giới tính khi sinh là hành vi bị cấm. Ảnh: TRẦN NGỌC

Hàng vạn bé gái “biến mất”

Theo một báo cáo của Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam (UNFPA), xuất phát điểm đầu tiên của việc lựa chọn giới tính thai nhi là việc biết trước giới tính của thai nhi. Một kết quả điều tra biến động dân số gần đây cho thấy tỉ lệ phụ nữ biết giới tính của thai nhi trước khi sinh chiếm 63,5%-66%. Trong số những người biết trước giới tính thai nhi có 98% biết qua phương pháp siêu âm, tỉ lệ số người biết giới tính của con trong thời gian sau 16 tuần mang thai là 80%. Tỉ lệ các ca phá thai lựa chọn giới tính chiếm khoảng 8% là phụ nữ chưa có con trai. Báo cáo này cũng nhận định rằng nếu thừa nhận tỉ lệ phụ nữ chưa có con trai biết giới tính thai nhi trước sinh là 63,5% thì tỉ lệ phá thai lựa chọn sẽ vào khoảng 13%.

Đây là tỉ lệ không hề nhỏ. Với tỉ lệ này cho thấy nếu tính bình quân mỗi năm cả nước có 1,2 triệu trẻ ra đời thì số bé gái “biến mất” do các bậc cha mẹ chọn giới tính có thể lên đến con số hàng vạn.

Pháp luật nghiêm cấm

Hiện những tiến bộ khoa học đã vô tình “hỗ trợ” các ông bố, bà mẹ thực hiện lựa chọn giới tính thai nhi khá dễ dàng trước lúc có thai (chế độ ăn uống, chọn ngày phóng noãn…), trong lúc thụ thai (chọn thời điểm phóng noãn, chọn phương pháp thụ tinh, lọc rửa tinh trùng…) hoặc sau khi có thai (sử dụng siêu âm, chọc hút dịch ối…). “Những hành vi này bị pháp luật nghiêm cấm” - BS Trị nhấn mạnh.

Trường hợp nào được phá thai?

Chỉ có hai lý do cho phép dẫn đến việc phá thai: Sự quyết định của cá nhân có nhu cầu hoặc do chỉ định điều trị của nhân viên y tế.

Việc quyết định của cá nhân có nhu cầu phá thai được quy định tại khoản 1, Điều 44 Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân với nội dung: “Phụ nữ được quyền nạo thai, phá thai theo nguyện vọng”. Đối với ngành y tế, việc chỉ định thực hiện thủ thuật phá thai chỉ được áp dụng khi đó là một lựa chọn cuối cùng để cứu sống thai phụ hoặc kết thúc thai kỳ khi phát hiện thai nhi có rất nhiều nguy cơ bệnh tật bẩm sinh ảnh hưởng thể chất, trẻ sinh ra có thể bị tàn tật, tàn phế suốt đời.

Việc phá thai chỉ được thực hiện trên cơ sở đã trao đổi thống nhất đối với thai phụ cùng gia đình. “Ngoài hai lý do trên, mọi hành vi loại bỏ giới tính thai nhi để lựa chọn giới tính bị pháp luật nghiêm cấm và định mức xử phạt theo Điều 84, Nghị định 176/2013/NĐ-CP” - BS Trị cho biết.

Bên cạnh các chế tài xử phạt, hiện TP.HCM đang kiến nghị trung ương sớm xây dựng các chính sách hỗ trợ xã hội chủ yếu cho người già, trẻ em gái để cơ bản giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Ngoài ra cũng cần điều chỉnh chính sách, pháp luật về dân số với hình thức tăng nặng hình phạt trong việc nghiêm cấm lựa chọn giới tính khi sinh dưới mọi hình thức.

BS TRẦN VĂN TRỊ, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số-
Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm