Hi hữu bệnh nhân tử vong khi gây tê tủy sống

Chị Lưu Thị Hồng Lý (SN 1982, con gái bệnh nhân Loan) cho biết, vào ngày 18/5, bà Loan bị tai nạn xe máy nên gia đình đưa bà Loan vào Bệnh viện để điều trị. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán bà Loan bị trật khớp hông.

“Đến khoảng 10h30 ngày 21/5, mẹ tôi được chuyển lên phòng 7, tầng 6 Khoa hồi sức tích cực ngoại tiến hành gây tê để giật lại khớp và khi đó bác sĩ có tiêm loại thuốc marcain để gây tê cho mẹ tôi. Hai tiếng sau khi gây tê, bác sĩ thông báo với gia đình là bệnh nhân đã ngừng tim và sau đó đã lấy lại được nhịp tim. Mẹ tôi đã được chuyển xuống tầng 1 Khoa hồi sức tích cực ngoại để tiếp tục điều trị. Chiều 21/5 bác sĩ yêu cầu gia đình cho bệnh nhân được chạy thận, lọc máu vì mỡ máu tăng quá cao. Lúc đó gia đình đồng ý với hi vọng còn nước còn tát và chỉ biết giao tính mạng mẹ tôi cho bác sĩ”, chị Lý cho biết.

“Chiều 22/5, gia đình tôi phát hiện dịch trong miệng mẹ tôi trào ra có màu vàng và mùi khó chịu, người có hiện tượng trương và lạnh. Khi đó, gia đình chúng tôi có yêu cầu nếu Bệnh viện đã làm tử vong mẹ tôi thì xác nhận để gia đình tôi đưa bà về mai táng. Tuy nhiên, Bệnh viện trả lời là vẫn còn khả năng cứu sống vì tim vẫn còn đập thì Bệnh viện vẫn còn cứu được. Mẹ tôi sau đó được bác sĩ dùng thuốc và máy kích trợ tim để tim hoạt động. Đến 7h5’ ngày 24/5 bác sĩ thông báo với gia đình tôi là mẹ tôi đã tử vong”, chị Lý cho biết thêm.

Sau khi bà Loan tử vong, người nhà nạn nhân đã có những phản ứng quyết liệt như để xác bà Loan ở chỗ đông người và yêu cầu bệnh viện ký nhận là đã gây ra cái chết của bà Loan. Đồng thời người nhà nạn nhân còn đưa cả video bà Loan nằm trong phòng cấp cứu với miêu tả là bà Loan đã chết từ nhiều ngày trước.

Chiều ngày 24/5, Tiến sĩ Nguyễn Quang Tập, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp cho biết, nguyên nhân dẫn đến việc bệnh nhân Đào Thị Loan tử vong sau khi tiêm thuốc gây tê là do sốc phản vệ.

“Ngay khi phát hiện biến chứng của bệnh nhân Đào Thị Loan, các bác sĩ đã tích cực cấp cứu, xử trí đúng phác đồ. Khi bệnh nhân Loan tử vong, bệnh viện đã báo cáo lên Sở Y tế Hải Phòng. Đồng thời sở Y tế Hải Phòng cũng thành lập hội đồng chuyên môn do Dược sỹ CKII, PGĐ Sở Y tế Hải Phòng làm chủ tịch hội đồng. Ngoài ra còn có PGS.TS Nguyễn Quốc Kính, PGS.TS Nguyễn Xuân Thùy ( Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức), Th.S Bùi Văn Khánh (Bệnh viện Bạch Mai) và một số bác sĩ đầu ngành khác tham gia hội đồng. Hội đồng xác định không có sai sót trong chuyên môn kỹ thuật dẫn đến tử vong của bệnh nhân Đào Thị Loan. Về nguyên nhân tử vong của bệnh nhân Loan có thể có 2 khả năng sốc phản vệ mức độ nặng và tắc mạch phổi cấp tính. Tuy nhiên để xác định tắc mạch phổi cấp tính hay không cần phải mổ tử thi”, Tiến sĩ Tập cho biết.

PGS.TS Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch hội hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam, Trưởng khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai nhận định: “ Bệnh nhân được làm đúng các quy trình theo quy định về chẩn đoán và chuẩn bị trước mổ. Chỉ định phương pháp vô cảm cũng như điều trị hoàn toàn phù hợp. Bệnh nhân xuất hiện ngừng tuần hoàn đột ngột sau khi gây tê tủy sống có thể do hai nguyên nhân do sốc phản vệ và nhồi máu phổi mức độ nguy kịch. Khả năng tử vong là không thể tránh khỏi trong cả hai tình huống này”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm