Khuyến cáo phòng bệnh viêm gan A

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết viêm gan A là bệnh do virus gây ra, người bị bệnh có thể bị giảm chức năng gan. Bệnh dễ lây nhưng khi điều trị có thể hồi phục hoàn toàn.

Tại Việt Nam, bệnh lưu hành rải rác, tập trung ở một số tỉnh khu vực Tây Nguyên, đặc biệt là nơi có điều kiện vệ sinh kém. Virus viêm gan A có thể tồn tại trong môi trường, thức ăn, nguồn nước, đồ dùng gia đình..

Ông Phu khuyến cáo có thể phòng tránh bệnh viêm gan A bằng cách thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, nguồn nước; xử lý phân, chất thải của người bệnh, rác thải, nước thải; thực hiện ăn chín, uống chín; không dùng chung đồ dùng sinh hoạt cá nhân với người có bệnh; thực hiện tiêm vaccine phòng bệnh viêm gan A.

Trước đó, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) đã chỉ đạo tất cả đơn vị kiểm dịch thực vật của Cục tại các cửa khẩu trên cả nước, rà soát việc nhập khẩu trái cây đông lạnh từ Trung Quốc vào Việt Nam trong năm 2014 và đầu năm 2015 đến nay.

Theo kết quả rà soát, trái cây đông lạnh có nguồn gốc từ Trung Quốc chỉ được nhập khẩu vào Việt Nam qua cảng Cát Lái, TP.HCM. Các cửa khẩu khác không nhập quả đông lạnh từ Trung Quốc. Năm 2014, Việt Nam nhập 125 tấn trái cây và từ đầu năm 2015 đến nay có 35 tấn trái cây đông lạnh các loại có nguồn gốc từ Trung Quốc được nhập vào Việt Nam để làm nguyên liệu chế biến. Tuy nhiên, không có quả đông lạnh đóng gói mang nhãn hiệu Nanna’s Frozen Mixed Berries hoặc Creative Gourmet Berries. Công ty Parties Food cũng không xuất khẩu quả đông lạnh sang Việt Nam.

Theo truyền thông Úc, khoảng 450.000 người Úc có thể đã ăn các quả đóng gói bị nghi ngờ chứa virus gây bệnh viêm gan A. Hiện 18 người đã được chẩn đoán mắc bệnh, các chuyên gia lo ngại nhiều trường hợp sẽ phát bệnh trong thời gian tới. Hơn 70.000 gói trái cây Trung Quốc của Công ty Patties Foods bán mỗi tuần tại Úc được cho là nguồn virus gây bệnh này cho những người ăn phải. Nguyên nhân được cho là do nguồn nước của nơi chế biến bị nhiễm vi sinh vật hoặc quá trình chế biến, đóng gói không đảm bảo vệ sinh. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm