Lạm dụng truyền dịch, coi chừng tai biến

Vụ một nữ sinh viên tử vong sau khi vừa truyền dịch (dân gọi thường gọi là vô nước biển) ở một phòng khám đa khoa tại quận Tân Phú (TP.HCM) hôm 12-6 vừa qua là một tiếng chuông cảnh báo.

Để đề phòng tai biến, nhân viên y tế và cả người bệnh nhất thiết không được tự ý truyền dịch mà chưa có chỉ định của bác sĩ. Ảnh: HTD

Theo các bác sĩ, việc truyền dịch bao gồm nhiều loại (chất điện giải, dinh dưỡng, gluco…) tùy tiện, bất chấp không có chỉ định của bác sĩ có thể tiềm ẩn những nguy hiểm khó lường, thậm chí tử vong.

Mệt, truyền dịch sẽ khỏe ngay?

Chiều 14-6, bà Lê Thị Tâm (quận 5, TP.HCM) than vãn với con gái rằng tự dưng khó thở, nhức đầu. Ngay lập tức con gái bà Tâm đưa bà đến phòng mạch gần nhà thực hiện công việc quen thuộc là truyền dịch.

Bà Tâm cho hay mỗi tháng bà truyền dịch 1-2 lần theo thói quen. Ngoài ra, khi nào mệt bà vẫn đến nhà thuốc để truyền dịch. Theo bà Tâm, bà truyền dịch thường xuyên rồi nên giờ lâu không có lại lấy thiếu, mệt người. Đặc biệt, truyền dịch xong lúc nào bà cũng thấy sức khỏe tốt hơn, tinh thần rất phấn chấn. “Xưa giờ tôi vẫn được khuyên nên truyền dịch đều đặn để có thể loại bỏ các chất độc hại. Cơ thể tiếp nhận những chất dinh dưỡng mới, giúp khỏe hơn” - bà Tâm nói.

Có con gái học CĐ y, vì vậy chị Đinh Bảo Trân (Ea H'leo, Đắk Lắk) sắm ngay tại gia đình dây truyền nước rất tiện lợi. Chị Trân cho hay nhà có con học y, gia đình chỉ cần mua chai nước biển về để đó, khi nào mệt thì cho con gái nối ống, đặt kim tiêm và truyền dịch. Vừa không phải đi xa, mà chẳng tốn kém là mấy. Gia đình chị Trân không truyền dịch định kỳ hay theo chu kỳ nào cả. Chỉ là khi nào thấy người mệt, nóng sốt thì sẽ truyền cho khỏe lại.

Người dân phải thay đổi quan điểm là truyền dịch phải đúng và có chỉ định của bác sĩ. 

Không chỉ tại một số phòng khám tư mới có tình trạng truyền dịch xảy ra vô tội vạ, mà ngay tại một số gia đình có người già, người ốm cũng mời y tá đến truyền dịch tại nhà.

Chị NTL (ngụ phường 1, quận 8, TP.HCM) chia sẻ một kinh nghiệm cay đắng về việc lạm dụng truyền dịch. Chị L. cho hay mẹ chồng chị thường xuyên than vãn đau nhức, tụt huyết áp nhưng không chịu đi khám. Mỗi lúc như vậy mẹ chị đều gọi y tá đến nhà để truyền dịch. “Đến lúc không thể chịu được, chị đưa mẹ đến bệnh viện thì mới phát hiện nguyên nhân khiến mẹ chị bị mệt là do bướu tuyến giáp. Rất may là bướu lành, chỉ cần mổ xong là khỏe” - chị L. chia sẻ.

Khi người bệnh bị sốc do truyền dịch thì nhân viên y tế phải đánh giá đúng tình trạng người bệnh, bước đầu tiên là phải xử lý tại chỗ và nếu quyết định chuyển đến cơ sở y tế khác thì phải đảm bảo an toàn trong thời gian di chuyển.

ThS-BS ÂU THANH TÙNG 

Có thể tử vong

ThS-BS Âu Thanh Tùng, Trưởng khoa Khám bệnh BV ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết một thực tế là nhiều người bị bệnh hoặc cảm giác mệt mỏi đến khám tại cơ sở y tế đều mong muốn được truyền dịch. “Tuy nhiên đây là một quan niệm rất sai” - BS Tùng nói.

Truyền dịch hay “nước biển” là truyền dung dịch có chất hòa tan như đường, chất đạm, chất béo, một số dung dịch chứa chất điện giải như natri clorua, kali clorua, bicabonat... Ngoài ra có những chế phẩm đặc biệt như dịch truyền abumin, dịch truyền có yếu tố đông máu, tiểu cầu…

Trong thực hành hằng ngày, những chỉ định truyền dịch bao gồm: truyền dịch dinh dưỡng hoặc bù điện giải cho người bệnh trước hoặc sau mổ, đặc biệt mổ các bệnh lý của ống tiêu hóa, người bệnh bị hôn mê, rối loạn nuốt hoặc các bệnh lý thực quản, dạ dày mà người bệnh không ăn uống được, truyền dịch bù điện giải ở người bệnh bị rối loạn điện giải, truyền dịch bù nước và điện giải ở người bệnh bị phỏng, nôn ói hoặc tiêu chảy, truyền dịch ở người bệnh bị sốt xuất huyết nặng... Những trường hợp đặc biệt như truyền albumine ở người bệnh xơ gan, truyền yếu tố đông máu cho người bệnh bị rối loạn đông máu, truyền tiểu cầu cho người bệnh bị xuất huyết giảm tiểu cầu…

BS Tùng khuyến cáo người dân phải thay đổi quan điểm là truyền dịch phải đúng và có chỉ định của bác sĩ. Thông thường nếu người bệnh uống được thì tốt nhất là nên chọn cách uống. Đối với cơ sở y tế thực hiện truyền dịch phải có đầy đủ dụng cụ, trang thiết bị để xử lý khi có tai biến biến chứng. Nhân viên y tế phải có kinh nghiệm nhận biết khi người bệnh bị sốc và biết cách xử trí đúng theo phác đồ.

Theo BS Âu Thanh Tùng, bất cứ người bệnh nào khi truyền dịch đều có thể bị tai biến và biến chứng. Những tai biến, biến chứng như khi truyền dịch mà dịch thoát ra ngoài sẽ gây phù tại chỗ, gây viêm tĩnh mạch, không tuân thủ vô trùng thì sẽ gây nhiễm trùng. Đặc biệt khi truyền dịch nhanh, đối với người bệnh bị tăng huyết áp, suy tim và người lớn tuổi thì có thể bị phù phổi cấp, nghĩa là một lượng dịch lớn vào cơ thể sẽ ứ lại tại phổi làm cho người bệnh ngộp thở có thể gây tử vong. Biến chứng nguy hiểm nhất là người bệnh bị sốc, tụt huyết áp và có thể tử vong khi truyền dịch. Điểm lưu ý là bất cứ người bệnh nào cũng đều có thể bị sốc và với bất kỳ loại dịch truyền gì. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm