'Ngày Thầy thuốc buồn!'

NGÀY THẦY THUỐC BUỒN

Mấy ngày nay, mẹ tôi bị bệnh, phải đi cấp cứu. Không có thời gian vào Facebook nhưng lại có cơ hội nhìn ngành y dưới góc độ người nhà bệnh nhân. Phải nói là có những bức xúc thật sự, nhất là khi vừa bắt tay vào cuộc mổ thì nhận được tin mẹ trở nặng, mổ xong đã 3 giờ chiều, chẳng kịp ăn uống gì. Sau đó lại luẩn quẩn chờ đợi gần bốn giờ đồng hồ, chỉ để lo thủ tục nhập viện. Đến tận gần 11 giờ đêm mới xong.

Đấy là các bác sĩ, điều dưỡng đã biết tôi là đồng nghiệp. Giá như, họ nói với tôi, rằng bây giờ chưa làm được, chờ một giờ, hai giờ, tôi còn chạy đi ăn một miếng. Đằng này cứ nói sẽ làm nhanh nhất và cứ chờ đợi. Đến khi mẹ tôi nhập viện xong, không còn quán nào mở cửa, phải chạy về nhà. Nửa đêm mới được ăn bữa trưa.

Ngày thầy thuốc buồn của một bác sĩ ở Sài Gòn và góc nhìn phía sau chiến dịch Công lý cho Toàn - Ảnh 2.

Bác sĩ Võ Xuân Sơn. Ảnh: kenh14

Nhưng đấy là suy nghĩ, là cảm giác của một thân nhân bệnh nhân. Còn khi tôi bước vào phòng cấp cứu, các bác sĩ, điều dưỡng xúm quanh một bệnh nhân. Qua những câu trao đổi giữa các bác sĩ và điều dưỡng, tôi biết đấy là ca xuất huyết nội. Biết là không thể trao đổi gì nên khi anh bảo vệ mời tôi ra ngoài, tôi ngoan ngoãn đi ra.

Nửa tiếng sau tôi lại "lẻn" vô phòng cấp cứu. Vẫn cảnh tượng như lúc trước nhưng lần này là một bệnh nhân khác. Cứ như vậy, tôi cứ hy vọng, rằng xong ca này các đồng nghiệp sẽ giải quyết cho mẹ mình và rồi lại thất vọng khi hết ca này đến ca khác trở nặng và mẹ tôi cứ nằm chờ. Vậy mà sau hơn ba giờ chờ đợi, khi lên trại, chúng tôi lại phải chờ, vì bác sĩ đang cấp cứu bệnh nặng.

Sau khi nhập trại nửa giờ, bác sĩ trực mới đến gặp mẹ tôi. Bạn ấy cười méo xệch: "Em nhìn thấy anh ở cấp cứu, biết là bác cũng cần cho thuốc ngay, mà hết ca này đến ca khác, hết bệnh cấp cứu đến bệnh trên trại trở nặng". Đúng vậy. Làm sao trách được các bác sĩ, điều dưỡng, khi họ cứ phải căng mình ra mà "chiến đấu". Mẹ tôi cứ dặn đi dặn lại, rằng nếu bà có vấn đề gì, cấm anh em chúng tôi được trách móc, kiện cáo gì bệnh viện và các y, bác sĩ.

Hôm nay, sức khỏe mẹ tôi đỡ hơn, điện thoại lại sáng lên với những tin nhắn chúc mừng ngày Thầy thuốc. Tranh thủ giờ trưa không mổ (không dám xếp lịch vì chưa biết mẹ tôi sẽ bệnh thế nào). Mở Facebook ra, đọc những comment mới trong bài "Công lý cho Toàn" mà hai ngày nay tôi không đọc được. Một nỗi buồn mênh mang, nỗi buồn ngày Thầy thuốc.

Thật khó để cho mọi bệnh nhân đều hài lòng, đều thỏa mãn. Ngay cả nước Mỹ với nền y tế và dịch vụ được coi là hàng đầu thế giới mà cũng còn bao nhiêu người bệnh không hài lòng. Ca mổ mà tôi tiến hành khi nhận tin mẹ tôi trở nặng là một trường hợp đã mổ tại Mỹ nhưng không đỡ, không happy. Bệnh nhân có bảo hiểm, nếu mổ ở Mỹ sẽ không phải trả tiền nhưng rồi vẫn về Việt Nam để mổ tiếp. Ngày hôm qua, tôi tiếp hai bệnh nhân từ Mỹ, đều không happy với y tế Mỹ. Một trong hai người cũng có đủ bảo hiểm, còn người kia thì không rõ (vì mới chỉ có người nhà mang hồ sơ đến hỏi trước) nhưng rõ ràng là họ không hài lòng.

Về trường hợp của Toàn, tôi đồng ý với ý kiến của BS Trần Thị Huyên Thảo. Nếu các bạn làm căng thẳng mà không đồng ý làm pháp y, bệnh viện, hội đồng khoa học, hoặc thậm chí là Bộ Y tế sẽ phải đề nghị công an tham gia, trưng cầu pháp y, để làm sáng tỏ nguyên nhân co giật của Toàn. Thực lòng, tôi nghĩ rằng đây là giải pháp tốt nhất. Tôi còn suy nghĩ đến việc tổ chức cuộc vận động cho cho ra đời một quy định bắt buộc giám định pháp y cho mọi trường hợp tử vong, hoặc chí ít là mọi trường hợp đột tử. Các thầy thuốc không thể cứ mãi vừa bị trói tay, lại vừa bị bắt phải tạo ra những tác phẩm tuyệt hảo.

Một số bạn xoáy vào việc sốc thuốc. Vâng, cứ cho đó là sốc thuốc theo lý luận của các bạn. Vậy các bạn muốn nói lên điều gì từ đó? Việc cho thuốc có đúng không: đúng. Khi xảy ra chuyện, bệnh viện có cấp cứu kịp thời không: có. Điều dưỡng có mặt ngay trong phút đầu tiên, bác sĩ có mặt sau năm phút (theo như các bạn nói). Đó là thời gian chấp nhận được ở một khoa ngoại và không chỉ riêng ở Việt Nam. Bệnh viện đã tận tình, thậm chí miễn toàn bộ phí, kể cả trước và sau khi xảy ra cơn co giật.

Cả về tình và lý, BV Thống Nhất đều đã làm hết khả năng. Còn nếu các bạn cứ nhất quyết phải tìm cho ra nguyên nhân co giật dẫn đến cái chết của Toàn, các bạn hãy tập trung vận động gia đình, yêu cầu làm pháp y. Việc mở chiến dịch trên mạng, thậm chí ngay cả khi các bạn quốc tế hóa vấn đề, cũng sẽ chẳng sáng tỏ được điều gì. Chỉ làm đổ vỡ thêm mối quan hệ thầy thuốc - bệnh nhân và khoét sâu nỗi đau.

Ôi, một ngày Thầy thuốc buồn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm