Ngộ độc nấm và cách xử trí

Sáng 9-2, tại Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai (Hà Nội), ThS-BS Nguyễn Trung Nguyên và TS Nguyễn Tiến Dũng đã có buổi hướng dẫn người dân cách nhận biết nấm độc và xử trí khi bị ngộ độc nấm.

Theo BS Nguyễn Trung Nguyên, các vụ ngộ độc do ăn phải nấm độc thường xảy ra tại các tỉnh miền núi như Cao Bằng, Hà Giang, Thái Nguyên, Hòa Bình, Lai Châu… Hậu quả mà các vụ ngộ độc này để lại hầu hết đều rất nặng nề. "Mỗi năm cả nước có hàng trăm ca ngộ độc nấm, hàng chục ca tử vong. Các trường hợp ngộ độc đã chuyển về tuyến cuối là Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai đều là những ca ngộ độc nặng, tỉ lệ tử vong cao" - BS Nguyên cho biết thêm.

Ngộ độc nấm và cách xử trí ảnh 1
TS Nguyễn Tiến Dũng đang hướng dẫn cách xử trí, phòng tránh nấm độc.

Chỉ riêng với tỉnh Cao Bằng, từ năm 2003 đến năm 2009, trung tâm đã tiếp nhận 81 ca ngộ độc nấm, trong đó có 17 người tử vong. Đau lòng nhất là trường hợp một gia đình ở huyện Quảng Uyên, sau khi khánh thành nhà mới, cả nhà vào rừng hái nấm để ăn mừng tân gia. Bữa cơm đó đã khiến chín người trong gia đình đều bị ngộ độc, sau đó tám người tử vong, duy nhất cậu bé 10 tuổi được chuyển về cấp cứu tại Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai.

Theo BS Nguyễn Tiến Dũng, hầu hết nạn nhân ngộ độc nấm đều ăn phải loài nấm có độc tố Amatoxin. Người ăn phải nấm này sẽ bị tổn thương gan, chảy máu nội tạng, hôn mê gan, suy đa phủ tạng.

Ngộ độc nấm và cách xử trí ảnh 2

Số nấm độc còn lại mà bệnh nhân đã ăn. 

Các loại nấm thường phát triển vào khoảng tháng 4, tháng 5 hằng năm. Nhiều người vẫn cho rằng nấm ít màu sắc và bị côn trùng ăn thì người cũng có thể ăn được là quan niệm rất sai lầm và nguy hiểm. Đơn cử, gần đây có người vào rừng thấy những đám nấm đã bị kiến ăn dở, tưởng đó là nấm ăn được nên đem về chế biến. Khi ăn xong thì một nửa số người trong gia đình đó tử vong.

BS Dũng khuyến cáo nếu ăn phải những loại nấm có độc tính nhẹ, chỉ gây rối loạn tiêu hóa, người bệnh có thể đến các cơ sở y tế, các trung tâm chống độc nơi mình đang sinh sống để thăm khám, điều trị. Khi đi nhớ mang theo phần nấm còn lại để bác sĩ nhận dạng được loại nấm đã gây độc.

"Người dân tuyệt đối không ăn những loại nấm lạ mọc hoang, không thử ăn nấm lạ xem có ăn được không. Cùng với đó, không ăn nấm non chưa xòe mũ vì khi nấm chưa xòe mũ sẽ chưa bộc lộ hết đặc điểm của nấm độc. Đặc biệt, có những loại nấm sâu bọ, gà, chó ăn không chết nhưng vẫn có thể gây độc cho người" - BS Dũng nhấn mạnh thêm.

Một số loài nấm độc: 

Ngộ độc nấm và cách xử trí ảnh 5

Ngộ độc nấm và cách xử trí ảnh 7

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm