Nhận lời cầu hôn ngay sau khi được ‘gắp’ cục máu đông

Theo bác sĩ Paul- Emile Labeyrie thuộc Bệnh viện Pierre- Wertheimer tại Lyon, Pháp, kể từ tháng 12-2014 đã có sáu nghiên cứu quốc tế, trong đó có năm công trình được đăng tải trong tạp chí y khoa uy tín là The New England Journal of Medicine, khẳng định rằng mỗi năm trên thế giới có nhiều ngàn bệnh nhân bị tai biến mạch máu não được cứu sống từ phương pháp được gọi nôm na là “thủ công” này.

“Chộp” lấy cục máu bằng tay 

Theo thống kê, 80% ca tai biến mạch máu não gây thiếu máu cục bộ vì nghẽn động mạch não do cục máu đông (huyết khối) và 20% còn lại gây xuất huyết não do vỡ mạch. Đoạn động mạch bị tắc nghẽn càng lớn thì não càng bị tổn thương trầm trọng, biết rằng cứ mỗi phút tắc nghẽn sẽ có hai triệu tế bào thần kinh chết đi. Trong vòng 20 năm nay, cách điều trị duy nhất phổ biến là nội khoa, tức dùng thuốc tiêu huyết khối để “khai thông” động mạch bị nghẽn. Tuy nhiên, phương pháp này không cứu được nhiều ca bệnh khi đoạn động mạch bị nghẽn có kích thước đường kính lớn.

Với phương pháp thu hồi cục máu đông cơ học, bác sĩ sẽ chọc và luồn vào động mạch đùi của bệnh nhân một ống thông và điều khiển ống này đi ngược dòng động mạch chủ để lên đến não. Ống thông này có chức năng đưa một dụng cụ lấy huyết khối gọi là “giá đỡ thu hồi” đến tận nơi có đoạn động mạch đang bị nghẽn, rồi “chộp” lấy cục máu trong vòng vài chục giây. Xong việc, ống thông sẽ cùng giá đỡ ngược theo tuyến đường cũ để quay trở ra động mạch đùi và cục máu đông được lấy ra. Quá trình “gắp” huyết khối nói trên được thao tác bằng tay trong phòng mổ, hoàn toàn không có một robot hay một dụng cụ chuyên dụng nào khác hỗ trợ ngoài một camera tia X dùng để theo dõi đường đi của thiết bị trong hệ mạch.

Trong 75% ca tai biến mạch máu não được can thiệp bằng phương pháp cơ học, đoạn động mạch bị nghẽn đã được “khai thông” hoàn toàn và trở về tình trạng “thông thoáng” bình thường.

Tác dụng thần kỳ

Hai trường hợp tai biến được cứu sống điển hình:

Được “gắp” xong, tỉnh lại, cô ấy đã chấp nhận ngay lời cầu hôn: Một phụ nữ 32 tuổi bị tai biến mạch máu não. Người bạn trai của cô rất hoảng loạn khi trước đó không lâu, anh đã chuẩn bị nhẫn cưới để cầu hôn bạn gái. Và cũng vì quá “rối trí”, anh bạn đã bật miệng nói ngay lời cầu hôn bạn gái đang lúc cô nằm trên băng-ca chuẩn bị vào phòng mổ: cô đang bị liệt nửa người bên phải, không nói được. Nhưng do mới trải qua một đợt phẫu thuật chỉ vài tuần trước đó nên bệnh nhân không thể được chỉ định dùng thuốc làm tan cục máu đông và bác sĩ phải nhanh chóng dùng phương pháp cơ học. Chẳng bao lâu sau khi được “gắp” xong, cô đã có thể cử động cẳng chân, cánh tay phải và nói lại được. Rồi cô bật khóc, cô nhớ lại lời cầu hôn của bạn trai mình khi cô sắp vào phòng mổ, khi mà lúc đó cô không thể trả lời được. Thế rồi, cô lập tức nhờ bác sĩ Labeyrie chuyển gấp lời đồng ý của cô về lời cầu hôn đến người chồng tương lai của mình đang lo lắng đợi bên ngoài. Cô giục bác sĩ ra ngoài gặp anh ấy “càng nhanh càng tốt”!

Hết liệt chỉ sau một ngày: Một phụ nữ 50 tuổi, không có tiền sử bệnh trầm trọng, bị tai biến tại nhà, tay chân không cử động được và nhanh chóng rơi vào tình trạng hôn mê. Trong phòng cấp cứu, toàn thân bệnh nhân bất động, ngoại trừ các cơ mi mắt. Bệnh nhân được gây mê và bác sĩ Turjman của Bệnh viện Lyon đã khẩn cấp dùng phương pháp gắp cơ học để thông động mạch não. Và ngay ngày hôm sau, bà đã có thể nói được, cử động lại tay chân và được chuyển sang phòng săn sóc bình thường. Trong ca bệnh nguy cấp này, khi cần can thiệp nhanh chóng nhất, nếu không áp dụng phương pháp thu hồi cục máu đông cơ học thì các bác sĩ chắc chắn sẽ phải bó tay.

(Theo Paris Match)

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bộ Y tế: Hơn 70% người lớn mắc viêm lợi, viêm quanh răng

Bộ Y tế: Hơn 70% người lớn mắc viêm lợi, viêm quanh răng

(PLO)- Hơn 70% người trưởng thành tại Việt Nam bị viêm lợi, viêm quanh răng. Đây là nội dung được Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên thông tin tại Lễ mít tinh và đi bộ hưởng ứng Ngày sức khỏe răng miệng thế giới diễn ra tại TP.HCM ngày 16-3.