Nơi sản xuất thực phẩm chức năng giống như chuồng heo, chuồng vịt

“Hiện nay chúng ta có hàng ngàn cơ sở sản xuất TPCN lớn nhỏ. Vừa rồi Cục yêu cầu phòng cấp giấy chứng nhận thống kê lại tên doanh nghiệp, địa chỉ, sản xuất sản phẩm gì ở tất cả tỉnh, thành. Trên cơ sở đó Cục yêu cầu các tỉnh, thành kiểm tra theo nhiệm vụ chức năng. Qua đó phát hiện có những công ty sáu năm trước hoạt động không có ai kiểm tra, họ muốn làm gì làm thì không ổn” - TS Phong nói.

Cũng theo TS Phong, hiện nay không có quy định riêng điều kiện sản xuất TPCN nên nhiều nguồn tin cho biết có cơ sở như chuồng heo, chuồng vịt, làm sao đảm bảo được chất lượng. Trong khi đó, lại có những nhà máy đầu tư hàng trăm tỉ đồng để sản xuất TPCN.

TS Phong cho rằng tài liệu hướng dẫn GMP cho TPCN sau khi lấy ý kiến nhiều doanh nghiệp, tổ chức sẽ ban hành. Tiếp sau đó Bộ Y tế sẽ ban hành thông tư quy định lộ trình, trình tự, thủ tục, thẩm quyền chứng nhận GMP.

“Chúng tôi dự kiến sẽ rút ngắn thời gian công bố sản phẩm TPCN của doanh nghiệp từ ba năm xuống còn 1,5 năm; tăng tần suất thanh kiểm tra; rút ngắn thời gian kiểm nghiệm sản phẩm định kỳ từ sáu tháng xuống còn ba tháng. Mục tiêu cuối cùng là bảo vệ người tiêu dùng và đảm bảo sự công bằng, minh bạch giữa các doanh nghiệp” - TS Phong cho biết thêm.

Tại hội thảo, PGS-TS Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết cả nước hiện có bốn nhà máy sản xuất TPCN đạt GMP. Ông Truyền đề nghị trong thời gian quá độ chờ bắt buộc chuẩn hóa GMP, doanh nghiệp nào tiên phong đạt GMP thì cần có chính sách cho họ, làm cho người tiêu dùng tin và hiểu được sản phẩm đó tuân thủ đạt chất lượng.

Tài liệu hướng dẫn GMP cho TPCN gồm 10 chương quy định về hệ thống quản lý chất lượng, nhân sự và đào tạo, nhà xưởng và thiết bị, hồ sơ tài liệu, sản xuất và kiểm nghiệm, kiểm soát chất lượng, khiếu nại thu hồi… Đặc biệt tài liệu này nhấn mạnh vệ sinh nhà xưởng và cá nhân là một yêu cầu rất cao của GMP…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm