Phần mềm thực đơn cân bằng dinh dưỡng tiện ích

Nằm trong dự án Bữa ăn học đường được triển khai từ năm 2012, phần mềm Xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng cho trẻ em học đường do Công ty Ajinomoto Việt Nam phát triển.

Hơn 120 thực đơn có sẵn

Để phát triển thành công dự án, Công ty Ajinomoto Việt Nam đã nhận được sự phối hợp chặt chẽ từ các cơ quan chuyên môn đầu ngành về dinh dưỡng tại Việt Nam, tiêu biểu là Viện Dinh dưỡng Quốc gia - Bộ Y tế.

Trong suốt nhiều năm qua, Viện Dinh dưỡng Quốc gia đã đồng hành với Công ty Ajinomoto Việt Nam tiến hành nhiều nghiên cứu, khảo sát thực tế về tình hình dinh dưỡng và thói quen ăn uống của học sinh (HS) ở lứa tuổi tiểu học. Từ đó đưa ra những cố vấn chuyên môn sâu sát, hiệu quả để phát triển các thực đơn phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam, đặc biệt là trẻ em lứa tuổi tiểu học. Những khuyến nghị này được thể hiện qua phần mềm Xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng.

Các thực đơn trong phần mềm được phát triển trong hơn một năm, trải qua nhiều quá trình từ khảo sát, phân tích, phát triển công thức, thực nghiệm đến điều chỉnh kỹ càng. Sau đó, phần mềm được thông qua bởi Hội đồng Thẩm định của Viện Dinh dưỡng Quốc gia - Bộ Y tế và Hội đồng Đánh giá của Bộ GD&ĐT.

Phần mềm cung cấp cho nhà trường một ngân hàng thực đơn phong phú, gồm 120 thực đơn sẵn có với trên 360 món ăn không lặp lại cho bữa trưa, đã được cân bằng dinh dưỡng theo nhu cầu lứa tuổi, đa dạng và ngon miệng; được phân chia theo ba khu vực miền Bắc, miền Trung và miền Nam. Phần mềm có tính năng vượt trội giúp các trường tạo thực đơn mới bằng cách kết hợp các món ăn có sẵn trong ngân hàng thực đơn hoặc bằng các nguyên liệu tự chọn phù hợp với từng địa phương. Kiểm tra tính dinh dưỡng của các thực đơn nhà trường đang sử dụng, giúp nhà trường tính toán và quản lý chi phí bữa ăn của HS.

Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn Ajinomoto(ngoài cùng bên trái) thăm Trường Tiểu học Trưng Trắc và bếp ăn chuẩn thuộc dự án Bữa ăn học đường. Ảnh: CTV

Phầm mềm được đánh giá cao

Với sự tiện ích và hiện đại, phần mềm đã và đang nhận được sự đánh giá cao từ các chuyên gia đứng đầu ngành giáo dục. TS Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết phần mềm Xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng thuộc dự án Bữa ăn học đường đã xây dựng được các bữa ăn hợp khẩu vị, bộ thực đơn đa dạng và phong phú về thực phẩm, phù hợp với từng vùng miền, thuận lợi cho các trường tiểu học có bán trú.

“Chúng tôi đánh giá cao Công ty Ajinomoto Việt Nam đã cùng Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế triển khai dự án cũng như hỗ trợ hiệu quả hoạt động này” - ông Bắc nói.

Đồng quan điểm với ông Bắc, PGS-TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết: “Các thực đơn được xây dựng từ phần mềm đảm bảo chất lượng bữa ăn, xây dựng thói quen ăn uống khoa học, góp phần kiểm soát tình trạng thừa cân, béo phì, suy dinh dưỡng, thiếu vi chất trong HS và đảm bảo cho sự phát triển toàn diện của trẻ” - PGS-TS Lâm đánh giá.

“Để phần mềm hoạt động tốt thì những công cụ hỗ trợ cũng phải thật tốt, với tôi áp phích “3 phút thay đổi nhận thức” là công cụ hỗ trợ rất tốt cho việc giáo dục HS về dinh dưỡng và công dụng của thực phẩm, qua đó khuyến khích HS ăn đa dạng các loại thực phẩm, đặc biệt hình thành thói quen ăn nhiều rau củ tốt cho sức khỏe” - ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn, nhận định.

Sẽ sớm nhân rộng toàn quốc

Với những ý nghĩa thiết thực cùng kết quả thành công bước đầu, Công ty Ajinomoto Việt Nam đề xuất với Bộ GD&ĐT kế hoạch nhân rộng dự án thông qua phần mềm với kỳ vọng phát triển dự án ra quy mô toàn quốc. Sau những bước tìm hiểu, đánh giá thực tế hiệu quả thực hiện dự án, Bộ GD&ĐT đã triển khai những cuộc họp quan trọng nhằm lên kế hoạch triển khai, lấy ý kiến của nhiều sở GD&ĐT địa phương cũng như các sở, ban ngành có liên quan; thành lập hội đồng thẩm định phần mềm.

Từ cơ sở đó, Bộ GD&ĐT quyết định đồng hành cùng Công ty Ajinomoto Việt Nam và Viện Dinh dưỡng Quốc gia - Bộ Y tế để triển khai dự án Bữa ăn học đường trên quy mô toàn quốc thông qua phần mềm Xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm