Phát hiện nhiều vi phạm quảng cáo, tiếp thị sản phẩm sữa

Theo số liệu của Bộ Y tế, tỉ lệ bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu ở nước ta chỉ đạt 19,6%. Để nâng cao tỉ lệ này, Nghị định 100 (có hiệu lực từ 1-3-2015) nghiêm cấm hành vi quảng cáo, tiếp thị tất cả sản phẩm thay thế sữa mẹ cho trẻ từ 0-24 tháng tuổi. Tuy nhiên, một nghiên cứu độc lập vừa thực hiện tại Hà Nội, được công bố tại hội thảo, cho thấy vi phạm trong lĩnh vực này rất phổ biến.

Cụ thể, qua khảo sát với 814 phụ nữ, có đến 80% số phụ nữ cho biết họ vẫn nhận được các mẫu sản phẩm thay thế sữa mẹ miễn phí từ các công ty khi họ mang bầu hoặc sinh con. Kết quả khảo sát trực tiếp tại 114 điểm bán lẻ cũng phát hiện có đến 51 điểm (44,7%) có hoạt động khuyến mãi sản phẩm thay thế sữa mẹ, kể cả ở các siêu thị, đại lý. Cạnh đó, có tới 75,9% nhân viên y tế gợi ý sử dụng một sản phẩm thay thế sữa mẹ cụ thể…

“Tôi biết có những công ty sữa nắm được toàn bộ thông tin, số điện thoại của sản phụ đến sinh con tại một cơ sở y tế để tìm cách tiếp cận. Ngay bản thân tôi khi đến khám thai chuẩn bị sinh con, ngồi ở bệnh viện, có nhân viên của hãng sữa đến tiếp thị, xin số điện thoại và khi tôi vừa sinh con xong thì có hãng sữa gọi điện thoại tư vấn dùng sản phẩm thay thế sữa mẹ này khác…” - ThS Đinh Thị Thu Thủy, Chuyên viên Vụ Pháp chế - Bộ Y tế chia sẻ.

PGS-TS Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho rằng để Nghị định 100 phát huy tốt hơn việc bảo vệ nguồn sữa mẹ, bảo vệ quyền bú sữa mẹ của trẻ em, cần có các giải pháp giảm bớt tác động từ những quảng cáo thái quá, không đúng của các hãng sữa đến quyền tiếp cận nguồn sữa cho trẻ nhỏ của các bà mẹ.

Theo quan sát của Hiệp hội Sữa Việt Nam, việc thực thi Nghị định 100 và các văn bản hướng dẫn liên quan của các doanh nghiệp trong những năm trở lại đây là rất tốt, đã được cải thiện hơn nhiều so với thời điểm cách đây 10 – 15 năm. 

Tuy nhiên, Báo cáo Chỉ số Tiếp cận Dinh dưỡng 2016 (ATNI 2016) đánh giá tình hình thực thi Bộ Quy tắc WHO, chứ không phải là đánh giá tình hình thực hiện Nghị định 100 và các văn bản khác có liên quan của Chính phủ Việt Nam nên việc dựa trên các khuyến nghị của Bộ Quy tắc WHO để đánh giá về mức độ tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp Việt Nam là không hợp lý. Trên thực tế, một số khuyến nghị của Bộ quy tắc không có trong quy định pháp luật Việt Nam, ví dụ:nhãn sản phẩm không được dùng các cụm từ “nhân cách hóa”, “vật liệu hoá” hoặc các cụm từ tương tự; hay phải ghi số lô sản xuất.

Hiệp hội sữa Việt Nam mong muốn rằng các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trong đó có Bộ Y tế (Cục An toàn Thực phẩm, Thanh tra Bộ), Bộ Văn hóa, Thể thao – Du lịch, ... sẽ tiến hành thu thập, đánh giá các thông tin, bằng chứng xác thực về các dấu hiệu vi phạm nếu trong Báo cáo và đưa ra kết luận chính thức, đảm bảo sự minh bạch, ổn định của thị trường cũng như bảo vệ uy tín của các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp.

              PGS. TS. Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam 


Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm