Tầm soát Zika tất cả thai phụ có biểu hiện sốt

Chiều 7-4, TS Lê Tấn Phùng, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa, cho biết ngành y tế tỉnh này đang tiến hành giám sát đối với tất cả thai phụ dưới ba tháng trên địa bàn tỉnh này để phòng, chống nhiễm virus Zika.

Quyết liệt ngăn chặn virus lây lan

Theo TS Phùng, đến nay hệ thống chăm sóc sức khỏe sinh sản phối hợp với các trung tâm dân số đã lên danh sách tất cả thai phụ dưới ba tháng trên địa bàn, đồng thời phân công cán bộ y tế cơ sở giám sát thường xuyên để kịp thời xử lý.

Những thai phụ dưới ba tháng nếu có các triệu chứng sốt, phát ban, đau mắt, đỏ mắt… có liên quan đến vùng dịch thì lập tức được lấy mẫu máu xét nghiệm để giám sát. Những thai phụ còn lại sẽ được tư vấn, đặc biệt là ngăn chặn việc bị muỗi đốt.

“Hiện nay dịch nhiễm virus Zika ở Khánh Hòa có nguy cơ lây lan cao nếu không có những biện pháp ngăn chặn quyết liệt” - TS Phùng nhận định.

Cùng ngày, TP Nha Trang đã đồng loạt triển khai việc diệt muỗi, lăng quăng trên toàn địa bàn TP. Các xe truyền thông liên tục chạy trên các đường phố, tuyên truyền để người dân chủ động diệt lăng quăng, diệt muỗi, chống muỗi đốt để ngừa sốt xuất huyết, nhiễm virus Zika.

Ông Nguyễn Đắc Tài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết thông thường tháng 6 hằng năm, dịch sốt xuất huyết mới bùng phát ở Khánh Hòa. Hiện nay lại có thêm dịch do virus Zika nên tỉnh quyết tâm tập trung tổng lực để dập tắt nguy cơ dịch bệnh trên toàn tỉnh trong tháng 4-2016.

Kiểm tra sức khỏe thai phụ (ảnh minh họa). Ảnh: Đông Triều

Giám sát chặt người về từ vùng dịch

Trước đó, trưa 7-4, ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng và các ngành chức năng của TP này đã tiến hành kiểm tra công tác phòng chống, kiểm soát virus Zika tại sân bay Đà Nẵng. Ông Dũng đã yêu cầu các ngành chức năng và sân bay Đà Nẵng phải có kế hoạch kiểm soát virus Zika xâm nhập qua đường hàng không vào TP. “Các ngành chức năng cần xử lý nhanh khi phát hiện trường hợp có biểu hiện nhiễm virus Zika. Nếu phát hiện phải cách ly ngay và đảm bảo an toàn, thuận tiện cho du khách chứ không gây hoang mang” - ông Dũng lưu ý.

Ông Việt Dũng đề nghị ngành y tế phối hợp với các đơn vị, tăng cường công tác kiểm tra tại các quận/huyện, đồng thời chỉ đạo sân bay Đà Nẵng phải tiến hành phun thuốc diệt muỗi toàn bộ khu vực.

Được biết hiện sân bay Đà Nẵng đã được trang bị hai máy đo thân nhiệt để phát hiện các hành khách nhiễm virus Zika và các loại bệnh có biểu hiện sốt khác. Ngoài ra, sân bay cũng đã bố trí khu vực cách ly khi phát hiện bệnh.

Tại TP.HCM, Sở Y tế TP cho biết trước đó đã nhanh chóng triển khai kế hoạch ứng phó với dịch. Cụ thể, UBND TP đã yêu cầu giám sát ca bệnh xâm nhập tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất bằng cách đo thân nhiệt từ xa tất cả hành khách nhập cảnh, đặc biệt là hành khách đến từ vùng có dịch Zika, tổ chức phát tờ khai y tế cho các hành khách đến từ vùng dịch, sàng lọc các trường hợp ca bệnh nghi ngờ. Đồng thời phun hóa chất diệt muỗi đối với phương tiện chuyên chở các trường hợp bệnh nghi ngờ nhiễm virus Zika, giám sát định kỳ các chỉ số muỗi, bọ gậy tại khu vực cửa khẩu.

Tại các bệnh viện cần phát hiện sớm trường hợp bệnh nhân có triệu chứng nghi ngờ nhiễm bệnh, có yếu tố dịch tễ, trở về từ vùng dịch bệnh để tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm gửi về Viện Pasteur TP.HCM thực hiện xét nghiệm. Khi ghi nhận các trường hợp dị tật đầu nhỏ thông qua chẩn đoán tiền sản và thăm khám sơ sinh, cần báo ngay về Trung tâm Y tế dự phòng TP.

Về trường hợp ca nhiễm Zika đầu tiên ở quận 2, cơ quan y tế TP cho biết hiện sản phụ sau khi làm các xét nghiệm đã về nhà và sinh hoạt bình thường. Chiều 7-4, người nhà sản phụ này cho biết chị vẫn đi làm công ty bình thường. Trung tâm Y tế dự phòng quận 2 đã tiến hành diệt muỗi, lăng quăng trong bán kính 200 m, điều tra 134 hộ xung quanh phát hiện ba ca sốt, trong đó có hai người lớn và một trẻ em hiện đang chờ kết quả xét nghiệm.

Phụ nữ có thai phải lưu ý

Bộ Y tế đã ban hành tài liệu hướng dẫn tạm thời chăm sóc phụ nữ mang thai trong bối cảnh dịch bệnh do virus Zika. Theo đó, bệnh do virus Zika là bệnh truyền nhiễm cấp tính, chủ yếu do muỗi vằn Asdes, có thể gây thành dịch; bệnh lây truyền từ người sang người qua đường tình dục, đường máu, lây từ mẹ sang con; thời gian ủ bệnh 3-12 ngày, người bị bệnh thường có các biểu hiện như sốt nhẹ, phát ban trên da, viêm kết mạc, đau khớp. Tuy nhiên, khoảng 80% trường hợp nhiễm Zika không có biểu hiện lâm sàng.

Bộ Y tế khuyến cáo một phụ nữ mang thai khi tính đến phương án xét nghiệm Zika thì chỉ nên thực hiện nếu đang mang thai trong ba tháng đầu có dấu hiệu: sốt phát ban hoặc các triệu chứng đau mỏi cơ khớp, viêm kết mạc; đang sinh sống hoặc đã đến những vùng có dịch; đã quan hệ với chồng hoặc bạn tình có xét nghiệm dương tính với Zika. Những phụ nữ có thai cần đi khám ít nhất bốn lần trong cả thai kỳ, trong đó thời điểm khám lần đầu cần được thực hiện càng sớm càng tốt ở giai đoạn ba tháng đầu thai kỳ.

_______________________________

Với những phụ nữ mang thai đã xét nghiệm có kết quả dương tính với virus Zika nhưng khi siêu âm không thấy dấu hiệu nghi ngờ đầu nhỏ và bất thường về não, các bệnh viện cần tiếp tục chăm sóc, theo dõi trước khi siêu âm lại để đưa ra hướng xử trí phù hợp. Khi siêu âm có dấu hiệu nghi ngờ thai nhi bị đầu nhỏ và bất thường về não, cần chuyển thai phụ đến những cơ sở có khả năng chẩn đoán trước sinh để chẩn đoán xác định đầu nhỏ, sàng lọc bệnh bẩm sinh.

PGS-TS TRẦN ĐẮC PHU,
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm