Thiếu vaccine: Quản lý kém cỏi!

Từ giữa cuối năm 2013, người dân hầu như “tẩy chay” vaccine Quinvaxem của chương trình mở rộng quốc gia do sợ tai biến. Hình thức tiêm dịch vụ trở nên ưu tiên hàng đầu của người dân. Thế nhưng chỉ trong vòng vài ba tháng, các điểm tiêm dịch vụ đều đồng loạt thông báo hết hàng.

Vaccine sắp có trở lại

Anh Minh Đức phản ánh: Con nhà tôi sinh hồi tháng 2, đã chích mũi “5 trong 1” ở tháng thứ hai và lần chích kế tiếp là ngày 2-6 nhưng hơn một tuần nay tôi gọi điện thoại đi khắp các bệnh viện có chích ngừa như Nhi đồng 2, Viện Pasteur, Từ Dũ, thậm chí gọi đến cả Trung tâm Y tế dự phòng TP mà vẫn nhận được câu trả lời… hết thuốc. Vị phụ huynh này lo lắng vì sợ để lâu không tiêm đúng lịch thì mũi vaccine trước sẽ mất tác dụng.

Có mặt tại Viện Pasteur TP.HCM sáng 21-6, chị Thanh Vân (quận Bình Thạnh) lo lắng khi mũi tiêm nhắc vaccine “6 trong 1” cho con chị đã trôi qua hơn ba tháng mà vaccine thì hết.

Chỉ trong vòng vài ba tháng, các điểm tiêm dịch vụ đều thông báo hết hàng. Ảnh minh họa: DUY TÍNH

Một phụ huynh khác từ Đà Nẵng cũng gọi hỏi thăm người quen ở TP.HCM xem có biết nơi nào còn vaccine “5 trong 1”, thủy đậu. Tuy nhiên, họ chỉ nhận được cái lắc đầu vì các loại vaccine này đã hết từ lâu.

Pháp Luật TP.HCM cũng đã liên hệ với Công ty Sonafi Pasteur, nhà sản xuất vaccine “5 trong 1” - Pentaxim (ngừa bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt và phòng nhiễm khuẩn) và Công ty GlaxoSmithKline (GSK), nhà sản xuất vaccine “6 trong 1” - Infanrix Hexa (ngừa bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, viêm màng não mủ do HIB) để tìm hiểu nguyên nhân “đứt” hàng. Theo đại diện Công ty GSK, hiện nay do nhu cầu sử dụng vaccine Infanrix Hexa tăng đột biến tại Việt Nam trong thời gian qua nhưng năng lực sản xuất của nhà máy của GSK tại Bỉ không thể đáp ứng kịp nhu cầu. Ngoài ra vì vaccine của GSK được điều phối toàn cầu nên việc cung ứng cho các bệnh viện tại Việt Nam cũng bị ảnh hưởng một phần trong thời gian qua.

“Chúng tôi rất tiếc về vấn đề hạn chế nêu trên. Chúng tôi đang nỗ lực hết sức để có thể cải thiện tình hình và hy vọng việc cung ứng vaccine Infanrix Hexa sẽ trở lại bình thường khi lô hàng vaccine mới về Việt Nam vào tháng 9-2014, quý vị phụ huynh sẽ có thể chích ngừa cho con tại các cơ sở y tế vào khoảng tháng 10-2014” - đại diện GSK nói.

Đại diện Sonafi Pasteur cho biết đến khoảng giữa tháng 7, vaccine Pentaxim mới về Việt Nam lại. Như vậy sau khi kiểm định chất lượng thì 1-2 tháng nữa loại vaccine này mới có mặt trên thị trường. Trong khi đó, đại diện đơn vị nhập vaccine ngừa thủy đậu cũng cho biết khoảng tháng 7 loại vaccine này sẽ được nhập tiếp về Việt Nam.

Quản lý cả vaccine dịch vụ

Theo một chuyên gia bệnh truyền nhiễm, trước đây vaccine dịch vụ về Việt Nam theo nhu cầu của người dân, các điểm tiêm dịch vụ đặt hàng và các công ty nhập về. Hơn nữa, giữa chương trình tiêm chủng mở rộng và dịch vụ thì mạnh ai nấy làm, không có liên thông và kết nối với nhau. Cho nên việc quản lý, dự trù vaccine cho những tình huống dịch bùng phát, nhu cầu tăng nhưng cung ứng thiếu như thời gian qua là một lỗ hổng lớn. Do vậy Nhà nước cần quản lý cả loại hình tiêm chủng dịch vụ.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, hiện nay Việt Nam triển khai hai hình thức tiêm chủng: tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ. Tiêm chủng mở rộng cung cấp 11 loại vaccine miễn phí cho các đối tượng của mình, còn các đối tượng khác sử dụng vaccine dịch vụ như thủy đậu, rota, phế cầu, “5 trong 1”, “6 trong 1”… do Việt Nam và nước ngoài sản xuất được phép lưu hành.

Thứ trưởng Long cho biết hình thức tiêm chủng dịch vụ đã đóng góp tích cực vào việc phòng, chống bệnh. Tuy nhiên, trong thời gian qua do tình hình dịch diễn biến phức tạp, nhu cầu vaccine tăng lên ở cả hai loại hình tiêm chủng nên đôi khi dẫn đến tình trạng thiếu vaccine tạm thời, cục bộ, đặc biệt là ở các TP lớn.

TS Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế, cho biết đã có nhiều chỉ đạo thực hiện việc cung ứng vaccine phòng bệnh cho người dân.

Cục Quản lý Dược cho biết Nghị định số 187/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài quy định: Thuốc thành phẩm phòng và chữa bệnh cho người bao gồm cả vaccine (trừ thuốc gây nghiện, hướng tâm thần, tiền chất dùng làm thuốc và thuốc phóng xạ) đã có số đăng ký được nhập khẩu theo nhu cầu, không bị hạn chế về số lượng, trị giá, không phải xin giấy phép nhập khẩu, không phải xác nhận đơn hàng nhập khẩu của Bộ Y tế. Do đó các cơ sở tiêm chủng có nhu cầu tiêm dịch vụ vaccine Cục Quản lý Dược phòng bệnh sởi, thủy đậu nói riêng và vaccine nói chung cần chủ động thực hiện việc lập dự trù, đặt hàng các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu để được cung ứng vaccine mà không cần xin ý kiến Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược).

“Để ra một mẻ vaccine sẽ mất 4-6 tháng nhưng thời gian bảo quản vaccine chỉ từ 12 đến 18 tháng và điều kiện bảo quản rất nghiêm ngặt. Do vậy việc dự trù, cung ứng vaccine rất khó khăn, vì dự trù thừa thì sẽ hết hạn sử dụng, thiếu thì sẽ không đáp ứng được nhu cầu. Nhu cầu của người dân cao hơn dự trù của ngành y tế thì khi xảy ra biến cố (ngừng sản xuất hoặc mẻ sản xuất bị hư, sởi gia tăng) thì sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung cầu. Ngoài ra, biến cố vaccine Quinvaxem khiến người dân tiêm vaccine dịch vụ nên nhà cung ứng không đáp ứng kịp” - BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, giải thích về nguyên nhân thiếu hụt vaccine trong thời gian qua.

Theo một công ty sản xuất vaccine, để có vaccine dịch vụ cung cấp thời gian qua, họ phải đi gom hàng ở những nước khác chưa có nhu cầu cao để đưa qua Việt Nam. Thí dụ như vaccine thủy đậu, Cục Quản lý Dược cho nhập về 80.000 liều nhưng họ chỉ nhập được 20.000 liều, chia miền Bắc 10.000 liều, miền Nam 10.000 liều. Ở miền Nam, TP.HCM chiếm đến 7.000 liều nhưng chỉ vài hôm là hết sạch.

DUY TÍNH

BS TỐNG THANH SƠN, khoa Trẻ em lành mạnh BV Nhi đồng 2:

Chích ngừa trễ vẫn có hiệu quả

Việc chuyển đổi giữa vaccine dịch vụ (“5 trong 1”, “6 trong 1”) sang vaccine Quinvaxem (trong chương trình tiêm chủng mở rộng) hoặc ngược lại đều được và đều có hiệu quả bảo vệ là như nhau. Khoảng cách tối thiểu giữa hai liều vaccine cùng loại tối thiểu là bốn tuần, không có khoảng cách tối đa cho nên nếu phải chích ngừa trễ vẫn chích tiếp tục, sẽ có hiệu quả bảo vệ ngay thời điểm chích ngừa và sẽ không mất tác dụng của liều chích trước, tuy nhiên nếu tiêm đúng phác đồ sẽ có hiệu quả tối ưu.

BS TRƯƠNG HỮU KHANH, Trưởng khoa Nhiễm BV Nhi đồng 1:

Người có khả năng nên chọn chủng ngừa cho con em

. Phóng viên: Thưa bác sĩ, vì sao có nhiều loại bệnh mà chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia chỉ có 11 loại vaccine phòng ngừa miễn phí?

+ Về nguyên tắc, vaccine đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng tùy thuộc gánh nặng, dịch tễ và kinh tế của quốc gia. Bên cạnh đó các nước chưa đủ giàu để đưa tất cả vaccine có gánh nặng thì phần tự chọn sẽ bù lại theo hướng dịch vụ. Ở Việt Nam, các loại bệnh còn là gánh nặng cần tiêm chủng như thủy đậu, rubella, quai bị, phế cầu rồi đến rota…

. Nghĩa là cần phải tiêm dịch vụ ngoài vaccine chương trình?

+ Đa số vaccine các nước giàu đưa vào chương trình tiêm chủng quốc gia của họ. Ở Việt Nam, người có khả năng nên chọn chủng ngừa cho con em mình vì đây là các bệnh khó tránh trong suốt quá trình lớn lên, tham gia cộng đồng. Nếu không bị năm nay thì năm sau sẽ có thể bệnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm