Thực phẩm gian dối: Trị thế nào?

“Hiện nay người tiêu dùng (NTD) có đủ kiến thức để chọn lựa thực phẩm an toàn. Do vậy, doanh nghiệp (DN) sản xuất và kinh doanh thực phẩm gian dối là tự giết chết chính mình”. Bà Nguyễn Thị Thu Tâm, Phó Tổng Biên tập báoPháp Luật TP.HCM, nêu ý kiến như vậy tại tọa đàm “Ngăn chặn kinh doanh thực phẩm gian dối” do Pháp Luật TP.HCM tổ chức vào sáng 29-7.

Buổi tọa đàm có sự đồng hành của Công ty Cổ phần Tân Việt Sin Foods (TP.HCM), Công ty Cổ phần Thực phẩm Cholimex
(TP.HCM), Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Hải Hưng Thịnh (TP.HCM) và Công ty Behn Meyer Agricare (Bình Dương).

Ai làm sai, người đó chịu

Ở góc độ nhà quản lý, ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, cho rằng nếu chúng ta chỉ đi kêu gọi lương tâm của DN sản xuất và kinh doanh thực phẩm thì sẽ không bao giờ đạt được mục tiêu ngăn chặn kinh doanh thực phẩm gian dối.

Theo ông Thảo, hiện nay việc đăng ký kinh doanh thực phẩm hết sức dễ dàng. Thế nhưng công tác hậu kiểm, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh còn quá nhiều kẽ hở, có thể nói là gần như bị buông lỏng. Mặc dù trong sáu tháng đầu năm 2016, Chi cục Thú y TP.HCM đã xử phạt hơn 1,1 tỉ đồng nhưng nỗi lo bữa ăn kém chất lượng vẫn còn đó.

“Vì thế, các đơn vị quản lý từ khâu nhập thực phẩm đến quản lý chế biến, sản xuất phải tăng cường kiểm tra. Mạnh tay và chặt chẽ trong quá trình kiểm soát thực phẩm của những cơ sở đã đăng ký kinh doanh. Đồng thời thực hiện chế độ khen thưởng cho người báo tin về hành vi kinh doanh gian dối, tạo sự tin tưởng để người dân sẵn sàng tố cáo cơ sở kinh doanh gian dối qua đường dây nóng, email. Đó chính là bước ngăn chặn hiệu quả và rất dân sinh” - ông Thảo cho biết.

Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm “Ngăn chặn kinh doanh thực phẩm gian dối” tại Pháp Luật TP.HCM sáng 29-7. Ảnh: HOÀNG GIANG

Trong khi đó, ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), cho biết DN nào sai thì DN đó chịu trách nhiệm, NTD phải phân biệt rạch ròi. Trên thị trường hiện có nhiều DN sản xuất và kinh doanh một sản phẩm cùng loại. Do vậy, nếu có một sản phẩm sai phạm thì NTD không nên quay lưng với tất cả sản phẩm cùng loại đạt chất lượng.

“Quyền lực của NTD rất lớn, họ có thể tẩy chay sản phẩm kém chất lượng khiến DN đó phải đứng trước nguy cơ phá sản” - ông Hòa nói.

Theo ông Hòa, trước tình hình thực phẩm gian dối bủa vây như hiện nay, công tác tuyên truyền về thực phẩm có nguồn gốc và đảm bảo điều kiện ATVSTP rất quan trọng. Trong thời gian tới, Chi cục ATVSTP TP.HCM sẽ tăng cường quyết liệt công tác thanh tra, kiểm tra và cương quyết xử lý những vi phạm. Đồng thời công khai DN vi phạm trên các trang mạng xã hội cho NTD biết để không ảnh hưởng các DN kinh doanh có uy tín.

Xử lý đúng luật các sai phạm

Với tư cách là nhà sản xuất, ông Nguyễn Xuân Vũ, Phó Tổng Giám đốc kinh doanh Công ty Cổ phần Tân Việt Sin Foods (huyện Bình Chánh, TP.HCM), cho rằng DN sản xuất và kinh doanh thực phẩm cần đặt chữ tâm lên hàng đầu.

“NTD trả tiền cho sản phẩm thì họ phải nhận được sản phẩm với chất lượng tương đương số tiền họ đã bỏ ra. Nếu sản phẩm không đúng số tiền đó tức NTD đã mua nhằm thực phẩm gian dối. Chẳng những bị mất tiền oan, NTD còn có nguy cơ bị ảnh hưởng sức khỏe” - ông Vũ nói.

“Vì quyền lợi NTD và uy tín của DN làm ăn chân chính, chúng tôi đề nghị cơ quan chức năng mạnh tay xử lý đúng luật đối với các DN làm ăn gian dối. Đồng thời đình chỉ sản xuất sản phẩm sai phạm” - ông Vũ nêu ý kiến.

Đồng quan điểm trên, bà Hồ Ngọc Hương, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Cholimex (TP.HCM), cho biết để bảo vệ niềm tin đối với NTD, DN sản xuất và kinh doanh thực phẩm cần minh bạch nguồn gốc sản phẩm. Bên cạnh đó, nghiêm túc thực hiện các quy định về ATVSTP; xây dựng chuỗi sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn…

“Thái độ NTD đóng vai trò quan trọng không kém. Nếu đồng lòng tẩy chay thực phẩm kém chất lượng thì DN làm ăn gian dối sẽ không tồn tại” - bà Hương khẳng định.

Truy nguồn thịt heo bằng tem công nghệ

Ông Nguyễn Văn Bắc, Phó Trưởng phòng Quản lý thương mại thuộc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết đơn vị này đã trình UBND TP đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo ứng dụng công nghệ thông tin. Với đề án này, nguồn gốc heo đi theo vòng từ khi xuất chuồng đến lúc mổ, đưa đi tiêu thụ và lên sạp đều phải gắn mã code và có chíp theo dõi tường tận. Nhờ vậy, mỗi miếng thịt ra thị trường người dân biết rõ nguồn gốc và nhà quản lý sẽ dễ dàng quy trách nhiệm những đơn vị làm sai.

Theo đánh giá của Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến, đề án này giúp xây dựng các chuỗi thương hiệu thực phẩm sạch hiệu quả, từng bước loại trừ kinh doanh gian dối, loại trừ thực phẩm không rõ nguồn gốc. Đề án đã được triển khai từ ngày 27-7, bước đầu trên sản phẩm thịt heo.

_________________________________

UBND TP.HCM đã kiến nghị Chính phủ thành lập cơ quan quản lý ATVSTP. Theo chức năng của cơ quan này, quản lý ATVSTP sẽ không phân chia quản lý manh mún như trước mà được tập trung vào một mối, có liên kết chặt chẽ hơn giữa các tỉnh, thành.

Ông HUỲNH LÊ THÁI HÒA,
Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm