Thủy ngân dễ phát tán độc chất trong môi trường

Chiều 30-5, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Quốc Hải (phường 13, quận Gò vấp, TP.HCM) cho biết trong lúc đo thân nhiệt cho con, ông vô tình làm rơi nhiệt kế thủy ngân. Nhiệt kế vỡ, thủy ngân văng ra đất thành nhiều hạt nhỏ. “Tôi thực sự lo lắng cho sức khỏe cả hai cha con và ảnh hưởng của thủy ngân đối với môi trường” – ông Hải nói.

Pháp Luật TP.HCM đã nhờ TS HUỲNH KHÁNH DUY, khoa Kỹ thuật Hóa học Trường ĐH Bách khoa thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM giải đáp những thắc mắc của ông Hải, cũng như nhiều bạn đọc khác.

Thủy ngân dễ hấp thụ độc chất qua da

Theo TS Duy, thủy ngân lỏng ít độc nếu nuốt phải. Tuy nhiên hơi, các hợp chất và muối của nó lại rất độc, là nguyên nhân gây ra các tổn thương não và gan khi tiếp xúc, hít thở hay ăn phải.

“Khi bị rớt xuống đất hay bị làm nhiễu loạn, thủy ngân sẽ phân tán (bể) tạo thành các hạt rất nhỏ. Những hạt này rơi vào các kẽ nứt của nền đất, sàn nhà và làm tăng sự phát tán của hơi thủy ngân trong không khí (do tăng diện tích bề mặt so với trạng thái nguyên khối khi chưa bị bể nhỏ ra)” – TS Duy phân tích.

Thủy ngân là chất độc tích lũy sinh học rất dễ dàng hấp thụ qua da, các cơ quan hô hấp và tiêu hóa. Khi ngấm vào cơ thể, thủy ngân tấn công hệ thần kinh trung ương và hệ nội tiết, ảnh hưởng tới miệng, các cơ quai hàm và răng. Sự phơi nhiễm thủy ngân kéo dài sẽ gây ra các tổn thương não và gây tử vong. Có thể gây ra sự khuyết tật ở bào thai (có thể gây sảy thai, khuyết tật thần kinh, chậm phát triển tâm thần, bại não, biến dạng chi). “Hít phải hơi thủy ngân dẫn đến bệnh phổi nặng cấp tính với triệu chứng đầu tiên là sốt do khói kim loại gồm: sốt, ớn lạnh, thở khó. Những triệu chứng khác gồm: viêm miệng, lơ mơ, co giật, nôn ói và viêm ruột. Những triệu chứng này thường dịu đi trong vòng một tuần. Tuy nhiên, trong một số trường hợp diễn tiến nặng hơn phù phổi cấp, suy hô hấp và tử vong. Ngộ độc mãn do hít hơi thủy ngân gây ra các triệu chứng điển hình: viêm lợi và chảy nước miếng, run giật tay và rối loạn tâm thần kinh. Trẻ em thường mất ngủ, hay quên, tâm lý không ổn định, kém ăn, vẻ buồn bã. Nuốt phải thủy ngân vô cơ (điển hình là ở trẻ nuốt pin) gây phỏng niêm mạc miệng, đau bụng, buồn nôn, nôn ra máu rồi diễn tiến đến hoại tử ống thận cấp, gây suy thận, rối loạn nước và điện giải có thể gây tử vong. Nếu nuốt phải thủy ngân vô cơ (muối vô cơ của thủy ngân) có thể gây ra phỏng dạ dày và niêm mạc hầu họng, ói mửa hoặc tiêu chảy ra máu” – TS Duy giải thích.

Tránh làm tăng sự phân tán của thủy ngân trong môi trường.

Ngộ độc thủy ngân hữu cơ mang yếu tố mãn tính hơn ngộ độc thủy ngân và thủy ngân vô cơ (gây ra hậu quả trong nhiều năm, nhiều thập kỷ mà không ngay lập tức). Thủy ngân hữu cơ có thể gây bệnh nếu hít vào, ăn, hoặc tiếp xúc với da trong thời gian dài. Tiếp xúc lâu dài với thùy ngân hữu cơ có thể sẽ gây ra các triệu chứng thần kinh, bao gồm: tê hoặc đau ở một số phần của da, không kiểm soát được lắc hoặc run, không có khả năng đi lại tốt, mù và nhìn đôi, động kinh và tử vong. Việc tiếp xúc với một lượng lớn methylmercury (một hợp chất thủy ngân hữu cơ) trong khi mang thai có thể gây tổn hại vĩnh viễn phát triển trí não của trẻ. Chính vì vậy, thai phụ nên ăn ít cá, đặc biệt là cá biển (vì cá biển có thể nhiễm một lượng lớn thủy ngân hữu cơ)” – TS Duy lưu ý.

Khi trẻ nuốt hoặc hít thủy ngân, nhanh chóng loại bỏ chất độc ở da bằng cách cởi bỏ quần áo bị nhiễm bẩn, rửa da, mắt nếu bị nhiễm. Không gây nôn (thí dụ như móc học để gây ói) nếu lỡ nuốt hay uống phải thủy ngân. Đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu nhanh nhất. “Nhiệt kế thủy ngân bị vỡ, cần xử lý đúng cách để không ảnh hưởng sức khỏe và môi trường. Không nên sử dụng chổi hoặc máy hút bụi vì sẽ làm tăng sự phân tán của thủy ngân trong môi trường. Có thể sử dụng một mảnh nhựa cứng để gom các giọt nhỏ thủy ngân để tạothành giọt thủy ngân lớn hơn rồi đẩy các giọt này vào một túi nhựa, gói kín để bỏ đi. Ngoài ra, có thể rắc bột lưu huỳnh hoặc bột kẽm vào nơi thủy ngân rơi (và vùng xung quanh) rồi nhẹ nhàng gom các vật liệu này (như cách trên) vào một túi nhựa để bỏ đi” – TS Duy hướng dẫn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm