Thủy đậu chưa qua, ho gà đã tới

Bệnh nhân là một bé trai ba tháng tuổi (phường 6, quận Tân Bình, TP.HCM). Bé khởi bệnh từ ngày 1-2 với những cơn ho kéo dài đến tím mặt. Sau đó bé được đưa vào BV Nhi đồng 2 (TP.HCM).

Điều tra những người tiếp xúc với bé chưa ghi nhận trường hợp nghi ngờ mắc ho gà. Bé cũng chưa tiêm đủ ba mũi cơ bản để phòng ngừa căn bệnh này. Sau khi thực hiện các xét nghiệm, BV Nhi đồng 2 xác định bé bị ho gà.

Trẻ cần được tiêm vaccine đầy đủ để phòng ngừa bệnh ho gà.

Trẻ cần được tiêm vaccine đầy đủ để phòng ngừa bệnh ho gà. Ảnh: TRẦN NGỌC

Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), ho gà là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp, thường xảy ra ở trẻ nhỏ. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do các dịch tiết từ niêm mạc mũi, họng bệnh nhân khi ho, hắt hơi.

“Bệnh có tính lây truyền rất cao ở những người cùng sống trong không gian khép kín lâu dài như gia đình, trường học,...” - ông Phu lưu ý.

Cũng theo ông Phu, khởi đầu của bệnh có thể không sốt hoặc sốt nhẹ, có viêm long đường hô hấp trên, mệt mỏi, chán ăn và ho. Cơn ho gà rất đặc trưng. Trẻ ho rũ rượi không thể kìm hãm, sau đó là giai đoạn thở rít như tiếng gà gáy. Cuối cơn ho thường chảy nhiều đờm dãi trong suốt và sau đó là nôn ói. 

“Bệnh thường diễn biến nặng, dễ tử vong do bị bội nhiễm, gây biến chứng viêm phổi, viêm phế quản phổi, nhất là ở trẻ dưới 5 tuổi và trẻ suy dinh dưỡng. Cha mẹ cần đưa trẻ đi tiêm vaccine ho gà đầy đủ, đúng lịch để phòng ngừa bệnh này” - ông Phu khuyến cáo.

Tới thời điểm hiện tại, TP.HCM vẫn phải giám sát 18 ổ dịch quai bị, thủy đậu, tay chân miệng trong các trường học trên địa bàn quận 11, quận 12 và huyện Hóc Môn. Trong khi những chùm bệnh lây nhiễm nói trên chưa xử lý dứt điểm thì bệnh ho gà đã xuất hiện khiến nhiều người thêm lo lắng. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm