Trầm cảm: Căn bệnh của người thành thị

Trầm cảm của người nghèo xuất phát từ áp lực cơm áo gạo tiền của cuộc sống thành thị. Thuốc men, bệnh tật khiến nhiều người căng thẳng, mệt mỏi và không tìm thấy lối thoát cho cuộc sống của mình.

Đối với những người thuộc tầng lớp trung lưu, họ không gặp áp lực hay gánh nặng cơm áo nhưng nhiều người trong số đó rất cô đơn và rơi vào trầm cảm. Bà Tr.T.L (chợ Thiếc, quận 11) cho biết bà bị trầm cảm cách đây hơn chục năm khi chồng bà mất. Bà có hai người con trai nhưng họ ít khi trò chuyện, tâm sự với bà. Khi các con có gia đình, bà gần như bị “gạt ra rìa” cuộc sống của con.

Một số người thành đạt trong xã hội bị trầm cảm do luôn lo lắng, căng thẳng từ áp lực công việc hoặc quá cầu toàn. Một số phụ huynh giàu có lại chịu sức ép từ gia đình nên bắt buộc con cái học hành thành đạt, khi không đạt được mong muốn thì gia đình căng thẳng, trầm cảm.

BS Đỗ Ngọc Chánh tại buổi trò chuyện với những người bị trầm cảm. Ảnh: HỒNG MINH

Khi được hỏi: "Bệnh trầm cảm có thể chữa khỏi hay không?". BS Đỗ Ngọc Chánh chia sẻ bệnh trầm cảm có thể được chữa khỏi, tuy nhiên còn phụ thuộc rất nhiều vào ý chí của người bệnh.

Trước hết, người bị trầm cảm cần kiểm soát những suy nghĩ tiêu cực. Cần hướng tới những điều tích cực như đọc sách, duy trì những mối quan hệ tích cực với những người lạc quan, duy trì tín ngưỡng lành mạnh. Khi gặp những vấn đề rắc rối trong cuộc sống, cần xem xét nó ở góc độ tích cực. Ngoài ra, hãy trò chuyện với bác sĩ hoặc chuyên gia tư vấn.

BS Chánh chia sẻ: “Trầm cảm cũng là một cơ hội để chúng ta nhận thức về hiện trạng của chính mình và là một bước khởi đầu cho cuộc sống mạnh mẽ hơn”.

Tham gia buổi trò chuyện, ThS tâm lý Nguyễn Ngọc Diệp cũng chia sẻ: “Điều trị bệnh trầm cảm bao gồm điều trị về tâm lý, điều trị bằng thuốc và tập luyện thể dục thể thao. Khi điều trị các bạn đừng nên ngưng thuốc nửa chừng, bởi trầm cảm dễ dàng tái phát và lần sau sẽ khó điều trị hơn lần trước”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm