Ung thư: Mổ là "chạy tùm lum"?

Ung thư: Mổ là "chạy tùm lum"? ảnh 1

Đúng và sai

Cách đây vài chục năm, mổ xong, bệnh nhân ung thư bị di căn có xảy ra. Đó là khi chuyên khoa ung thư chưa mạnh, bác sĩ ít, phải "bao" nhiều chuyên khoa khác nên có nhiều trường hợp mổ ung thư không đúng cách, thay vì cứu bệnh nhân lại hại bệnh nhân.

Nhưng cũng có trường hợp trước khi mổ, bệnh đã di căn nhiều nơi, bác sĩ mổ chỉ sinh thiết một phần khối u để làm thử nghiệm xác định ung thư, nên sau mổ bệnh vẫn tiếp tục phát triển và di căn xa.

Thực tế, phẫu thuật hay mổ là một phương pháp hiệu quả nhất để cứu sống bệnh nhân ung thư ở giai đoạn sớm. Điều này đã được chứng minh trong y học từ lâu lắm.

Phẫu thuật ung thư đúng cách

Muốn mổ đúng cách, trước hết phẫu thuật viên phải có kiến thức tối thiểu về diễn tiến tự nhiên của ung thư. Khi nói đến ung thư, bác sĩ chuyên khoa thường quan tâm đến ba chữ T, N và M.

T là tumor - tức là khối bướu

N là node - tức là hạch

M là metastasis - tức là di căn.

Ban đầu ung thư chỉ là khối bướu (T), sau đó bướu lớn dần, xâm lấn vào mạch bạch huyết, các tế bào ung thư theo dòng bạch huyết đến các hạch bạch huyết tại vùng để tạo nên một khối hạch di căn (N).

Có trường hợp bệnh nhân ban đầu chỉ có bướu (T), không chịu điều trị mà lại đắp lá cây làm bướu tăng kích thước và loét da. Nguy hiểm hơn cả là bướu xâm lấn đến mạch máu rồi tế bào ung thư theo dòng máu đến các cơ quan khác tạo nên một hoặc nhiều khối u thứ phát, hay còn gọi là di căn - giai đoạn cuối trong ung thư.

Cách thức phẫu thuật có liên quan đến ba chữ T-N-M?

Có hai nguyên tắc lớn nhất cần biết trong phẫu thuật ung thư.

Thứ nhất, mổ ung thư ở giai đoạn sớm không bao giờ cắt ngang khối bướu, mà với mục đích bóc tận gốc tế bào ung thư. Bác sĩ sẽ phẫu thuật quanh khối u một khoảng cách an toàn, vì xung quanh khối u có rất nhiều tế bào ung thư mới hình thành, mắt thường không thể thấy được.

Nhiều trường hợp phải cắt cả cơ quan có bướu. Chẳng hạn, ung thư vú thường được cắt toàn bộ một bên vú, ung thư bao tử cắt đến 2/3 bao tử...

Thứ hai, nắm rõ diễn tiến sinh học theo T-N-M của từng loại ung thư để phẫu thuật đúng mức theo từng trường hợp.

Ung thư vú, tuy khối u nhỏ nhưng phẫu thuật thường rất lớn, phải cắt bỏ toàn bộ vú, nạo hạch nách.

Lý do: diễn tiến của ung thư vú là thường lan rộng tại bướu (T) lại hay di căn đến hạch nách. Nếu ung thư vú chỉ được mổ lấy trọn khối bướu thôi thì sẽ rất mau chóng tái phát hoặc di căn xa.

Ngược lại, ung thư da (loại carcinoma tế bào gai), ở cánh tay chẳng hạn, chỉ cần mổ cắt hơi rộng quanh khối u là đủ, vì loại ung thư này có bướu phát triển chậm, ít khi di căn đến hạch nách nên đa số không cần phải nạo hạch nách.

Như vậy có thể nói phẫu thuật là phương pháp điều trị quan trọng nhất có thể cứu sống các bệnh nhân ung thư ở giai đoạn sớm.

Ung thư: Mổ là "chạy tùm lum"? ảnh 2

Mục đích khác của phẫu thuật

Phẫu thuật giảm bớt triệu chứng: Khi ung thư đã ở giai đoạn "nặng", không thể phẫu thuật tận gốc để chữa khỏi, vẫn có thể mổ nhằm giải quyết tạm thời các triệu chứng.

Chẳng hạn, ung thư đại tràng, khối u làm tắc ruột, nếu không lấy được khối u vẫn có thể mổ để đưa đoạn ruột trên khối u ra ngoài, gọi là hậu môn nhân tạo. Ung thư lưỡi đang chảy máu, đe dọa tính mạng bệnh nhân, phẫu thuật vào vùng cổ bên để tìm động mạch cảnh ngoài, cột động mạch này máu sẽ ngừng chảy.

Có khi phẫu thuật chỉ là rạch đường nhỏ ở bụng nhằm đặt một ống thông vào bao tử để có thể bơm thức ăn vào trong các trường hợp ung thư thực quản gây tắc nghẽn hoàn toàn, không thể nuốt thức ăn.

Những năm gần đây, phẫu thuật nội soi được áp dụng trong điều trị ung thư. Tuy nhiên không phải trường hợp ung thư nào cũng phẫu thuật nội soi được, vì mục tiêu quan trọng nhất là điều trị tận gốc nên đa số thường phẫu thuật hở mới đáp ứng được yêu cầu này.

Phẫu thuật để chẩn đoán: Có khi trước khi mổ, bác sĩ cũng chưa biết bướu lành tính hay ác tính, phải phẫu thuật nhằm sinh thiết khối u. Trường hợp này có thể lấy trọn khối u hoặc một phần để xét nghiệm, xác định xem lành tính hay ác tính.

Phẫu thuật giảm tổng khối bướu: Khi phẫu thuật không thể tận gốc, có thể lấy càng nhiều bướu càng tốt để nhẹ gánh cho các phương pháp điều trị tiếp theo như hóa trị hay xạ trị.

Phẫu thuật tạo hình: Phẫu thuật ung thư thường gây biến dạng cơ thể nên thường tiếp sau đó là phẫu thuật tạo hình nhằm phục hồi lại hình dáng, chức năng của cơ quan bị cắt bỏ.

Phẫu thuật phòng ngừa: Có khi phải cắt bỏ cả một cơ quan nhằm ngăn ngừa sự xuất hiện ung thư nếu thấy nguy cơ ung thư là rất cao. Chẳng hạn những phụ nữ có gen BRCA1 hoặc BRCA2 sẽ có nguy cơ mắc bệnh ung thư buồng trứng hoặc ung thư vú nên phải phẫu thuật cắt buồng trứng hoặc vú để phòng ngừa.

BS. NGUYỄN TUẤN KHÔI - Khoa Nội 1 - Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM (Theo DNSG)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm