Việt Nam gấp rút chuẩn bị ứng phó với virus giết người MERS-CoV

Kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện rất quan trọng

PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, cho biết các bệnh dịch nguy hiểm (như dịch SARS, cúm A/H5N1…) xâm nhập vào Việt Nam thường được phát hiện từ bệnh viện.

Đối với bệnh dịch MERS-CoV có đặc điểm thời gian ủ bệnh lâu (14 ngày), các triệu chứng rất dễ nhầm lẫn, khó phân biệt với một số bệnh cúm, bệnh lây truyền qua đường hô hấp khác. Do đó, công tác khai thác thông tin, các yếu tố dịch tễ của người bệnh từ vùng có dịch, công tác khám chữa bệnh, cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn, quản lý ca bệnh trong bệnh viện đóng vai trò quan trọng và rất cần sự chia sẻ kinh nghiệm từ WHO.

Theo các chuyên gia của WHO tại Việt Nam, từ dịch SARS cho thấy kiểm soát nhiễm khuẩn và quản lý ca bệnh rất quan trọng. Các cán bộ y tế, người chăm sóc là những người có nhiều nguy cơ lây nhiễm bệnh, nên cần tăng cường các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn như rửa tay, đeo khẩu trang thường xuyên khi tiếp xúc với người bệnh có triệu chứng sốt, ho….

Bên cạnh đó, tại các khoa Khám bệnh cần có những hình ảnh tuyên truyền về những triệu chứng của bệnh MERS-CoV để nhiều người biết và chủ động khai báo thông tin với cán bộ y tế.

Cũng theo các chuyên gia WHO, các bệnh viện cần tăng cường năng lực quản lý lâm sàng các ca bệnh truyền nhiễm và có danh sách những bệnh viện có đủ năng lực quản lý ca bệnh để tập trung điều trị người bị nhiễm MERS-CoV.

Ngày mai (4-6), Bộ Y tế sẽ đi kiểm tra hoạt động của Ban chỉ đạo Phòng chống dịch tại BV Chợ Rẫy và BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM. Đoàn sẽ kiểm công tác chuyên môn, công tác cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn, vấn đề mai táng, vệ sinh…. trong bệnh viện

Phân luồng người bệnh ngay từ khi đến khám

Cùng ngày, ông Khuê có văn bản khẩn gửi các BV trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế các tỉnh, TP và y tế các bộ, ngành tổ chức phân loại người bệnh ngay từ khi người bệnh đến đăng ký khám bệnh.

Ông Khuê đề nghị nếu người bệnh có triệu chứng của viêm đường hô hấp cấp tính (ho, sốt…) phải được phân luồng và khám, tư vấn tại buồng khám riêng biệt.

Tại buồng khám riêng biệt này phải khai thác các yếu tố dịch tễ của người bệnh sống hoặc đến từ các nước vùng Trung Đông và Hàn Quốc trong vòng 14 ngày, nếu thấy nghi ngờ trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính do MERS-CoV cần cách ly tạm thời, thông báo khẩn cho y tế dự phòng lấy mẫu xét nghiệm gửi Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương hoặc Viện Pastuer TP.HCM để chẩn đoán kịp thời.

Ông Khuê đề nghị tổ chức tập huấn lại Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị MERS-CoV cho nhân viên y tế.

Ngoài ra, chuẩn bị sẵn sàng khu vực cách ly, buồng bệnh cách ly, cơ số thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư, phương tiện phòng hộ cá nhân, hóa chất khủ khuẩn để cấp cứu, điều trị khi có ca bệnh. Thực hiện tốt theo quy định việc cách ly, điều trị các ca bệnh MERS-CoV, hạn chế lây lan và tử vong.

Tăng cường công tác truyền thông trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhằm phát hiện, phòng chống bệnh MERS-CoV như: tình hình bệnh dịch MERS-CoV hiện nay, các biện pháp phát hiện, phòng lây nhiễm để người bệnh tự giác khai báo tiền sử đi lại tại các nước liên quan đến dịch bệnh.

Trước đó, Bộ Y tế đã chính thức áp dụng tờ khai y tế và đo thân nhiệt hành khách đến từ Hàn Quốc và chín nước khu vực Trung Đông.

Theo tin từ Reuters, ngày 3-6 Bộ y tế Hàn Quốc vừa xác nhận có thêm ca nhiễm mới virus MERS-CoV, nâng tổng số người mắc bệnh từ 25 người lên 30 người. Nhà chức trách Hàn Quốc đóng cửa hơn 200 trường tiểu học để ngăn chặn nguy cơ dịch MERS-CoV lây lan.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm