Không cai nghiện được vì vướng thủ tục

Ngày 27-8, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã có buổi làm việc với Sở LĐ-TB&XH TP.HCM về tình hình thực hiện chính sách pháp luật về cai nghiện ma túy, phòng, chống mại dâm, HIV/AIDS trên địa bàn TP.

Không thể đưa người đi cai được

Từ đầu năm đến nay, không có người nghiện nào bị đưa đi cai nghiện bắt buộc. Sở LĐ-TB&XH cho rằng cơ sở vật chất thì có đủ nhưng vướng quy định để đưa người vào cai. Theo quy định, đối với người nghiện lang thang, không có nơi cư trú nhất định thì cấp xã phải giao cho tổ chức xã hội quản lý họ trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Tuy nhiên, tổ chức xã hội đó là tổ chức nào thì luật không nói rõ nên địa phương không biết đâu mà làm.

Tại buổi làm việc, Sở kiến nghị UBND TP cho phép TP được áp dụng thí điểm giao cho Trung tâm Tiếp nhận đối tượng xã hội Bình Triệu chức năng tạm giữ, cắt cơn giải độc, tư vấn tâm lý cho người nghiện ma túy trong khi chờ cơ quan chức năng lập thủ tục, hồ sơ ban hành quyết định đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. “Trung tâm trước nay vẫn có đủ điều kiện để thực hiện cắt cơn, giải độc nên có thể vận dụng cơ sở này trong thời gian chờ quyết định” - ông Sự phân tích thêm.

Một cái khó nữa là hồ sơ ban đầu từ cấp xã lập phải xác định được tình trạng nghiện của đối tượng. “Mà việc xác định tình trạng nghiện đòi hỏi cán bộ y tế phải có giấy chứng nhận tập huấn và chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh nhưng Sở Y tế lại chưa có hướng dẫn” - ông Đặng Minh Sự, Trưởng phòng Pháp chế Sở LĐ-TB&XH, nói.

Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở, dẫn chứng thêm cái khó trong chuyện này: “TAND quận Bình Tân chuẩn bị xét xử vụ kiện liên quan đến việc này. Thời điểm đưa người này vào trung tâm thì kết quả dương tính nhưng sau đó người nhà yêu cầu test lại, thời điểm này đã quá 24 tiếng đồng hồ thì kết quả lại khác”.

Công an đang áp giải người nghiện Lê Văn Tuấn đã dàn cảnh đưa người yêu vào nhà trọ tại phường Tân Thới Hiệp, quận 12 (TP.HCM) cố thủ nhiều giờ liền vào tháng 8 vừa qua. Ảnh: XUÂN NGỌC

Phải có hướng dẫn cụ thể trong năm nay

Trao đổi bên lề cuộc họp, ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, nhìn nhận công tác đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đang gặp vướng mắc lớn nhất ở cấp cơ sở do trình tự lập hồ sơ chưa khả thi để chuyển lên tòa án cấp huyện ra quyết định.

“Luật Xử lý vi phạm hành chính áp dụng từ ngày 1-1-2014 quy định cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, nếu cai nghiện không thành thì sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn từ ba đến sáu tháng, nếu không chuyển biến thì mới lập hồ sơ chuyển lên tòa. Nhưng qua khảo sát, hầu hết các xã, phường đều chưa thực hiện bước giáo dục đầu tiên này. Nguyên nhân là do còn thiếu hướng dẫn của Bộ Y tế xác định tình trạng nghiện. Đối với heroin tiêm chích thì test sẽ ra ngay kết quả nhưng sử dụng ma túy tổng hợp thì rất khó. Công tác tập huấn cho cán bộ y tế xã, phường để xác định tình trạng nghiện cũng chưa đến nơi đến chốn” - ông Phong nói.

Ông Phong cũng thông tin ngày 27-9 tới đây, Bộ LĐ-TB&XH và các cơ quan liên quan sẽ có phiên giải trình trước Quốc hội để trình lên Chính phủ ra quyết định, cố gắng trong quý IV sẽ hoàn thiện các văn bản hướng dẫn.

HOÀNG LAN

Tôi không thể chịu đựng được nữa!

Bà ĐTNP (đường Liên Khu 2-10, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân) phản ánh đến Pháp Luật TP.HCM: “Tôi chỉ có thằng S. là con trai nên bao tình thương dồn hết vào nó. Từ khi con tôi vướng vào thứ ma túy đá thì nó giống như người tâm thần khiến người trong nhà sống trong lo sợ. Bao nhiêu tiền của gia đình cho làm ăn nó đều đổ vào ma túy, không biết bao nhiêu là những trận đòn roi mà vợ con nó phải gánh chịu. Còn tôi thì ngày nào cũng nghe những lời cay độc từ chính thằng con trai mà mình sinh ra chửi mắng thậm tệ khi không có tiền đáp ứng cho nó chơi ma túy. Có lúc nó cứ ngồi suốt cả đêm nhìn vào tờ giấy trắng, tôi cứ lo nó bị tâm thần, sợ đến lúc nào đó nó lên cơn giết cả nhà. Lúc trước, tôi còn làm ăn được lo cho nó đi cai nghiện tự nguyện nhưng trải qua ba lần cai không thành thì tình trạng của nó ngày càng nặng hơn. Giờ chỉ mong sao Nhà nước sớm đưa nó đi cai nghiện và cải tạo cho nó thành người đúng nghĩa chứ hiện giờ tôi bất lực rồi”.

Đồng cảnh khổ như bà P., bà Đào Thị Cường (đường Thích Quảng Đức, phường 5, quận Phú Nhuận, TP.HCM) đã gửi đơn nhờ báo Pháp Luật TP.HCM can thiệp vì không có cách nào xử lý với người con đang bị nghiện. Khi lên cơn, con bà lại đập phá nhà cửa, uy hiếp tinh thần người thân. Bà đã cầu cứu đến chính quyền địa phương nhưng vẫn chưa thấy giải quyết.

“Lúc trước thằng C. rất hiền lành, chăm chỉ làm ăn và nghe lời mẹ. Vài năm trở lại đây, nó trở thành một con người hoàn toàn khác. Nó nghe lời rủ rê của bạn bè chơi ma túy đá làm tan cửa nát nhà. Vợ nó bỏ đi, còn nó suốt ngày chỉ biết ăn chơi rồi về xin tiền mẹ. Đồ đạc trong nhà lần lượt đội nón ra đi để phục vụ việc hút chích của nó. Có những hôm nó lên cơn đập phá nhà, chửi mắng, tôi chịu không nổi phải dắt díu cháu ngủ ngoài đường để trốn. Chưa hết, gần đây thằng C. còn báo đã mượn tiền xã hội đen buộc tôi phải vay mượn để trả cho người ta. Đến mức này, tôi không thể chịu đựng được nữa. Tôi báo công an phường nhờ can thiệp đưa nó đi cai nghiện. Công an có mời nó đến làm việc nhưng rồi lại thả về. Tôi ước gì xã hội có thể cứu lấy con tôi…” - bà Cường kể.

Chúng tôi đã trao đổi với Trung tá Nguyễn Thành Long, Phó Trưởng Công an phường 5, quận Phú Nhuận, về vấn đề này. Trung tá Nguyễn Thành Long cho biết công an phường đã nhiều lần mời anh C. đến làm việc mỗi khi gia đình báo anh này lên cơn quậy phá. Công an cũng đã lập hồ sơ để đưa đi cai nghiện bắt buộc. Tuy nhiên, từ đầu năm 2014, phía công an phải ngừng lại vì các quy định về lập hồ sơ, quản lý người cai nghiện chưa được hướng dẫn rõ, quy định thẩm quyền ra quyết định đưa đối tượng nghiện đi cai bắt buộc đang còn một số vướng mắc…

Mới đây, đại diện công an phường cho biết đơn vị đã có cuộc họp với hội đồng tư vấn quận và đã thông qua được việc hoàn thành các thủ tục đưa người nghiện đi cai nghiện bắt buộc. Công an phường sẽ sớm lập danh sách, chuyển cơ quan chức năng và đề nghị TAND ra quyết định. Sau đó địa phương sẽ thực hiện việc đưa người nghiện đi cai nghiện.

NGUYỄN HIỀN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm