Không thể tuyên truyền theo kiểu ‘đừng chơi’, ‘đừng mê’

. Phóng viên:Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về việc nhiều người, nhất là người trẻ, hiện điên đảo vì game Pokémon, cứ dán mắt vào điện thoại đi bắt con thú ảo?

+ TS Nguyễn Hữu Nguyên: Giới trẻ say mê một trò chơi mới là chuyện hết sức bình thường. Thế nhưng chúng ta không thể tuyên truyền theo kiểu “đừng chơi”, “đừng mê”. Cũng không thể nói theo kiểu trò này tiềm ẩn nguy hiểm, mất an toàn, dễ bị giật điện thoại, dễ bị tai nạn giao thông... để ngăn cản người chơi. Những mối nguy đấy thì người chơi đều biết cả, hiểu cả. Vấn đề là ở giới trẻ, bản năng luôn mạnh hơn lý trí nên rất dễ bị cuốn hút vào những trò mới lạ, dù biết có tác hại.

. Nói thì không có hiệu quả, người chơi vẫn chơi. Cho nên gần đây có nhiều ý kiến là nên cấm luôn game này đi. Ý kiến của tiến sĩ về đề xuất cấm này như thế nào?

+ Cấm trò chơi thì lại càng không khả thi. Bởi vì cấm đoán có thể gây ra phản ứng xã hội. Tác hại của phản ứng này còn lớn hơn nhiều lần so với cái lợi cấm game. Mà không có game này thì có thể sẽ có game khác, có trò giải trí khác.

Theo quy luật, trò chơi rồi cũng đến lúc nhàm chán. Ảnh: HTD

Tuy nhiên, nhà quản lý có thể đánh giá cái gì làm được, cái gì không làm được, cái gì chỉ có thể ứng phó, đối phó. Game là loại chỉ có thể ứng phó, đối phó. Ta không nên xem nó như ma túy hay hàng cấm để mà cấm đoán. Hơn nữa, cấm một game còn liên quan đến nhiều vấn đề pháp lý, kinh doanh, quyền truy cập Internet... chứ không đơn giản nói cấm là cấm. Không xem xét, đánh giá kỹ lưỡng mà ra lệnh cấm thì lợi bất cập hại.

Nếu xét thấy game này có thể gây hại đến an toàn xã hội, an ninh quốc gia, bí mật quân sự... thì nhà quản lý có thể dùng biện pháp ngăn chặn game ở những điểm quân sự, hành chính, giao thông. Còn ở công viên hay nơi công cộng khác thì có thể cứ để người chơi đến chơi bình thường thôi.

Cái gì mới thì cũng tạo sự quan tâm, say mê. Theo quy luật, khi trò chơi đã quen thuộc rồi thì cũng đến lúc người chơi thấy bình thường, rồi thấy nhàm chán. Sau đó thì có thể có những game khác ra đời, lại gây sốt, lại say mê.

. Những phụ huynh có con em mê chơi game ảnh hưởng việc học hành, hoặc gia đình có người mê chơi game, ảnh hưởng đến đời sống thì có thể làm gì, thưa ông?

+ Mỗi gia đình, mỗi phụ huynh có cách cứng, cách mềm sao cho phù hợp với gia đình, người thân của mình. Xã hội không có công thức chung cho mọi nhà và đấy cũng không phải việc của cơ quan quản lý.

Việc xem xét ứng phó thế nào trước game để không ảnh hưởng an ninh, an toàn mới là vấn đề thử thách năng lực của nhà quản lý.

. Xin cám ơn ông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm