Không thể vì lợi nhuận bất chấp đạo lý

Bộ Thông tin và Truyền thông cần ra tay

Không thể vì lợi nhuận bất chấp đạo lý ảnh 1
Xã hội có rất nhiều hiện thực, phản ánh cái gì, phản ánh thế nào do sự chọn lọc của nhà báo. Nhu cầu của người đọc bao giờ cũng phải muốn đọc thông tin giải trí lá cải. Nhưng nếu báo chí chỉ cứ đưa thông tin thô như vậy thì không phải là làm báo. Bên cạnh việc thông tin trung thực, báo chí phải định hướng dư luận, phân tích những vấn đề xã hội đang xảy ra và cuối cùng là có giải pháp để xây dựng xã hội phát triển. Báo chí phục vụ cộng đồng ở chỗ qua báo chí người dân nâng cao nhận thức và tri thức của con người.

Ở các nước phương Tây, nơi sinh ra báo lá cải thì tình hình cũng không như chúng ta hiện nay. Ví dụ họ khai thác về đời tư của một ngôi sao thì nhà báo có ý thức rằng ngôi sao đó phải sống có trách nhiệm với xã hội, với công chúng như thế nào. Còn báo chí ở ta thì sao, miễn là đáp ứng trí tò mò của bạn đọc mà mục đích không hiểu để làm gì. Hiện nay còn có tình trạng báo chí làm PR ngầm, có vẻ như đang đưa tin xấu về một ngôi sao nào đó nhưng thật ra bản chất là anh đang cố tình tiếp tay cho ngôi sao đó nổi tiếng.

Tôi tin trong cuộc sống tự bản thân người đọc sẽ có sự đào thải những kiểu báo lá cải. Tuy nhiên, sự tự đào thải này sẽ có một quá trình rất lâu dài. Trước khi để nó xảy ra thì cơ quan quản lý, cụ thể là Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Báo chí cần có những xử lý nghiêm những tờ báo như vậy.

Ông Hà Minh Huệ, đại biểu QH,Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam:

Không được đặt lợi nhuận trên lợi ích xã hội

Không thể vì lợi nhuận bất chấp đạo lý ảnh 2
Có một bộ phận báo chí hiện nay đang khai thác các vấn đề giật gân, câu khách, sai sự thật…

 Cái này thể hiện sự thiếu ý thức trách nhiệm của người làm báo đối với xã hội. Bởi anh làm báo thì ngoài chấp hành pháp luật ra, anh còn phải làm tốt trách nhiệm của xã hội và công dân. Nhà báo không để lợi nhuận nhỏ bé đó của cơ quan, của bản thân vượt trên lợi ích xã hội. Do đó, anh làm báo thì anh phải quan tâm đến đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân.

Dẫn đến những điều trên, rõ ràng trách nhiệm của cơ quan quản lý là cũng có, rồi trách nhiệm của cơ quan chủ quản cũng có và có cả trách nhiệm của tổng biên tập (TBT) các tờ báo. Vì TBT là những người được giao trách nhiệm quản lý và phải có trách nhiệm về nội dung, trách nhiệm quản lý phóng viên. Vậy tại sao anh lại cho phép đưa những thông tin nhảm nhí, câu khách, giật gân như vậy?

Phải làm rõ trách nhiệm của TBT các tờ báo. Qua đó, TBT nào mà chỉ quan tâm đến lợi nhuận mà không quan tâm đến đạo đức báo chí, quan tâm đến lợi ích xã hội thì người TBT đó nên nghỉ. Đồng thời, tăng cường xử phạt mạnh hơn nữa để giảm bớt các thông tin sai sự thật, nhảm nhí gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội:

Phạt nghiêm các “lá cải” gây hại dư luận

Không thể vì lợi nhuận bất chấp đạo lý ảnh 3
Ở Việt Nam hiện nay không có loại hình báo chí lá cải. Mỗi cơ quan tờ báo đều gắn với các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội nghề nghiệp. Do đó, nếu ban biên tập, nhà báo nào cho ra đời các tờ báo, bài báo mang tính “lá cải”, với những thông tin giật gân, câu khách, chạy theo lợi nhuận chứng tỏ họ không có nhận thức đầy đủ về trách nhiệm xã hội của mình.Nói thật, ngay cả những bài báo phê phán tiêu cực mà “lá cải” nêu, tôi cũng không tin là họ có thực tâm chống tiêu cực mà chỉ chạy theo bán báo, còn mục tiêu chống tiêu cực chỉ là ngụy biện. Điều này sẽ làm cho báo chí đi chệch hướng, nhiệm vụ trong việc định hướng dư luận, hướng dẫn dư luận đi đến những điều tốt đẹp.

Do đó, chúng ta cần phải nâng mức phạt, đồng thời, quan tâm hơn nữa đến những tổn hại về tinh thần của nạn nhân báo “lá cải” để có những hình phạt thích đáng. Ví như, vụ hai đứa trẻ tự thiêu vì báo “lá cải” (Pháp Luật TP.HCMđã phản ánh), các cơ quan bảo vệ pháp luật phải vào cuộc, phải xử lý thật nghiêm khắc.

Ngoài ra, cơ quan quản lý, cũng như báo chí, dư luận cần động viên những nạn nhân của những bài báo sai lệch, “lá cải” có biện pháp đấu tranh, bảo vệ quyền lợi của mình đã được pháp luật bảo vệ. Cần khơi gợi, giúp họ đấu tranh với những trào lưu lệch lạc của các bài báo lá cải.

Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn:

Những cái nấm sặc sỡ mang chất độc

Không thể vì lợi nhuận bất chấp đạo lý ảnh 4
Hiện tượng báo lá cải đang rất phổ biến, nó là những cái nấm sặc sỡ nhưng lại mang trong mình bao nhiêu chất độc. Báo chí hiện nay đang có chiều hướng nuông chiều bạn đọc, kiếm tiền bất cứ giá nào. 

Cần lưu ý là bạn đọc cũng rất bơ vơ, yếu đuối. Họ cũng chỉ là những con người bình thường, thích món ăn nhẹ nhàng dễ tiêu hóa, làm cho người ta thấy ngon miệng tức thời mà không biết rằng về lâu dài nó có thể gây bệnh nan y. Chúng ta không thể trách bạn đọc vì báo chí lá cải đã chiều nịnh bạn đọc và dần dần tạo ra lượng bạn đọc đó. Thiệt hại lớn nhất là bạn đọc sẽ dần mất niềm tin vào xã hội. Những người xấu thì xấu hơn nữa, người tốt hôm qua hôm nay cũng sẽ xấu đi.

Báo chí phản ánh hiện thực không phải là đời sống có chuyện gì thì bê nguyên xi vào hoặc bê từng mảng lên báo theo cái lăng kính tầm thường của anh. Khi đặt bút viết bài tung hê một cô gái bao, nhà báo hãy nghĩ đến có bao nhiêu người làm gái bao mãn nguyện sau bài viết của anh? Có bao nhiêu học sinh sẽ hư hỏng vì bài viết này khi anh cổ vũ cho lối sống đó?

Những người làm báo như thế có muôn vàn lý do để nói về việc mình làm nhưng cái lý lớn nhất ở đây họ lại không nói được, không làm được, đó là nâng con người lên, thúc đẩy xã hội phát triển. Trong thời gian vừa qua chúng ta quản lý báo chí nặng theo hướng chính trị chứ không chủ ý quản lý theo hướng nhân văn, xem trọng chất lượng nghề nghiệp của báo chí có tác động vào xã hội tốt như thế nào. Tôi có cảm giác cơ quan chức năng đang dung dưỡng cho những tờ báo lá cải hoạt động.

Đặng Thị Vân An, Phó Cục trưởng Cục Báo chí - Bộ TT&TT:

“Lá cải”, không có nghĩa là bỏ “hàn the” vào

Không thể vì lợi nhuận bất chấp đạo lý ảnh 5
Việc cấp phép cho các phụ san, phụ bản là không sai luật và chắc chắn những nội dung tôn chỉ, mục đích đã được cho phép là không thể như những nội dung mà các tờ báo này đang thực hiện (như phản ánh vừa qua của một số báo). Ở đây, rõ ràng những người thực hiện đã xa rời, không thực hiện đúng tôn chỉ mục đích khi đăng ký. Làm như thế là sai luật.

Trong thời gian tới, với những tờ nào cố tình không thực hiện đúng tôn chỉ mục đích, nội dung đăng ký thì phải xử lý. Vấn đề này, tôi đã làm báo cáo và gửi về Hà Nội, cơ quan quản lý cũng đã nắm, hướng tới sẽ chuyển cho thanh tra vào cuộc xử lý.

Về một số nội dung các báo này thực hiện, cái mà chúng ta hay gọi là “lá cải”, theo tôi cũng không phải như thế này. Phải hiểu “lá cải” là không chính thống nhưng nó cũng phải “ngon, bổ, rẻ” chứ. Tức phải xem nó như nhu cầu cần của bạn đọc, vì báo chính thống anh không đủ “đất” để phản ánh những thông tin như thế này thì anh thực hiện trên phụ bản. Nhưng anh không thể bỏ “hàn the, phẩm màu” vào đó được. Ta phải đấu tranh với cái ác và cái xấu.

Đành rằng “cướp, giết, hiếp, tình, tiền, tù tội” là có trong xã hội nhưng phải đăng thế nào cho khách quan, hợp lý chứ. Phải làm sao để bức tranh thực về sự phát triển của xã hội được phản ánh một cách khách quan, đầy đủ. Một tờ báo phản ánh mà toàn là tin xấu cả thì đâu phải là xã hội mình, phải có biện pháp mạnh để xử lý thôi.

T.MẬN - THÀNH VĂN - LÊ MINH ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm