Khuyến... đọc

Hội sách TP.HCM qua bảy lần tổ chức cho thấy sách vẫn được mọi người quan tâm tìm mua, tìm đọc, sách vẫn thu hút được nhiều lớp người cầm lên đặt xuống lật giở. Đó là một thực tế mừng của mỗi kỳ hội sách diễn ra trong vòng một tuần lễ. Nhưng nhìn chung trong xã hội cũng có một thực tế khác đáng lo, đáng buồn là nhu cầu đọc sách như đang giảm sút. Sách đây là nói sách giấy. Ở đây đúng là đang có sự cạnh tranh của sách điện tử. Theo một điều tra của hãng Pew Research Center, cuối năm 2011, với gần 3.000 người dân Mỹ từ tuổi 16 trở lên thì những người có sử dụng các thiết bị điện tử như Kindle, iPad, Nook đọc nhiều sách hơn những người không có các thiết bị đó (tỉ lệ là 24/15 cuốn một năm). Tôi đã viết trong một bài trước là dù đọc sách giấy hay sách điện tử thì con người vẫn là dùng mắt nhìn vào con chữ để thu nhận thông tin, kiến thức. Cố nhiên, các máy móc điện tử dễ mang theo, dễ truy cập sẽ giúp cho người đọc dễ đọc được sách ở mọi nơi mọi lúc.

Tuy vậy, tương lai sách giấy nhường chỗ hoàn toàn (hoặc gần như hoàn toàn) cho sách điện tử hãy còn rất xa. Nhân ngày Sách và bản quyền thế giới, ta hãy nghĩ cách làm sao thúc đẩy mình và thúc đẩy nhau tích cực đọc sách hơn nữa. Nhiều cách làm đã được đề ra và thực hiện như những cuộc giới thiệu ra mắt sách, như giao lưu gặp gỡ người viết sách và người làm sách, như thành lập các tổ nhóm câu lạc bộ người đọc sách, yêu sách, như chương trình cha mẹ đọc sách cùng con, vân vân và vân vân. Tôi có một đề xuất thế này. Các đài phát thanh và truyền hình trung ương và địa phương nên có tiết mục đọc sách thường xuyên, ngày nào cũng có. Kiểu như chương trình Mỗi ngày một cuốn sách mà VTV đã thực hiện mấy năm qua và đã có tác dụng tốt nhưng cách làm khác hơn. Không cần thiết phải dàn cảnh đẹp, phải bài trí cầu kỳ, kiểu cách, khi mỗi phút lên sóng là quý. Chỉ cần ở tiết mục đó nhà đài mời một chuyên gia, một nhà văn, nhà phê bình có uy tín, có kinh nghiệm đọc sách, giữ mục thường xuyên, mỗi ngày lên sóng giới thiệu một cuốn sách bằng cách nói gần gũi, hấp dẫn. Người giữ mục cũng sẽ trả lời các thắc mắc, hỏi han của bạn đọc gửi về xoay quanh chuyện sách và đọc sách. Tôi hình dung người giữ mục đọc sách trên đài phát thanh và truyền hình giống như chuyên gia trả lời nhà nông trong chương trình nông thôn vậy. Một bên giới thiệu giống cây con nên nuôi trồng và trả lời thắc mắc của bà con về kỹ thuật canh tác, chăn nuôi. Một bên giới thiệu sách này sách kia nên đọc và trả lời câu hỏi của độc giả về tác giả, tác phẩm, về kinh nghiệm đọc sách, viết sách. So sánh này không khỏi khập khiễng nhưng tôi thấy hiệu quả có thể giống nhau. Thường tâm lý người ta là tin theo những chỉ dẫn của người trong nghề có uy tín, kinh nghiệm và sau một thời gian làm theo sự giới thiệu thấy sách tìm mua quả là đáng đọc thì họ lại sẽ càng hứng khởi, tin và tự tin hơn trong việc chọn sách để đọc.

Tôi tin là thế. Và tôi hình dung 64 đài phát thanh truyền hình cả nước phủ sóng rộng khắp mục đọc sách hằng ngày sẽ tạo ra được một sự kích thích sự đọc cho mọi người. Việc bây giờ chỉ đơn giản là các đài hãy vào cuộc khuyến khích mọi người dân đọc sách. Đài mở mục đọc sách thì người đầu tiên phải đọc là người được mời giữ mục, họ đọc không chỉ cho mình nữa mà là đọc cho nhiều người. Và nhiều người sẽ đọc theo họ.

PHẠM XUÂN NGUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm