Kiện đòi tiền ‘nạp tài’

Ngày 30-11, TAND TP Cần Thơ đã xử phúc thẩm, bác kháng cáo của vợ chồng ông P. trong vụ kiện đòi vợ chồng ông N. phải trả tiền “nạp tài” ( còn gọi là “tiền chợ”) mà ông P. đưa cho ông N. để tổ chức đám cưới cho con của hai bên.

Hủy hôn trước đám cưới nhà trai nửa tháng

Trước đó, trong đơn kiện gửi TAND huyện, vợ chồng ông P. trình bày rằng đã hỏi cưới con gái của ông N. cho con trai mình. Hai gia đình thống nhất sẽ tổ chức cưới theo nghi lễ truyền thống. Theo thỏa thuận, nhà trai cho cô dâu một lượng vàng 24k và đưa nhà gái 30 triệu đồng để tổ chức đám cưới. Hai nhà thống nhất vào ngày 6-11-2012 (âm lịch) tổ chức đám hỏi (đồng thời là đám cưới bên nhà gái), ngày 19-1-2013 (âm lịch) tổ chức đám cưới bên nhà trai và nhà trai sẽ đến nhà gái rước dâu.

Tuy nhiên, còn cách ngày cưới bên nhà trai nửa tháng thì ông N. trả lại vàng cưới và tuyên bố hủy hôn. Vợ chồng ông P. bèn khởi kiện yêu cầu vợ chồng ông N. trả lại 30 triệu đồng tiền “nạp tài” cùng tiền lãi theo quy định do “không tổ chức đám cưới, vi phạm hợp đồng”. Theo vợ chồng ông P., 30 triệu đồng này là tiền “đặt cọc” để hai bên thực hiện nghĩa vụ tổ chức đám cưới.

Xử sơ thẩm, TAND huyện nhận định giao dịch về tiền “nạp tài” giữa hai bên là “hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện”. Tuy nhiên, vợ chồng ông P. không có chứng cứ chứng minh nhà gái chỉ được sử dụng số tiền này để tổ chức đám cưới, trong khi nhà gái đã tổ chức đám hỏi nên tòa bác yêu cầu của vợ chồng ông P.

Không trả tiền vì đã đãi tiệc

Vợ chồng ông P. kháng cáo. Tại phiên phúc thẩm hôm qua, nguyên - bị đơn đều vắng mặt, chỉ có người đại diện tham gia.

Theo đại diện của vợ chồng ông P., ngày làm đám hỏi, nhà trai qua nhà gái gần 30 người với sính lễ gồm một lượng vàng, 30 triệu đồng cùng các mâm quả. Trong đó, 30 triệu đồng là “tiền chợ” để nhà gái tổ chức đám cưới. Vài ngày sau, mẹ chú rể phải đi TP.HCM mổ cánh tay. Nhà có cửa hàng không ai trông coi nên nhà trai mới “mượn” con dâu về giúp bán hàng. mùng 4 tết, vợ chồng ông P., con trai, con dâu về thăm ông bà sui thì đột nhiên ông sui tuyên bố hủy hôn mà “không rõ tại sao”. Cũng theo đại diện của vợ chồng ông P., theo phong tục địa phương thì nhà gái tự tổ chức đám hỏi, tự lo mời đãi khách chứ không dùng tiền “nạp tài” cho lễ này.

Đáp lại, dì của cô dâu (đại diện của vợ chồng ông N.) nói hai bên đã thỏa thuận ngày làm đám hỏi cũng là ngày nhà gái tổ chức cưới, đến ngày cưới, bên nhà trai thì chỉ làm lễ đưa dâu về nhà chồng. Bằng chứng là đám hỏi nhà gái đãi tiệc hơn 10 bàn, mời tất cả họ hàng, có chụp ảnh, quay phim và bên nhà trai qua hơn 30 người dự tiệc. Sau đám hỏi, vì “nể” bà sui bị đau nên nhà gái mới đồng ý cho con về giúp nhà chồng. Thực ra trước đó khoảng 20 ngày, cô dâu cũng đã bị nhà chồng “mượn” rồi. Theo dì của cô dâu, nguyên nhân nhà gái hủy hôn là thời gian ở nhà chồng, cô dâu bị chồng hành hung đòi “quan hệ”, cha chồng đối xử khắc nghiệt, bắt dậy sớm… “mùng 4 tết nó về khóc lóc xin thôi, mẹ nó khuyên răn không được nên mới thống nhất trả vàng. Chứ xảy ra chuyện này cháu tôi cũng bị tai tiếng lắm!”.

Tòa: “Không phải hợp đồng tặng cho có điều kiện”

Luật sư của vợ chồng ông P. khẳng định việc nhà gái phải trả lại 30 triệu đồng cùng tiền lãi là hợp lý vì tiền “nạp tài” là tiền tặng cho có điều kiện, để dùng làm đám cưới chứ không phải đám hỏi. Trước lễ cưới nửa tháng, cha cô dâu tuyên bố hủy hôn gây tai tiếng cho cả đôi bên chứ không riêng ai vì nhà trai đã phát thiệp mời khắp nơi...

Theo tòa phúc thẩm, theo phong tục tập quán về cưới hỏi thì nhà trai phải hỗ trợ cho nhà gái một khoản tiền để chuẩn bị lễ cưới, gọi là tiền “nạp tài” hay “tiền chợ”. Số tiền này nhà gái được dùng trong cả đám hỏi lẫn đám cưới. Bởi lẽ trong đám hỏi, nhà gái phải tạm ứng trước các chi phí, ngay trong ngày diễn ra đám hỏi thì phía nhà trai mới sang đưa “tiền chợ” và sính lễ khác như vàng, mâm quả... Bản án sơ thẩm nhận định đây là “hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện” là không chính xác mà đây là khoản tiền nhà trai hỗ trợ nhà gái tổ chức hôn sự ở phía nhà gái theo phong tục tập quán.

Theo tòa phúc thẩm, trong vụ án này, ngày đám hỏi ở nhà gái, nhà trai có qua 30 người dùng tiệc do nhà gái đãi cùng với họ hàng, khách mời của nhà gái. Mặt khác, hai bên thỏa thuận nhà gái gộp đám hỏi và đám cưới bên nhà gái vào làm một, sau đó nhà trai qua rước dâu để tổ chức đám cưới bên nhà trai. Tuy nhiên, sau đó nhà trai thông báo mẹ chú rể bị bệnh nên không tổ chức đám cưới như đã định, đồng thời xin phép mượn cô dâu về chăm sóc mẹ chồng. Trong thời gian ở nhà chồng, cô dâu bị chồng hành hung phải bỏ về nhà cha mẹ ruột. Như vậy, lỗi hủy hôn là do phía nhà trai. Hơn nữa, nhà gái đã bỏ ra các khoản để chi phí tổ chức đám hỏi. Vì vậy, số tiền nhà trai bỏ ra hỗ trợ xem như nhà gái đã chi phí hết cho hôn lễ nên việc nhà trai đòi lại tiền là không có căn cứ.

“Không ai sống hạnh phúc mà lại chối bỏ cả”

Tại phiên phúc thẩm, dì của cô dâu bức xúc: “Tôi gần 70 tuổi mà chưa thấy ở đâu nhà trai kéo qua ăn rồi giờ còn ra tòa đòi tiền. Nếu nhà trai hẹn rước dâu mà không có cô dâu thì chúng tôi sẵn sàng “của một đền hai”. Đằng này cháu tôi không được rước dâu còn bị bên đó “mượn” về triền miên như ôsin vậy. Chúng tôi không đặt ra việc đòi tiền công lao động của nó ở bên đó rồi, miễn giải phóng được bản thân nó là được rồi. Cháu tôi không sống chung được mới ra cớ sự này. Nếu tự nhiên nó hủy thì tôi không đại diện cho nó ở tòa thế này mà còn rầy nó nữa. Đằng này nó khổ quá! Cháu tôi nó sợ cuộc hôn nhân này nên mới vậy, chứ không ai sống hạnh phúc mà lại chối bỏ cả” - dì của cô dâu nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm