Làm từ thiện cần tìm hiểu kỹ nhu cầu người nhận

Đó là một hành động đẹp, thể hiện tinh thần nhân văn, san sẻ hạnh phúc với những mảnh đời khó khăn.

Nhưng thật sự người vô gia cư không thiếu thốn như chúng ta đã nghĩ, bởi đa phần họ đều có công việc: nhặt ve chai, bán vé số, quét đường…, tuy nhiên thu nhập của họ khá bấp bênh, chỉ đủ lo cơm ăn mỗi ngày. Mặt khác, họ cũng thường xuyên nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức từ thiện. Vì vậy họ không cần quá nhiều thức ăn, chăn, quần áo và việc cùng lúc một người vô gia cư nhận được quá nhiều những thứ này sẽ tạo nên sự dư thừa, lãng phí. “Chưa kể việc tặng chăn, quần áo ồ ạt có thể khiến một số đối tượng xấu nổi lòng tham, “đội lốt” người vô gia cư để lợi dụng lòng thương của mọi người” - anh Lưu Minh Anh (thành viên nhóm thiện nguyện chùa Giác Lâm, quận 10, TP.HCM) chia sẻ.

Đồng quan điểm với anh Minh Anh, bạn Phạm Ngọc Trân (thành viên Đội Công tác xã hội Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, TP.HCM) chia sẻ thêm: “Nhiều lần mang cơm đến cho các cô chú vô gia cư đã thấy một hoặc hai, ba hộp cơm cô chú ăn không hết, để đó. Trong các dịp tặng quần áo, nhiều cô chú từ chối vì đã có và chỉ cần một, hai bộ là đủ”.

Ông già Noel đến tận giường bệnh tặng quà cho bệnh nhi tại BV Nhi đồng 2 (TP.HCM). Ảnh minh họa: TP

Anh Minh Anh cũng lưu ý: Các hoạt động thiện nguyện xuất phát từ tâm của người làm nhưng thường không quan tâm đến những vấn đề tiêu cực có thể xảy ra. Đã có nhiều trường hợp những đối tượng xấu lợi dụng mùa từ thiện này đổ ra đường nằm, chờ mọi người mang đồ và quà đến rồi xin tiền. Họ ùa vào một nhóm, giành giật các món quà, thậm chí trộm điện thoại, túi xách của những người làm từ thiện. Có những trường hợp chính chúng tôi gặp phải, đó là những người nghiện đứng rình chỗ người vô gia cư nằm, sau đó cướp hết những đồ mà mọi người cho họ đêm hôm trước, có cả những người bị thương vì bị hành hung. Nếu mọi người muốn tổ chức từ thiện, hãy dành thời gian tìm hiểu về hoàn cảnh của họ, cái họ thực sự cần và xác minh họ có đúng là người vô gia cư hay không.

Vẫn còn nhiều thắc mắc, tôi trực tiếp tìm gặp vài cô chú vô gia cư sống trên cầu Ông Lãnh để nghe câu trả lời của người trong cuộc.

“Cơm, chăn, quần áo thì ai không cần, mùa lạnh lại cần hơn nhưng mấy hôm nay người ta cho nhiều quá, cơm ăn không hết thì phải bỏ, còn chăn, quần áo thì cố bỏ vô bao mang theo. Nếu có chỗ nào nhận làm thì tốt, có tiền sẽ thuê được nhà, chứ nhặt ve chai thì không đủ tiền thuê nhà” - cô Thị Bé trả lời.

“Người này người kia cho quần áo, chăn ấm nhiều lắm mà đâu có nhà để cất, vòng vòng đây ai cũng có nên không biết cho lại ai, để vậy mưa nắng hư hết. Nếu được phải chi có căn phòng, được khám bệnh thì tốt lắm, ho lâu lắm rồi con…” - chú Nguyễn Văn Tỵ chia sẻ.

Điều thật sự cần thiết để giúp những người vô gia cư còn khả năng lao động là tìm được công ăn việc làm ổn định, những cụ cao tuổi có chỗ nghỉ ngơi lúc tuổi già và các em nhỏ có điều kiện để học tập, trưởng thành. Để làm được điều này là cả một quá trình dài, cần những chính sách đồng bộ của Nhà nước và sự chung tay của xã hội, không chỉ dừng lại ở có quá nhiều cơm ăn, quần áo để mặc hay chăn để ấm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm