Lừa cả người gặp nạn

Chị N.T.M (ngụ phường 15, quận Tân Bình) có đứa con trai năm tuổi đi chơi rồi không thấy về nhà. Vợ chồng chị M. cùng hàng xóm tủa ra tìm khắp nơi nhưng chẳng thấy cháu đâu. Sau khi trình báo công an, gia đình đến đài truyền hình nhờ nhắn tin trẻ lạc.

Ngày 18-9, sau khi đài truyền hình phát sóng tin nhắn thì có một người đàn ông gọi điện thoại báo tin đang giữ con chị M. và cháu hiện đang ở Quảng Ngãi. Cả nhà chưa kịp mừng thì người này bảo chị M. phải mua cạc điện thoại 200 ngàn đồng nạp vào số điện thoại của anh ta để tiện liên lạc, hướng dẫn địa chỉ đưa cháu về nhà.

Tuy nhiên, chị M. nạp tiền điện thoại xong thì “ân nhân” kia giở quẻ: “Chắc chị nhầm số máy của ai chớ tôi đâu biết đứa trẻ đi lạc nào đâu”. Hôm sau có người khác gọi đến nói con chị M. đi lạc vào nhà họ, đề nghị nạp giùm tiền điện thoại 300 ngàn đồng để thông tin qua lại. Rút kinh nghiệm lần trước, chị M. trả lời: “Anh cứ đưa cháu về. Gặp được cháu rồi, gia đình chúng tôi sẽ hậu tạ”. Nghe vậy, đầu dây bên kia hằn học chửi thề rồi cúp máy cái rụp.

Tương tự, chị L. (ngụ phường Tây Thạnh, quận Tân Phú) có đứa con trai sáu tuổi mất tích. “Đến ngày thứ hai vẫn chưa tìm thấy con, gia đình tui như ngồi trên đống lửa. Bỗng có người đàn ông gọi đến nói là đang giữ con tui ở Bình Chánh. Người này ra điều kiện nếu tôi muốn nhận lại con, phải đi một mình đến khách sạn và chịu “quan hệ”, xong rồi sẽ chỉ chỗ con tui đang ở”. Vừa kể lại chị L. vừa lau nước mắt phẫn uất.

Chị L. cho biết trong vòng một tuần khi chưa tìm được con, gia đình chị nhận hơn 10 cuộc điện thoại lừa gạt như trên.

Theo phòng Tổng hợp thông tin kinh tế rao vặt (Đài truyền hình TP.HCM) thì chiêu lừa gọi người tìm người thân đi lạc hoặc mất giấy tờ để gạt tiền, nạp cạc điện thoại rộ lên trong thời gian gần đây. Những kẻ xấu theo dõi chương trình tìm trẻ lạc, người mất tích, mất giấy tờ rồi ghi lại số điện thoại, địa chỉ của khổ chủ để gọi đến bịa rằng mình đang giữ giấy tờ, trẻ lạc để lừa gạt.

Các nhân viên phòng Tổng hợp thông tin kinh tế rao vặt bức xúc: “Kiểu lừa quá nhẫn tâm và tha hóa về đạo đức khi lợi dụng sự đau khổ, bất hạnh của người khác. Trong trường hợp này, người nhà nên bình tĩnh hỏi lại những dấu vết nhận dạng của người thân, trẻ lạc hoặc đặc điểm, số liệu cụ thể trên giấy tờ bị đánh rơi để kiểm tra. Nếu gặp kẻ lừa đảo thì chắc chắn không thể trả lời đúng được”.

V.THUẬT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm