Luật sư chỉ cách tìm chứng cứ xâm hại con trẻ

Hội thảo “Các giải pháp phát huy sự tham gia của cộng đồng trong việc ngăn ngừa, can thiệp và bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực và xâm hại” tổ chức tại văn phòng Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM diễn ra cuối tuần qua như nóng lên từng phút bởi những vụ việc xâm hại đau lòng liên quan đến trẻ em.

Chứng cứ mong manh

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi Hội trưởng Chi hội Luật sư Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, chia sẻ hội đang trăn trở vì 17 vụ việc trẻ em bị xâm hại được phát hiện quá muộn màng, thiếu chứng cứ dù thực tế rất đau lòng.

Trong đó có trường hợp một em bé mới tám tuổi nghi bị ông hàng xóm hiếp dâm đến sáu lần nhưng ông này vẫn đang nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.

Luật sư Nữ kể: “Trong một lần phát hiện con gái đang coi phim sex trong máy tính, mẹ bé đã tức giận quá, đập nát máy tính và truy hỏi căn nguyên. Em bé mới móc trong ví của mình ra tấm giấy nhỏ có ghi dòng chữ trang web sex mà em đang xem do ông hàng xóm ghi cho để cùng coi chung. Cứ mỗi lần trước khi dắt em đi làm chuyện người lớn là ông sẽ kêu bé xem phim trước. Lần quan hệ đầu tiên là ở phòng tắm hồ bơi khi bé đi bơi cùng với đứa cháu của ông hàng xóm”.

Chi hội Luật sư Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM đang tiếp nhận trường hợp em bé tám tuổi bị hàng xóm hiếp dâm. Ảnh: Hội Bảo vệ quyền trẻ em.

“Không giữ được bình tĩnh, chị đã kéo cả nhà chạy qua nhà hàng xóm, đưa tờ giấy ra cho ông xem. Tức thì ông này chụp và xé luôn tờ giấy. Khi nghe chị kể đã đập máy tính và xé tờ giấy, tôi rất thất vọng vì hai chứng cứ gián tiếp nhưng khá quan trọng đã bị mất. Chị trình bày thêm ở nhà ông hàng xóm còn có con chim sáo hay nhại tiếng người là “bé ơi lên đây” mỗi khi ông dụ dỗ con chị lên gác để làm bậy. Trong lúc công an mời lên làm việc thì ông đã nói người nhà mở lồng cho sáo bay đi. Sau khi sự việc xảy ra, chị không đưa con đi giám định ngay… Hiện vụ việc đang giẫm chân tại chỗ vì thiếu chứng cứ” - bà Nữ bức xúc.

Luật sư Nữ chia sẻ thêm gia đình của nạn nhân bị xâm hại tình dục thường không có thói quen tìm đến luật sư nhờ can thiệp ngay từ đầu trong khi phía bên kia thường thuê luật sư tư vấn để che đậy chứng cứ.

Bổ sung thêm, luật sư Lý Thị Tố Mai, thành viên Chi hội Luật sư Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, cho rằng với những nạn nhân là trẻ em nam thì việc thu thập chứng cứ càng khó.

Theo luật sư Mai, mới đây hội tiếp nhận trường hợp một em học sinh đang học cấp 2 tại TP.HCM rất ngoan ngoãn, học giỏi, là lớp trưởng nhiều năm liền. Từ khi theo một người đàn ông đi chơi game thì thường xuyên trốn nhà. Gia đình nhiều lần tìm về, lần gần đây nhất là đã bỏ nhà đi hơn 20 ngày và bỏ học.

“Bản thân làm công tác liên quan đến trẻ em nhiều năm, tôi nhận thấy đứa trẻ có biểu hiện bị lạm dụng. Tôi chưa dám nói đây là lạm dụng sức lao động, sức khỏe hay tình dục nhưng chắc chắn là có vấn đề gì đó không ổn. Gia đình đã báo công an, công an cũng muốn xem xét vấn đề nhưng không thấy rõ chứng cứ” - luật sư Mai nói. 

Luật sư chỉ cách lưu chứng cứ

Luật sư Nữ tư vấn phụ huynh khi phát hiện ra vụ việc cần giữ bình tĩnh, báo cáo ngay với tổ dân phố, chốt khu phố là nơi gần gũi nhất hay chính quyền địa phương như hội phụ nữ, an ninh khu vực, UBND xã phường, công an khu vực. Đối với trẻ mới bị xâm hại thì giữ nguyên hiện trường, tuyệt đối không được xóa dấu vết ở trên người trẻ như vết máu, tinh dịch. Lưu lại hết những chứng cứ như hình ảnh, thiết bị điện tử nhằm giúp công an phá án. Nếu vụ việc xảy ra lâu rồi thì đưa trẻ đến cơ quan y tế thăm khám và làm ngay đơn tố cáo kèm theo kết luận của cơ quan y tế. Đồng thời có thể gọi ngay đến đường dây nóng của Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM để được hỗ trợ.

Luật sư Nữ cũng cho rằng cần xem xét các quy định liên quan đến việc công nhận các danh hiệu thi đua của các đơn vị, tổ chức, tránh tình trạng vì danh hiệu mà không báo cáo các vụ xâm hại trẻ em xảy ra trên địa bàn.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Trần Công Bình, chuyên viên của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam, nhìn nhận công tác bảo vệ trẻ em phải bao quát ba lĩnh vực gồm phòng ngừa, can thiệp sớm và giúp trẻ tái hòa nhập cộng đồng. Thông thường các vụ việc được phát hiện chủ yếu là từ báo chí và cộng đồng, thành phố vẫn chưa có đội ngũ chuyên nghiệp làm công tác này. Các dịch vụ hỗ trợ chủ yếu là thăm viếng, tặng quà còn hỗ trợ tâm lý, tái hòa nhập thì còn yếu và tản mát, chưa đáp ứng được nhu cầu. Các cơ quan nhà nước cần quan tâm thúc đẩy phát triển nhanh đội ngũ này.

 

Hãy gọi đến đường dây nóng!

Tại TP.HCM hiện có các đường dây nóng và số điện thoại tư vấn, can thiệp và trợ giúp trẻ em bị xâm hại, bạo lực:

• Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM: 18009069.

• Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM): 0906 386 166.

• Luật sư Nguyễn Sơn Lâm (Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM): 0918 020 457.

• Trung tâm Công tác xã hội trẻ em TP.HCM: 1900545559.

_______________________________

1.600 đến 1.800 là số liệu các vụ xâm hại trẻ em tại Việt Nam mỗi năm. Đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. 65% là số vụ xâm hại tình dục mà trẻ em là nạn nhân. Đa số nạn nhân từ 12 đến 15 tuổi. 13,2% số vụ xâm hại tình dục có nạn nhân là trẻ em dưới sáu tuổi.

46% số người phạm tội xuất thân trong những gia đình phức tạp, có vấn đề.

18% đối tượng có hoàn cảnh gia đình bố mẹ ly hôn.

14% đối tượng sống trong gia đình có văn hóa ứng xử thấp.

(Theo báo cáo của Tổng cục Cảnh sát Phòng,
chống tội phạm, Bộ Công an)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm