‘Mãi lộ’ từ trong truyện Tàu ngày xưa

Mỗi khi dành được chút tiền tôi liền đến mấy tiệm sách đó mướn truyện Tàu để đọc. Đọc truyện Tàu như Tam quốc chí, Thủy hử , Chinh Đông, Chinh Tây, Phong thần…người đọc được đưa đi về một thời kỳ xưa lơ, xưa lắc ở tận những nước mà cái tên nghe lạ lùng. Người đọc được thả hồn theo những đấu pháp, những trò phép thuật hô phong hoán vũ, thế thiên hành đạo… để quên đi những bức bối của cuộc sống thường nhật. Hết một thời truyện Tàu rồi đến thời của truyện chưởng, cũng là một dạng truyện Tàu kiểu mới. Thể loại truyện chưởng đưa người đọc lạc vào chốn võ lâm hắc bạch giang hồ xuyên qua những màn tỉ thí giữa chính nhân quân tử và bọn thảo khấu lục lâm. Cái ác trong truyện Tàu lúc nào cũng bị tiêu diệt bởi cái chính nghĩa. Điều đó làm người đọc thích thú để tự rút ra cảm nhận cho mình trong cuộc đời: Cái ác sẽ bị luật pháp trừng trị. Truyện Tàu, truyện chưởng hấp dẫn cũng một phần nhờ cái lõi nhân văn, vì hạnh phúc của con người.

Đọc truyện Tàu, truyện chưởng người đọc còn rút ra được nhiều từ mới lạ, bổ sung vào trong ngôn ngữ hằng ngày.

Tổng quát là vậy. Trong việc đọc truyện Tàu, truyện chưởng người đọc còn rút ra được nhiều từ mới lạ, bổ sung vào trong ngôn ngữ hằng ngày. Nào là “thế thiên hành đạo” giống như “hiệp sĩ đường phố” mà ta thường nghe là những người thay mặt công an mà bắt cướp vậy. Rồi nào là “mệnh trời”, “cứu nhơn độ thế”, “ăn như Tạ Hầu Đôn”, “chỉ ba búa như Trình Giảo Kim”, “tận trung báo quốc”… Riêng trong truyện chưởng, từ ngữ trong thể loại truyện này đi vào đời sống thì vô thiên lủng, không sao nhớ hết. Bọn xấu thì có “ma giáo”, “hắc đạo” là bọn không thuộc loại “chính nhân quân tử”. Rồi thì “ngụy quân tử”, “giang hồ hảo hán”, “tẩu hỏa nhập ma”, “bảo tiêu”… Trong truyện chưởng có những đoạn đọc về “bảo tiêu” rất sướng như:

“Khi Phương Oai tiêu cục đến dưới chân núi thì nghe tiếng pháo lệnh nổ đùng đùng. Đá từ trên núi lăn xuống bịt chặt đường đi của Phương Oai tiêu cục. Một bọn cướp bịt mặt từ trên núi xông ra, tên đầu đảng hét: “Muốn qua khỏi ngọn núi nầy phải nộp tiền mãi lộ”. Người của Phương Oai tiêu cục trả lời: “Đường đi này của quốc gia, tại sao phải nộp tiền mãi lộ?”. “Quốc gia ở đâu đây. Đường này của bọn ta chiếm giữ. Nếu không nộp tiền mãi lộ thì tiêu cục các người đừng hòng qua khỏi ngọn núi này. Cướp hết hàng hóa cho ta…”.

Khi đọc đến đây, tôi đem thắc mắc của mình về hai chữ “mãi lộ” hỏi mẹ thì bà đáp: “Mãi lộ là mua đường để đi. Trong truyện Tàu ngày xưa, bọn cướp thường chặn đường đi của người qua đường, bắt người đi phải mãi lộ. Nghĩa là phải trả tiền theo giá của bọn cướp mới được đi”. “Ông quan huyện, quan phủ gì đó có mãi lộ người dân không?”. “Chuyện mãi lộ thì chỉ có bọn cướp chứ quan tri huyện, tri phủ chỉ có ăn hối lộ hoặc ức hiếp dân thôi. Mãi lộ chỉ gắn với bọn cướp đường…”.

Từ đó tôi bỗng dưng có ác cảm với hai chữ “mãi lộ” và nghĩ rằng mình sẽ là những nhân vật trong truyện chưởng, sẽ làm anh hùng chống lại bọn mãi lộ. Có điều thời đó làm gì có mãi lộ. Mỗi lần có dịp theo gia đình đi ngược về miền Trung hay xuôi về miền Nam thăm ngoại đến tận Cà Mau, tôi mong được thấy bóng dáng những tên mãi lộ coi mặt tròn mặt méo ra sao nhưng hoàn toàn thất vọng. Rốt cục tôi kết luận mãi lộ chỉ có trong truyện Tàu như Chung Vô Diệm biến thành một mỹ nhân vậy thôi.

Hôm rồi ra bến xe đi về miền Trung. Thi thoảng xe phải ngừng lại để qua trạm. Tài xế cho biết xe qua trạm phải đóng phí mua đường. Bỗng trong đầu tôi chợt nhớ lại hai chữ “mãi lộ”. Mãi lộ có nghĩa là mua đường. Hầu như mỗi khi qua địa phận một tỉnh đều có một trạm BOT vì một chiếc xe hơi đi từ Bắc vào Nam qua 31 tỉnh thì phải qua 40 trạm BOT. Mỗi lần qua một trạm BOT là phải đóng phí mua đường khoảng 35.000 đồng. Nếu không đóng tiền thì không qua được trạm BOT. Ủa, như vậy BOT có nghĩa là mua đường, giống như mãi lộ trong truyện Tàu ngày xưa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm