Một giờ lắng nghe - giải tỏa bế tắc

Mặc dù chỉ mới hoạt động được một năm nhưng dự án Một giờ lắng nghe, dự án tham vấn cá nhân miễn phí của PsyHub (hay còn gọi là Nhóm thực hành tham vấn tâm lý), đã thu hút khá đông bạn trẻ ở Hà Nội tham gia.

Tự làm đau cơ thể  vì stress

Trưa một ngày cuối tháng 12, Minh Hồng (18 tuổi, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) bắt ba, bốn chặng xe buýt mới đến được dự án Một giờ lắng nghe của PsyHub tại phố Mạc Thái Tổ, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Gia đình, bạn bè không ai biết Hồng đến PsyHub để được tham vấn tâm lý.

“Trong một thời gian dài em luôn cảm thấy mình quá khác biệt so với mọi người xung quanh, khác đến mức bất thường và khiến em khó chịu. Tuy nhiên, em không thể chia sẻ với ai về điều này. May mắn là sau một giờ được lắng nghe, tham vấn, em đã tìm được hướng đi cho mình” - Minh Hồng chia sẻ.

Một trường hợp khác, đó là một cô bé mới học cấp II, tìm đến dự án Một giờ lắng nghe sau nhiều lần bế tắc đến mức phải self-harm (tự hại, tự làm đau cơ thể mình). Cô bé dùng lửa đốt vào da cánh tay, dùng dao lam rạch vào tay. Nguyên nhân khiến cô bé trầm cảm là do bị bạn bè nói xấu trên mạng nhưng cô bé không thể nói chuyện, không thể chia sẻ với bất kỳ ai, kể cả cha mẹ hay bạn bè.

Hay như với Thu Hà (19 tuổi, Hà Nội), trước khi đến với dự án của PsyHub, em đã có nhiều năm sống trong trạng thái mệt mỏi, thậm chí bế tắc vì ký ức bị xâm hại tình dục trong một lần đi dã ngoại nhiều năm về trước. Khi đến dự án Một giờ lắng nghe, cũng phải đến buổi tham vấn thứ ba em mới đủ can đảm đối diện với những ám ảnh trong quá khứ.

Nhiều bạn trẻ tìm đến dự án Một giờ lắng nghe để được tham vấn tâm lý, giải thoát khỏi sự  bế tắc,  stress trong cuộc sống.  Ảnh:  MAI HIỀN

Nơi không có sự phán xét

ThS Phạm Lê Hoàng Minh, Giám đốc dự án PsyHub, cho biết phần lớn các bạn trẻ đến tham vấn đều xoay quanh mối quan hệ bạn bè, các xung đột trong gia đình, có đến 25%-35% là vấn đề liên quan đến tâm bệnh như trầm cảm, lo âu.

“Đáng lưu ý, có 10%-15% các bạn trẻ trong độ tuổi vị thành niên đến PsyHub tham vấn tâm lý có hành vi tự hại, tự làm đau cơ thể mình. Khi mọi người nhìn vào thì thấy đây là một hành động dở hơi, ngốc nghếch. Tuy nhiên, với những người ở trong trải nghiệm ấy, họ chia sẻ đây là một cách để giải thoát khỏi trạng thái bế tắc, bức xúc về mặt tinh thần, giúp họ lấy lại bình tĩnh. Hệ quả là hành vi này có thể gây nghiện, vì cơ thể khi trải qua những sự đau đớn ấy sẽ tiết ra những chất giảm đau” - ThS Minh cho biết.

Chỉ riêng từ tháng 9 đến giữa tháng 10, số lượng người đăng ký tham vấn đã hơn 300 bạn, trong đó đã hẹn lịch và tham vấn cho hơn 200 trường hợp. 

Cũng theo chia sẻ của ThS Minh, số bạn trẻ phải tham vấn tâm lý vì bạo lực học đường lên tới 30%-35%, đa số là các bạn trẻ đang học cấp II. Ngoài ra, cũng có đến 80%-90% số người đến tham vấn tâm lý là nữ giới. Tuy nhiên, điều đó không phải phản ánh phụ nữ là những người yếu đuối hơn, mà đó là những người tìm kiếm sự trợ giúp nhiều hơn. Còn nam giới do chịu định kiến của xã hội phải giữ một hình ảnh mạnh mẽ nên chỉ tìm kiếm sự trợ giúp tinh thần khi tình trạng đã phức tạp và trở nên trầm trọng.

Chị Đinh Thị Hồng Nhung, một thành viên của PsyHub, cho biết phần lớn nguyên nhân dẫn đến tình trạng các bạn trẻ bị stress, rơi vào trạng thái bế tắc đến nỗi tự làm hại mình là do khi bị sang chấn tâm lý, các bạn không thể chia sẻ vấn đề với gia đình, bạn bè, người thân…, nhất là khi các bạn ấy đang phải chịu một cú sốc nào đó như bị xâm hại tình dục, cha mẹ bỏ nhau, bị bạo lực học đường, mâu thuẫn bạn bè…

“Hiện nay các bạn trẻ đang phải sống trong một xã hội rất phức tạp, vấn đề các bạn ấy gặp phải cũng rất khác so với thế hệ của cha mẹ, ông bà chúng ta. Tuy nhiên, hãy cứ tin tưởng vào việc sẽ có những người hỗ trợ, giúp đỡ được mình và tìm kiếm những sự hỗ trợ từ bên ngoài khi các bạn thấy rằng vấn đề các bạn đang đối diện vượt quá khả năng ứng phó của bản thân” - anh Phạm Lê Hoàng Minh chia sẻ.

Hãy xem tham vấn tâm lý như đi spa

Ở phương Tây, vấn đề tham vấn tâm lý là hoạt động rất bình thường, giống như đi spa, chơi thể dục thể thao hay đi chợ… Còn tại Việt Nam, liên quan đến vấn đề văn hóa, mọi người rất khó để chia sẻ khó khăn của mình. Bên cạnh đó, các hiểu biết về vấn đề sức khỏe tinh thần cũng như hoạt động về hỗ trợ tâm lý còn hạn chế. Khi gặp vấn đề về tâm lý, mọi người thường không giải quyết ngay, đến khi tìm đến sự trợ giúp thì sự việc đã trở nên trầm trọng.

ThS tâm lý lâm sàng PHẠM LÊ HOÀNG MINH,
Giám đốc dự án PsyHub

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm