Nạn quấy rối qua di động tái phát

Anh Dũng tỉnh cả ngủ vội hỏi lại cho rõ. Nhân viên môi trường cho biết đã nhận được điện thoại của anh từ tối qua, thông báo bể ngầm bị tắc. "Người này đọc số điện thoại và tên của tôi trong danh sách khách hàng đặt dịch vụ. Trong khi bể, cống nhà tôi vẫn bình thường, không hề tắc", anh Dũng cho biết.

Khó khăn lắm, anh Dũng mới giải thích cho nhân viên môi trường hiểu rằng đây chỉ là trò đùa. Ai đó đã giả mạo số điện thoại của anh và báo hỏng bể phốt.

Thế nhưng, trò đùa tai quái này vẫn chưa ngừng lại. Khoảng nửa giờ sau, anh lại nhận được điện thoại từ số máy cố định có đầu 04 ở Hà Nội. Lần này là nhân viên kỹ thuật của công ty viễn thông, người này nói đã nhận được phản ánh của anh về chuyện đường dây Internet hỏng.

Nạn quấy rối qua di động tái phát ảnh 1
Cách sử dụng điện thoại cũng thể hiện văn hóa của mỗi người. Ảnh minh họa: mobilenet

Nhân viên kỹ thuật yêu cầu anh Dũng phải kiểm tra modem, đèn nhấp nháy trên màn hình, dây kết nối vào máy tính. Đồng thời, người này yêu cầu anh đọc mã khách hàng để họ kiểm tra trên hệ thống. "Tôi lại mất công giải thích và gần như nói khó cho họ hiểu rằng đây chỉ là trò đùa hoặc có sự nhầm lẫn nào đó. Internet nhà tôi vẫn bình thường, không hỏng hóc gì cả", anh nói.

Suốt cả buổi sáng, anh Dũng còn nhận được rất nhiều cuộc điện thoại từ dịch vụ sửa chữa điều hòa, máy giặt, cung cấp bảo hiểm rồi cả dịch vụ cơm hộp giao tận nơi. "Tôi gần như phát điên vì cả buổi sáng không làm nổi việc gì", anh này than thở.

Gần 2 tuần nay, anh Hải nhân viên công ty truyền thông ở Hà Nội sống trong tâm trạng lo lắng và sợ hãi. Cứ nghe tiếng điện thoại rung, anh Hải lại giật bắn cả người. Tối nào cũng vậy, đúng 22h, anh Hải lại nhận được tin nhắn có nội dung: "Thằng dê già, mày tán tỉnh bạn gái tao, tao sẽ xử mày".

Anh Hải nhã nhặn nhắn tin lại rằng: "Chắc anh nhầm máy rồi, tôi có vợ, có con đàng hoàng có tán tỉnh ai đâu". Thế nhưng người kia không tha, cứ dọa rằng sẽ không bỏ qua chuyện này và tuyên bố sẽ xử anh trước cổng công ty. Những ngày sau đó, tin nhắn có nội dung tương tự lại xuất hiện với tần suất tăng lên.

"Tôi nghĩ chắc bạn bè mình trêu đùa nên đã dùng hết lời lẽ để nhắn lại cho họ hiểu rằng làm như vậy là ảnh hưởng đến gia đình tôi. Vợ tôi sẽ nghĩ gì khi cô ấy đọc được những tin nhắn nói về chồng như vậy", anh Hải tâm sự với VnExpress.net.

Nạn nhân này đã gọi điện tới tổng đài chăm sóc khách hàng của nhà mạng để phản ánh. Thế nhưng, nhân viên tổng đài chỉ biết các số máy nhắn cho anh là thuê bao trả trước và việc yêu cầu anh làm đơn phản ánh. Sau khi thẩm tra, nhắc nhở, nếu số máy còn tiếp tục quấy rối, họ sẽ cắt liên lạc.

"Vấn đề là kẻ chơi tôi sử dụng nhiều số máy khác nhau để nhắn tin cùng một nội dung. Do vậy, tôi không thể suốt ngày làm đơn gửi nhà mạng để cắt số được. Quả thực tôi cảm thấy rất mệt mỏi về chuyện này", anh Hải than thở.

Đường dây nóng của PV thời gian qua, cũng nhận được nhiều phản ánh của thuê bao di động về chuyện gạ tình, nháy máy, lăng mạ bằng những lời lẽ tục tĩu từ các số máy không quen biết.

Tuy nhiên, khi khách hàng phản ánh đến tổng đài chăm sóc khách hàng của nhà mạng thì thường nhận được câu trả lời: Chúng tôi sẽ kiểm tra trên hệ thống hoặc đây là thuê bao trả trước nên rất khó xác minh được chủ nhân của thuê bao quấy rối...

Hiện tại, các mạng di động đều đã có dữ liệu về các thuê bao trả trước nhưng phần lớn thông tin không chính xác. Đây chính là lý do khiến việc xử lý quấy rối di động của nhà mạng không có kết quả cao. Tuy nhiên, việc làm thế nào để có được các thông tin chính xác vẫn là một câu hỏi lớn chưa có lời giải đối với các nhà mạng.

Theo Phan Linh Anh (VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm