Người ‘chữa bệnh’ cho sách cũ ở Sài Gòn

Căn nhà nằm sâu trong một con hẻm trên đường Lý Chính Thắng (quận 3, TP.HCM) vừa là nơi ở vừa là tiệm đóng sách cũ của ông Võ Văn Rạng. Đây là địa điểm lui tới thường xuyên của những người sành chơi sách ở Sài Gòn.

Những ngón tay chai…

Ông Rạng sống đơn thân. Trận sốt bại liệt ập đến vào năm ba tuổi khiến ông bị tật ở chân, đi lại khó khăn. Học hết phổ thông, ông đến học nghề đóng sách cũ rồi chung thủy với nó gần 40 năm nay.

Đều đặn mỗi ngày, ông Rạng bắt đầu công việc của mình từ 8 giờ sáng. Chiếc bàn gỗ chắn ngang cửa ra vào, trên bàn ngổn ngang những chồng sách cũ với đủ loại “bệnh”. Cuốn thì rách bìa, cuốn thì bị sút chỉ, rách mép, bị hư gáy, từng trang sách bị rớt ra… toàn những sách được xuất bản từ năm 1930 cho đến năm 1980.

Dụng cụ hành nghề của ông có phần “cổ lỗ sĩ”, chỉ vỏn vẹn cái dao rọc giấy, mảnh bìa cứng, kéo, hồ, kim chỉ cùng một cái máy cắt giấy đã quá tuổi. Chỉ vậy thôi nhưng không biết bao nhiêu cuốn sách được ông “cứu sống”, trao tận tay người mê sách.

Ông tỉ mẩn dùng kéo cắt từng đường chỉ, tháo rời từng trang rồi xếp chúng lại theo thứ tự, cẩn thận dùng móng tay đẩy nhẹ những nếp gấp ở mép cuốn sách, cắt từng miếng keo nhỏ để dán lại những trang sách bị mối mọt ăn...

“Nhìn cuốn sách bị bung chỉ, rách bươm hay bị mối mọt ăn là thấy xót lắm. Tội nghiệp cuốn sách, uổng lắm. Phải tôn trọng nó, làm lại để trông sao cho vừa mắt mình, nhìn tinh tươm, gọn gàng thì mới thấy yên lòng được” - ông nói.

Gần 40 năm làm nghề, việc tiếp xúc với những loại giấy đã ố vàng và cũ, với hồ dán… khiến đầu ngón tay ông bị chai dần và thường bị nhức khi trái gió trở trời. Đặc biệt, có những cuốn sách được đóng bằng đinh, mỗi lần tháo là tay ông lại đau thêm.

Mỗi ngày, ông Võ Văn Rạng (54 tuổi) miệt mài bên công việc đóng sách cũ từ 8 giờ sáng cho đến 4 giờ chiều. Ảnh: THANH TUYỀN

Một ngày không làm là thấy nhớ

Cả cuộc đời gắn bó với sách, mỗi ngày đều ngửi mùi sách cũ trở thành thói quen thường nhật. “Sáng mở mắt ra là đã dính chặt vào nó, ngày nào mà không ngửi thấy cái mùi sách cũ là thấy thiếu và nhớ kinh lắm” - ông Rạng nói.

Để tìm được một cuốn sách yêu thích, người chơi sách phải mất nhiều công sức và thời gian tìm kiếm nên ông muốn giúp họ giữ gìn cuốn sách bằng cách bắt mạch và chữa bệnh cho những cuốn sách thật kỹ lưỡng. Có những cuốn sách mang giá trị về mặt thời gian, là kỷ niệm của tình bạn mà người mê sách lưu lại trong đó nên ông càng nâng niu hơn. Những ngày hết hàng để làm, ông lại lôi sách mà khách hàng chưa đến lấy ra mân mê nó, xem lại có chỗ nào chưa ổn hay không.

Những trang giấy cũ đã bị bào mòn bởi thời gian, phải tỉ mỉ và khéo léo, nâng niu lắm mới có thể làm cho nó vẹn nguyên trở lại. “Có những cuốn sách mà ở trang đầu tiên có lời đề tặng rất dễ thương, là người này tặng người kia. Còn có những cuốn sách có chính chữ ký của tác giả nữa nên càng quý. Cũng nhờ vậy mà tôi đã nhìn thấy chữ ký của Tô Hoài, Thạch Lam, Nhất Linh, Vương Hồng Sển trên một vài cuốn sách. Tôi muốn góp phần giúp người ta lưu lại những kỷ niệm đẹp” - ông nói.

Nhiều khi đang làm, thấy tựa đề sách hay, ông lại dừng vài phút để đọc một vài trang trong cuốn sách. Những lúc rảnh rỗi hay ế hàng, ông có dịp đọc ké sách của khách. “Nhiều cuốn có giá trị lắm. Nhiều cuốn xuất bản từ cái thời mình còn chưa sinh ra đấy. Có những cái nhỏ nhỏ thôi mà thấy thú vị, không làm cái nghề này sao biết được những điều đó” - ông nói. Cuốn sách mà ông Rạng thấy thích nhất là cuốn viết về quốc hiệu Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử. “Mình người Việt mà không biết mấy cái đó uổng lắm” - ông cười.

Những tác phẩm kinh điển sẽ được tái bản, nhiều tác phẩm mới ra đời nhưng nhiều người vẫn tìm đến với ông Rạng để mong cứu sách nhằm lưu lại những tri thức đẹp khi nhuốm màu thời gian.

Bạn bè cùng thời đóng sách với ông Rạng nhiều người đã vào làm trong các công ty xuất bản sách ở khâu kỹ thuật. Nhiều lần họ rủ rê vào làm chung nhưng ông đều từ chối. Với ông, công việc hiện tại phù hợp với sức khỏe của mình hơn. Trên hết, ông muốn lưu lại nét văn hóa cổ của người Sài Gòn xưa nên cứ miệt mài với việc đóng sách thủ công.

________________________________

“Nhiều phương tiện kỹ thuật mới ra đời thấy hay lắm, làm nhanh mà chắc nữa nhưng tôi vẫn hứng thú những gì lâu nay mình vẫn làm. Cực thì cực, có mất nhiều thời gian hơn nhưng khi chữa bệnh xong cho một cuốn sách tôi lại thấy vui. Có hai cách để đóng lại sách: Sửa lại nhưng vẫn giữ nguyên hiện trạng hoặc đóng lớp bìa mới, cắt xén thật tinh tươm. Đa số khách đều muốn giữ nguyên hiện trạng để bảo tồn giá trị của cuốn sách. Làm lại bìa thì giữ được lâu hơn nhưng sẽ khác xa so với bản gốc và làm giảm giá trị cuốn sách” - ông Rạng nói.

Sách do ông Rạng phục chế gần như nguyên bản và luôn giữ được cái hồn của cuốn sách. Chính sự nâng niu và thái độ trân trọng của ông đối với từng trang sách đã giúp người yêu sách giữ được nhiều đầu sách quý. Tủ sách nhà tôi giữ được tới nay cũng nhờ ổng cả.

Ông THÀNH HƯNG,
một khách hàng thường đến sửa sách cũ tại tiệm ông Rạng

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm