Người nghèo đô thị trước những rủi ro và cú sốc mới

Một chu kỳ mới với những thách thức mới về chương trình giảm nghèo tại 2 thành phố này đã bắt đầu, vì khái niệm "hộ nghèo" đã thay đổi khi tăng chuẩn nghèo. Bên cạnh nhóm nghèo lõi (vẫn thuộc diện hộ nghèo từ trước đến nay), một số lượng lớn những người thu nhập thấp, bao gồm cả người về hưu, mất sức, công chức địa phương không có thu nhập gì khác, người buôn bán nhỏ và nông dân ngoại thành bị thu hồi đất nông nghiệp thiếu khả năng chuyển đổi sinh kế đã rơi vào diện hộ nghèo. Riêng TP Hải Phòng vẫn áp dụng chuẩn nghèo chung của quốc gia nên tỷ lệ hộ nghèo đã ở mức rất thấp, rất khó giảm thêm.

Báo cáo về tình trạng người nghèo ở đô thị vòng 2 này tổng hợp các kết quả khảo sát tại các điểm quan trắc trong tháng 7-2009, nhấn mạnh vào những thay đổi nhận biết được trong vòng 12 tháng qua về tình trạng nghèo đô thị trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính thế giới đang diễn ra. Bên cạnh việc phân tích sâu thêm một số vấn đề trọng tâm, báo cáo này cũng đề cập vắn tắt những khía cạnh cơ bản của diễn biến nghèo và những nhóm đặc thù dễ bị tổn thương, đó là: Công nhân nhập cư, người buôn bán nhỏ, nhóm chạy xe ôm và xích lô.

Trước những thay đổi nhanh chóng và sâu sắc mà Việt Nam sẽ trải qua trong một vài năm tới, một nhóm các tổ chức phi chính phủ quốc tế đã có sáng kiến cùng hợp tác với Việt Nam trong việc theo dõi những thay đổi này cũng như tác động của chúng. Các tổ chức ActionAid Việt Nam, Oxfam Anh và Oxfam Hong Kong đã phối hợp với các đối tác tại xã Kim Chung (huyện Đông Anh, Hà Nội), phường Lãm Hà (quận Kiến An, TP Hải phòng), phường 6 (quận Gò Vấp, TP.HCM) - những địa bàn mà các tổ chức có chương trình hỗ trợ để xây dựng một mạng lưới theo dõi tình trạng nghèo theo phương pháp cùng tham gia nhằm mục tiêu: “Tiến hành theo dõi định kỳ tình trạng nghèo của các nhóm dễ bị tổn thương tại một số cộng đồng dân cư điển hình trong bối cảnh gia nhập WTO cùng với các chính sách cải cách của Chính phủ đến năm 2010, nhằm cung cấp các phân tích và đề xuất cho thảo luận chính sách cũng như việc thực hiện các chương trình, dự án của Oxfam, ActionAid và các đối tác”.
 
Cũng theo báo cáo do ActionAid Việt Nam và Oxfam thực hiện, trong 2 năm đầu (2006-2007) thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo (NTP-PR) giai đoạn 2006-2010, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân mỗi năm là 3,6%. Nhưng đến cuối năm 2008, tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước còn 13%, chỉ giảm 1,8% so với cuối năm 2007 (Báo cáo giữa kỳ của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về Chương trình giảm nghèo 2009).

Tỷ lệ nghèo giảm chậm, thậm chí tăng lên tại một số nơi có nhiều nguyên nhân cùng tác động, nhưng chủ yếu là do các cú sốc về giá cả bất lợi, thiên tai và tác động của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới. Người nghèo ở khu vực đô thị càng chịu ảnh hưởng bất lợi của việc làm bấp bênh, thu nhập thấp, trong khi giá cả lương thực, thực phẩm và các nhu cầu thiết yếu khác vẫn ở mức cao.

Kết quả khảo sát năm 2009 cho thấy một người nhập cư dù là công nhân trong một xí nghiệp hay người làm nghề tự do cũng có thu nhập tối thiểu hàng tháng bình quân từ 1,5 đến 2 triệu đồng – vượt xa so với chuẩn nghèo hiện nay. Tuy nhiên, sau khi đã trừ các chi phí thuê nhà trọ, điện nước, tiền gửi về gia đình thì nhiều người nhập cư chỉ còn ngân sách chi tiêu rất tằn tiện cho lương thực, thực phẩm và các khoản thiết yếu khác. Hơn nữa, tình trạng nghèo của người nhập cư trầm trọng hơn khi nhìn dưới góc độ "hòa nhập xã hội" (bất lợi, thiệt thòi trong các mối quan hệ xã hội) so với góc độ nghèo về "thu nhập" hoặc "chi tiêu".

Báo cáo nêu trên cũng đã nêu lên những thách thức về cơ sở hạ tầng yếu kém tại những nơi tập trung đông người nghèo, những khó khăn đặc thù của người nghèo bản xứ và người nghèo nhập cư trong tiếp cận các dịch vụ xã hội và các chính sách hỗ trợ. Ngoài ra, những thách thức về quản trị địa phương hướng tới giảm nghèo tại các điểm quan trắc cũng được đề cập rất cụ thể. Đồng thời, phân tích sâu thêm những bất lợi, hạn chế của người nghèo trong tiếp cận dịch vụ công và các chính sách bảo trợ xã hội như: cơ sở hạ tầng, chuyển đổi sinh kế, vốn xã hội…
 
Một số khuyến nghị cần thiết hướng đến “giảm nghèo đô thị bền vững” cũng được đề cập cụ thể trong báo cáo về tình trạng người nghèo ở đô thị 2009 này.
 
Theo THẢO LAN (Website Bộ LĐ-TB&XH)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm