Người thầy của tôi - nhà văn Đoàn Minh Tuấn

Tôi xin phép được gọi nhà văn Đoàn Minh Tuấn là thầy và xin tự giới thiệu về mình: Tôi là một học viên lớp Cao học Văn học Việt Nam đang học tập và công tác tại Đà Lạt. Trong những lần lang thang trên mạng tìm kiếm thông tin cho luận văn tốt nghiệp, tình cờ tôi bắt gặp cái tên Đoàn Minh Tuấn - tác giả của những trang văn nổi tiếng viết về Cụ Hồ, về sông núi hùng vĩ, đồng thời cũng là người viết nhiều dòng cảm động về những người bạn văn của mình, trong đó có nhà văn Đoàn Giỏi, tác giả của luận văn tôi chuẩn bị bảo vệ. Sau này tôi còn được biết, thầy là người bạn vong niên rất thân với nhà văn "Đất rừng Phương Nam". Đoàn Giỏi đã nằm trên tay thầy trước khi nhắm mắt xuôi tay.

Sau khi liên lạc với Hội Văn học Nghệ thuật Tp HCM, tôi đã xin được số điện thoại và địa chỉ nhà của thầy. Suy nghĩ rất nhiều, không biết phải làm quen với thầy bằng cách nào cho phải phép nhất. Mạnh dạn, tôi quyết định điện thoại liên lạc với thầy. Trái với những gì tôi lo lắng, thầy tiếp chuyện tôi bằng một giọng ấm áp, gần gũi thân tình. Thầy đã xóa đi trong tôi cảm giác xa lạ và lo sợ khi trò chuyện với một nhà văn nổi tiếng. Qua những cuộc gọi, thầy đã gợi cho tôi nhiều suy nghĩ và cuối cùng tôi quyết định cho một chuyến đi: Đà Lạt - Sài Gòn.

Nói thực lòng đây là chuyến đi tôi phải mất khá nhiều suy nghĩ. Sài Gòn quá rộng lớn và quá xa lạ đối với tôi. Tôi sinh ra lớn lên ở miền Bắc, học tập làm việc và sinh sống tại Đà Lạt. Tôi chưa bao giờ đặt chân xuống Sài Gòn, mảnh đất phồn hoa đô hội với nhiều câu chuyện còn e sợ. Nhưng sự ân cần động viên của thầy đã giúp tôi tự tin thực hiện chuyến đi này.

Cuộc hành trình bắt đầu lúc 11h đêm trong cái lạnh buốt sương ở xứ sương mù. Xe bắt đầu lăn bánh thầy đã điện thoại hỏi thăm tôi: "Lên xe chưa? Chúc thượng lộ bình an!". Sự quan tâm của thầy làm tôi thấy an tâm vô cùng.

Xe lăn bánh được khoảng 60, 70 cây số, lúc này là 12h đêm, tôi lại nhận được cuộc điện của thầy. Thầy hỏi han và dặn dò kỹ lưỡng: "Đi đến đâu rồi? Đi chân cứng đá mềm nhé! Thân gái dặm trường, thương quá, đi đường cẩn thận nhé. Khi đến nơi nhớ điện cho đón"... Thầy dặn dò và lo cho tôi nhiều lắm.

Chuyến xe vẫn tiếp tục cuộc hành trình. Đêm hôm đó theo dự báo là có nguyệt thực toàn phần, nhiều người thức để xem. Tôi không được xem nhưng vẫn thức vì tôi không thể ngủ được khi đi xe. Còn có một người nữa cũng đang thức, không phải để xem nguyệt thực mà thức vì lo lắng cho tôi. Theo lịch trình thì 4h sáng sẽ tới Sài Gòn, tôi cũng nói với thầy như vậy để thầy yên tâm. Nhưng 3h45 tôi lại thấy thầy điện thoại hỏi đến nơi chưa. Xe vẫn chưa tới nơi, thầy lại cúp máy. Vậy là cả đêm dường như thầy không chợp mắt. Thầy đã thức cùng tôi, cùng những bánh xe lăn trên suốt dọc đường xe chạy. Tôi không biết nói gì hơn, không biết diễn tả bằng cách nào về sự quan tâm của thầy đối với tôi - một cô gái còn quá xa lạ đối với thầy.

Người thầy của tôi - nhà văn Đoàn Minh Tuấn ảnh 1

Quyền Chủ tịch Hội Nhà văn Lào Phinlavan Luongvanna tiếp nhà văn Đoàn Minh Tuấn trong chuyến giao lưu tại Lào của đoàn văn nghệ sĩ Tp HCM (tháng 5/2012).

Đúng 4h15, xe tới Sài Gòn, tôi vào nhà xe ngồi nghỉ. Đợi đến 6 giờ sáng, tôi bắt taxi đến thẳng nhà thầy. Đón chờ tôi trước số nhà 148 Võ Văn Tần là một người mặc áo sơ mi giản dị, nhanh nhẹn, khỏe mạnh, mặc dù năm nay thầy đã 80 tuổi. Theo chân thầy lên nhà mà tôi không cảm giác xa lạ, thấy thật gần gũi. Căn nhà sắp đặt đơn giản, nhìn quanh tôi thấy toàn là sách, ở đâu cũng sách. Có lẽ đó là khối tài sản lớn nhất của thầy chăng? Căn nhà của thầy giản dị, đơn sơ như chính con người thầy vậy. Một mình thầy sống ở đây, con cái ở xa hết, lâu lâu cuối tuần mới về thăm thầy và nấu ăn cùng thầy. Hằng ngày thầy vẫn đi ăn ở ngoài. Nghe thầy nói, tôi thấy lo cho sức khỏe của thầy. Ăn uống bên ngoài mãi sẽ chẳng tốt cho sức khỏe chút nào. Mà giờ đây, thầy đã lớn tuổi, sức khỏe còn quý hơn vàng. Trò chuyện cùng thầy trong phút chốc, thầy đã lấy ra bao nhiêu là sách thầy viết và một số tư liệu quý giá về Đoàn Giỏi tặng tôi.

Thời gian cho tôi thực hiện chuyến đi này không nhiều, chỉ có 2 ngày thôi. Công việc lại nhiều, vì thế ngay sáng đầu tiên xuống, tôi và thầy đã đi ra thăm phần mộ Đoàn Giỏi. Vì thương tôi, sợ tôi không có tiền trả taxi nên thầy đi bằng chiếc xe máy cà tàng cũ kĩ, nói như nhà thơ Trương Nam Hương: "Chiếc xe để ngoài đường kẻ trộm lấy, sáng mai lại đem trả". Giữa cái nắng chói chang, khói bụi của Sài Gòn, người thầy 80 tuổi vẫn vững tay lái, chạy xe băng băng trên đường dài. Đi cả gần tiếng đồng hồ, thầy trò chúng tôi mới tới Nghĩa trang thành phố - nơi yên nghỉ cuối cùng của nhà văn Đoàn Giỏi. Nhìn mồ hôi lấm tấm trên trán và tóc đẫm mồ hôi mà thấy thương thầy quá. Tôi ân hận đã không đi taxi.

Trong vô vàn ngôi mộ được chôn cất nơi đây, tôi đã tìm thấy mộ nhà văn Đoàn Giỏi. Thầy bảo: "Thế là cô có duyên với ông ấy đấy". Thắp nén nhang thành kính dâng lên nhà văn khuất núi, tôi thầm khấn ông sống khôn thác thiêng chứng giám cho lòng thành của một người hâm mộ ông, biết ơn ông, và mong ông mỉm cười yên nghỉ nơi chín suối.

Thầy thắp nhang cho người bạn cố hữu của mình và nói: "Phù hộ cho Thúy Vân nhé, cô giáo trẻ ở Đà Lạt xuống đây".

Thầy chụp cho tôi mấy tấm hình bên mộ Đoàn Giỏi làm kỉ niệm, giữa cái nắng càng ngày càng chói chang.

Ở nghĩa trang này còn có một phần mộ nữa, thầy đưa tôi tới đó. Đó là mộ của luật gia Dương Thị Hoàng Anh - vợ thầy. Thầy thắp nhang và nói nhỏ: "Mẹ phù hộ cho cô giáo trẻ làm luận văn thành công nhé". Lúc nào thầy cũng mong cho cô học trò - chưa một lần được thầy giảng dạy - những điều tốt nhất. Lúc nào thầy cũng thương cô giáo nghèo.

Giờ ăn trưa là lúc tôi và thầy trò chuyện được nhiều nhất. Tôi hỏi thầy, cả đêm thầy không ngủ à? Thầy bảo ngủ được một chút, thầy lo cho tôi "Thân gái dặm trường, xe đò thì nguy hiểm, lại đi đêm đi hôm sợ có chuyện gì...". Thầy luôn động viên và an ủi tôi: "Yên tâm, có gì ta sẽ giúp". Vì xuống gấp gáp quá nên thầy chưa có thời gian soạn tài liệu đầy đủ cho tôi. Trong nhà thầy có hàng ngàn cuốn sách đủ các loại, thầy để lẫn lộn nên không dễ tìm kiếm. Thầy bảo: "Khi nào có thời gian ta sẽ tìm thử. Nếu ta học chuyên ngành quản lý thư viện, sắp xếp sách chắc có thứ tự hơn". Tôi nói đùa: "Thầy thuê em đi, em sẽ xuống sắp xếp 2 ngày cho thầy là xong". Thầy cười và bảo: "Đắt lắm, ta chẳng có tiền thuê cô giáo". Hai thầy trò cười xòa. Sau buổi ăn trưa thấy thầy có vẻ mệt, tôi tạm chia tay thầy để thầy nghỉ ngơi. Còn tôi xuống Củ Chi thăm bà con. Thầy bảo đó là đi "về nguồn".

Tôi hẹn thầy 8h30 hôm sau lên, hai thầy trò cùng đi ăn sáng. Vậy mà 10h15 tôi mới gặp được thầy. Tôi trễ hẹn với thầy vì kẹt xe. Tôi sợ thầy trách cứ tôi. Nhưng không, thầy cứ thật nhân từ và cảm thông cho cô học trò ngu ngơ như tôi. Thầy bắt taxi, 2 thầy trò cùng đến quán 64 Trần Quốc Thảo, dường như đó là nơi tụ họp của các nhà văn. Vì ở đây đối diện với Hội Văn học Nghệ thuật Thành phố. Thật bất ngờ và vinh dự cho tôi, thầy giới thiệu tôi với nhà thơ Trương Nam Hương - một người cũng hâm mộ Đoàn Giỏi, có sự đánh giá cao những sáng tác của ông. Thầy giới thiệu nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên và nhiều người khác trong Hội Văn học Nghệ thuật. Trong buổi gặp gỡ này, qua những câu chuyện, tôi lại có thêm nhiều thông tin về Đoàn Giỏi. May mắn thay, cái tên Trần Thanh Phương được nhắc tới. Đó là nhà báo, nhà viết sách và làm tư liệu nổi tiếng. Ông đã đạt kỷ lục guinness Việt Nam về việc sưu tầm và lưu trữ sách báo. Tôi và thầy lại tiếp tục cuộc hành trình đến số 165/3 Nguyễn Phúc Nguyên. Được sự giúp đỡ nhiệt tình của vợ chồng nhà báo Trần Thanh Phương, hai thầy trò nhanh chóng tìm được 10 bài báo quý nói về Đoàn Giỏi. Rất cảm ơn vợ chồng nhà báo Thanh Phương, nhưng vì công việc quá gấp gáp, thời gian không còn nhiều nên tôi không kịp mời thầy một ly cà phê. Vội vàng từ biệt, vội vàng lên taxi trở về nhà thầy, tôi lại vội vàng tạm biệt thầy đi cho kịp chuyến xe. Tôi giục thầy lên nhà, tôi đi cho đỡ quyến luyến nhưng thầy bảo: "Đi đi, ta còn phải bye bye". Tôi đi. Một đoạn, ngoái nhìn lại thấy thầy đang mở hòm thư trước nhà.

Càng tiếp xúc với thầy, tôi càng kính yêu nhân cách sống của thầy. Tôi càng hiểu vì sao những bậc trưởng lão như: Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, Đoàn Giỏi,... đều yêu mến thầy. Hay những thế hệ nhà văn nhà thơ trưởng thành sau năm 1975 như: Trương Nam Hương, Nguyễn Hồng Thái, Phạm Khải... tất cả đều yêu mến quý trọng thầy. Kỳ thực, thầy đã làm được những điều mà hiếm nhà văn khác làm được. Có thể chơi được với những người cá tính rất khác nhau, lứa tuổi cũng rất khác nhau. Theo tôi nghĩ có được điều đó bởi thầy có tấm lòng chân thành với bạn bè, quan tâm chăm sóc tận tình thế hệ sau. Thầy là chiếc cầu nối người gần người hơn.

Biết bao thầy cô đã dạy dỗ tôi và tôi đã dìu dắt bao thế hệ học trò. Thế nhưng nhìn lại, tôi chưa gặp ai như thầy Đoàn Minh Tuấn và tôi cũng hổ thẹn chưa làm được những điều như thầy đã làm cho tôi.

Xe càng lăn bánh xa Sài Gòn, tôi càng nhớ thầy, càng biết ơn thầy. Sài Gòn 2 ngày trước đây xa lạ là vậy mà hôm nay sao lại quen thân đến thế. Nhất định, có cơ hội tôi lại xuống thăm thầy, thăm các anh chị trong Hội Văn học Nghệ thuật. Nhất định, nhất định là thế!

Đoàn Giỏi đã đưa tôi khởi hành một chuyến đi. Nhà văn Đoàn Minh Tuấn là người đã cho tôi vô vàn kỷ niệm đáng kính về chuyến đi này. Một lần gặp thầy. Một đời nhớ thầy, biết ơn thầy. Chúc thầy luôn chân cứng đá mềm, luôn thật nhiều niềm vui ở cái tuổi xế chiều này.

Đà Lạt, tháng 10/2012

 Theo Lê Thuý Vân (VNCA)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm