Nguyễn Đổng Chi - Người có công lớn đối với truyện cổ tích Việt Nam

Người có công lớn về truyện cổ tích Việt Nam

GS-TS Nguyễn Xuân Kính, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa (Viện Hàn lâm KHXH VN), khẳng định: “GS Nguyễn Đổng Chi là người đầu tiên bằng công trình VN cổ văn học sử đã giải quyết một vấn đề rất quan trọng của lịch sử văn học VN là khẳng định vị trí của văn học chữ Hán thời Bắc thuộc và đề cao tính chiến đấu như một đặc điểm của văn học dân tộc”.

Nguyễn Đổng Chi, học giả - nhà văn kiệt xuất - ảnh 2Một số tác phẩm tiêu biểu của học giả - nhà văn Nguyễn Đổng Chi - Ảnh: Quỳnh Trân

GS Nguyễn Đổng Chi đã bắt tay nghiên cứu thần thoại từ khá sớm bằng công trình Lược khảo về thần thoại Việt Nam. PGS-TS Trần Thị An, Viện Hàn lâm KHXH VN, không tiếc lời ngợi ca ông là người đặt nền móng cho việc nghiên cứu thần thoại mà vài chục năm sau vẫn chưa có chuyên khảo nào tiếp bước.

Cũng theo PGS-TS Trần Thị An: “Thành công của bộ sưu tập 200 truyện cổ tích của ông thể hiện ở chỗ vừa mang tính bao quát và phong phú, vừa mang tính chọn lọc và đại diện; vừa mang tính hồn nhiên của một thể loại truyện truyền miệng lại vừa mang tính nghệ thuật cao với cách kể được gọt giũa trau chuốt. Đặc biệt, các bản kể trong Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam thể hiện bản sắc của văn hóa dân tộc nên ông hoàn toàn xứng đáng được so sánh với các nhà văn hóa lớn trên thế giới như Charles Perrault, Jacob Ludwig Karl Grimm và Wilhelm Karl Grimm”.

PGS-TS ngữ văn Trần Hữu Tá, Chủ tịch Hội Nghiên cứu và Giảng dạy văn học TP.HCM, nhận định: “Ngoài Kho tàng truyện cổ tích VN nổi tiếng, GS Nguyễn Đổng Chi còn là cây bút phóng sự xuất sắc với tác phẩm ấn tượng Túp lều nát (xuất bản năm 1937, dưới bút danh Nguyễn Trần Ai) đã làm cho giới nghiên cứu ngạc nhiên và cảm phục. Không có phóng sự nào viết về tầng lớp nông dân dưới ách địa chủ cường hào phong kiến trước năm 1945 có được cái nhìn sắc sảo và thái độ dũng cảm, quyết liệt như vậy”.

Cố nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu Hoài Anh ghi nhận: "Đặc biệtKho tàng truyện cổ tích Việt Nam(1957-1982) - là bộ sách đầy đủ và có hệ thống nhất về truyện cổ tích Việt Nam, một cống hiến lớn cho Folklore học trong việc khảo sát, so sánh các mô tuýp truyện cổ tích của các nước trên thế giới.

Ngoài những công trình nghiên cứu về lịch sử, ông tiếp tục đi sâu vào văn hóa dân gian của quê hương Nghệ Tĩnh, viết lạiHát giặm Nghệ Tĩnh(ba tập - 1959-1961), chủ biênMè Nghệ Tĩnh(ba tập, 1958-1962). Ông viếtLược khảo về thần thoại Việt Nam(1956) - công trình tổng hợp và hệ thống đầu tiên về kho thần thoại của dân tộc đã bị mai một nhiều.

Trong hai năm 1982-1983, ông đã hoàn thành nhiệm vụ chủ biên bộ sách dày Địa chí - Văn hóa dân gian Nghệ Tĩnh mà ông chấp bút phần lớn nhất. Ông lại đảm nhiệm việc viết và làm chủ biên bộTừ điển thuật ngữ văn hóa dân gian".

Cuốn văn học sử thời cổ Việt Nam đầu tiên

Đó là tác phẩmViệt Nam cổ văn học sử (1941) nghiên cứu lịch sử văn học văn học Việt Nam thế kỷ đầu thời kỳ phong kiến tự chủ, nhằm khẳng định nền văn hóa mang bản sắc riêng của dân tộc Việt so với Trung Hoa. Ngay từ bấy giờ ông đã mạnh dạn đề cao tính chiến đấu trong lịch sử tư tưởng và văn học nước nhà.

Ngày nay, nếu ai đặt câu hỏi, “Văn học Việt Nam có từ bao giờ?” hẳn sẽ nhận được không ít sự lúng túng, có thể sẽ ít ai nói trôi chảy được.

Nhưng cũng chính lĩnh vực văn học này, Nguyễn Đổng Chi đã “bập” vào đúng vấn đề cốt lõi ấy và giải quyết nó từ năm ông 27 tuổi. Đó chính là công trìnhViệt Nam cổ văn học sửdo Hàn Thuyên xuất bản lần đầu năm 1942.

Trong “Lời nói đầu”, GS Nguyễn Đổng Chi viết: “Tôi tự biết sức học của mình còn cạn hẹp nên ở trong sách thảng hoặc có chỗ thiếu sót hoặc sai lầm, nhất là câu văn dịch không khỏi tả lạc ý của tiền nhân, rất mong các bậc thức giả trong nước vui lòng chỉ bảo”.

Nguyễn Đổng Chi, học giả - nhà văn kiệt xuất - ảnh 1

Học giả - nhà văn Nguyễn Đổng Chi qua nét vẽ của họa sĩ Diệp Minh Châu

Trong phần tóm tắt, ông viết : “Kể từ khi giống Mông Cổ, giống Thái, giống Indonesia đổ xô nhau tìm nhau tìm đến Trung Châu. Bắc Kỳ và miền Bắc Trung Kỳ bây giờ, thì người Việt Nam còn ở rời rạc từng bộ lạc cỏn con, chỗ nào bùn lầy chỗ ấy, chứ chưa thành một quốc gia. Nhưng nhờ có tiếng nói và chữ viết mà lần lần đã có một mối thống nhất. Kịp lúc họ được trông thấy một nền văn minh đẹp đẽ của người phương Bắc thì cái óc tiến thủ bắt họ vội bỏ thứ chữ viết còn thô sơ cố hữu để theo kịp người láng giềng mình, mong mau thoát khỏi vòng dã man. Nhưng rồi họ cũng không vội nữa vì cả cái văn hóa bằng xương bằng thịt ấy, đã sớm chinh phục hẳn nước mình.

Dòng dã ngót một nghìn năm, trong khi người mình bị hiếp đáp, bóc lột thì vẫn ngấm ngầm nuôi một cái chí tự phấn tự cường. Tuy vật, óc tổ chức còn kém mà tinh thần đoàn kết cũng sơ sài, vì thế mà mấy cuộc cách mệnh nổi lên giỏi lắm chỉ được mươi năm là thất bại, trong khi đó thì văn hóa Việt Nam có cuộc thay đổi lớn. Từ tiếng nói, chữ viết cho đến phong tục cư xử đều chịu ảnh hưởng sâu của người phương Bắc. Ngòi bút lông đã đến chiếm một địa vị trọng yếu trên đàn văn học Nho giáo và Phật giáo, nói như Nguyễn Bá Trác, khác nào như hai chiếc thuyền đồng thời trương buồm thuận gió mà tiến vào bể Việt. Khoảng đó, hẳn cũng thỉnh thoảng có ít nhiều tay văn học xuất sắc với những tác phẩm của mình nhưng hoặc vì tao loạn, hoặc vì người mẫu quốc khinh bỉ, nhất là vì không có sử sách cho nên nó bị cái dòng thời gian khổng lồ kia nó chôn đi mất tích. Còn đến đám dân chúng thì đại đa số đều thất học, nên chỉ sau khi Ngô Quyền cởi trói được dân tộc thì chỉ chòi ra một vài tín đồ của Phật giáo là thông chữ mà thôi".

Cố nhà văn Hoài Anh ghi nhận: "Dù không tránh khỏi thiếu sót,Việt Nam cổ văn học sửvẫn là cuốn văn học sử thời cổ nước ta đầu tiên, viết kỹ càng và có hệ thống, với phương pháp nghiên cứu khoa học, nghiêm túc. Thời Pháp thuộc, thực dân Pháp muốn cắt đứt quan hệ chính trị và giao lưu văn hóa giữa Việt Nam với Trung Quốc, xóa bỏ ảnh hưởng của thơ văn yêu nước viết bằng chữ Hán chứa đựng tư tưởng chống ngoại xâm và lòng tự hào dân tộc của ông cha ta, nên, nên trong chương trình học chỉ cho học sinh học thơ văn viết bằng tiếng Việt.

Cũng vì phải soạn theo chương trình trung học thời đó, nên trong cuốnViệt Nam Văn học sử yếu,Dương Quảng Hàm chỉ nhắc sơ về văn học viết bằng chữ Hán và trong cuốnViệt Nam thi văn hợp tuyển,ông chỉ có thể trích giảng thơ viết viết bằng tiếng Việt. Tình hình này đã dẫn đến hiện tượng người tri thức đương thời ngờ vực và coi rẻ giá trị của văn hóa dân tộc, đổ xô vào sùng bái, bắt chước văn học hóa Pháp với thái độ vọng ngoại mất gốc. Trong hoàn cảnh đó, cuốnViệt Nam cổ văn học sửcủa Nguyễn Đổng Chi đã bù lấp vào chỗ thiếu hụt, mở đường cho việc nghiên cứu văn học thời Lý, Trần sau này. Khi sách mới ra đời, Vũ Ngọc Phan đã nhận ra ưu điểm của nó, nhưng hiềm vì khi đó phần viết về các nhà biên khảo đã xong, nên ông không kịp đưa Nguyễn Đổng Chi vào bộ sáchNhà văn hiện đại.Nếu chưa kịp thì công lao đóng góp cũng như vị trí của Nguyễn Đổng Chi đã được xác định từ 60 năm trước".

Một người tự học - một trí thức yêu nước

GS Nguyễn Đổng Chi, vừa thuận lợi vì sinh trưởng trong gia đình gia giáo xứ Nghệ, vừa bất lợi vì bấy giờ chính quyền Pháp xem gia đình ông là đối nghịch nên lận đận chuyện học ngay từ thuở thiếu thời.

Nhưng chính sự bất lợi đó đã giúp Nguyễn Đổng Chi thành một người tự học với tinh thần quyết liệt vượt thắng nghịch cảnh.

Nguyễn Đổng Chi - Người có công lớn đối với truyện cổ tích Việt Nam ảnh 3

Một số hình ảnh tư liệu của GS Nguyễn Đổng Chi được gia đình triển lãm tại hội thảo - Ảnh: L.Điền

PGS.TS Trần Hữu Tá thuật lại quãng thời gian sau khi thôi học ở năm thứ ba trung học, Nguyễn Đổng Chi đã đóng cửa tự học Hán văn và Pháp văn, đồng thời “nghiền” cho bằng hết tủ sách của ông cha để lại. Đến năm 1942-1943 có điều kiện ra Hà Nội, ông đã “miệt mài ngày tháng đọc sách ở Thư viện Viễn Đông Bác Cổ trong hơn một năm ròng”.

Mới 17 tuổi, đang học trung học, ông đã ra Vinh ở Bình An dược phòng làm phòng chữa bệnh rồi lại ở cửa hàng mỹ nghệ chuyên sản xuất và bán đồ tre. Sau ông đi vào con đường hoạt động văn hóa với ý thức sâu sắc mở mang tri thức cho dân nghèo và đề cao tinh thần dân tộc. Ông từng mở “Kho sách bạn trẻ” ở Vinh để viết, dịch, xuất bản sách và truyện cho thiếu nhi như cuốnChỉ cả quyết, Một nhà tan hợp, Tài trẻ nước Nam, Vườn xuân bạn trẻ, Tìm ra Châu Mỹ….

Những năm 1934-1935, ông làm phóng viên cho các tờ báoThanh niên tuần báo, Tiểu thuyết Thứ hai, Bạn trẻ.Vào những năm đầu cách mạng Tháng Tám, ông làm trợ bút báoKháng địch (Vinh),Chủ bút báoTruyền thanh (Nghệ An),rồi làm Chủ tịch Hội văn hóa cứu quốc Nghệ An. Sau đó ông làm Giám đốc Nhà xuất bản Dân chủ mới, Liên khu IV.

Sau hòa bình lập lại 1954, ông tham gia nghiên cứu văn học sử tại Ban văn sử địa trung ương rồi làm chuyên viên cổ sử tại Viện sử học.

Sau ngày giải phóng miền Nam, ông làm chuyên viên Ban Sử học của Viện khoa học xã hội thành phố Hồ Chí Minh. Hai năm sau, do nhu cầu xây dựng ngành Hán Nôm, ông lại trở ra Hà Nội phụ trách ban Hán Nôm, và là Viện trưởng đầu tiên của Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

Trong khi đang nỗ lực hoàn thành cuốnTừ điển thư tịch Hán Nôm, thì ông lâm bệnh qua đời năm 1984.

PGS.TS Trần Hữu Tá đọc tham luận đề dẫn hội thảo Ảnh: L.Điền
PGS.TS Trần Hữu Tá đọc tham luận đề dẫn hội thảo - Ảnh: L.Điền

Đây là lần thứ hai một hội thảo quy mô về Nguyễn Đổng Chi được tổ chức sau ngày vị học giả này tạ thế. Ban tổ chức (Hội Nghiên cứu và giảng dạy văn học TP.HCM, Tập đoàn truyền thông Thanh Niên, NXB Trẻ) tập hợp được 32 tham luận có chất lượng, xuất bản thành tập kỷ yếu với bốn phần nội dung, trong đó điểm qua thân thế và sự nghiệp của Nguyễn Đổng Chi, những đóng góp của ông trong lĩnh vực văn hóa dân gian Việt Nam, văn học cổ điển Việt Nam và sáng tác văn học.

“Với tôi, một tên đường hoặc một tên trường mang tên Nguyễn Đổng Chi ở quê hương xứ Nghệ chắc chắn không phải là điều lúc sinh thời ông mong muốn, nhưng với chúng ta và hậu thế là rất nên có, chớ nên để muộn”-GS PHONG LÊ - nguyên Viện trưởng Viện Văn học

“Tuổi thơ của chúng ta đi qua những câu chuyện cổ tích dưới muôn ngàn sắc thái, với biết bao bài học về cuộc sống. Mỗi câu chuyện cổ tích làm cho tâm hồn chúng ta trong sáng hơn, nhân cách chúng ta cao quý hơn, vốn sống của chúng ta giàu có hơn, thì chính bộ sách đồ sộ Kho tàng truyện cổ tích VN của GS Nguyễn Đổng Chi đã góp phần rất lớn để tuổi thơ mỗi chúng ta có được mọi điều tốt đẹp đó” -Nhà báo NGUYỄN CÔNG KHẾ

Nguyễn Đổng Chi - Người có công lớn đối với truyện cổ tích Việt Nam ảnh 5
GS Nguyễn Đổng Chi (1915-1984)

GS Nguyễn Đổng Chi (6-1-1915 - 20-7-1984) quê ở Hà Tĩnh, sinh tại Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận), là con nhà giáo có đức độ và uy vọng Nguyễn Hiệt Chi, từng là đồng sáng lập trường Trường Dục Thanh. Sau ngày đất nước thống nhất, ông Nguyễn Đổng Chi làm chuyên viên Ban Sử học của Viện KHXH TP.HCM, Trưởng ban Hán Nôm thuộc Ủy ban KHXH VN. Năm 1979, ban này trở thành Viện Nghiên cứu Hán Nôm và Nguyễn Đổng Chi được bổ nhiệm quyền Viện trưởng.

Ông được truy tặng Huân chương Độc lập hạng nhì và tại nhiều tỉnh, thành như Hà Tĩnh, Hải Dương, Đà Nẵng, Hà Nội, TP.HCM, Kiên Giang có đường phố mang tên ông.
N.Tý (Tổng hợp)

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

TIN BUỒN

TIN BUỒN

(PLO)- Đồng chí Nguyễn Văn Hanh, nguyên Phó trưởng Đoàn Thường trực Đoàn Đại biểu Quốc Hội TP.HCM khoá IX, nguyên Ủy viên Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQVN, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP.HCM qua đời ở tuổi 99.