Nhân cách nhà văn

Nhà văn Võ Hồng còn là nhà giáo tâm huyết với hơn 40 năm đứng trên bục giảng cùng nhiều hoạt động gắn liền với văn hóa, giáo dục từ những năm đầu kháng chiến chống Pháp cho đến sau ngày thống nhất đất nước... Ông mất đi để lại thương tiếc cho nhiều thế hệ độc giả và học trò, không chỉ vì ông là nhà văn nổi tiếng với nhiều tác phẩm đậm chất nhân bản và mang tính giáo dục cao như: Người về đầu non, Gió cuốn, Thiên đường ở trên cao, Áo em cài hoa trắng, Thương mái trường xưa, Một bông hồng cho cha… mà chính là bởi nhân cách của nhà văn. Một nhân cách lớn cùng một tấm lòng nhân ái của nhà văn thể hiện trong tác phẩm cũng như trong cuộc sống. Và bàng bạc trong hầu hết tác phẩm Võ Hồng là tình nghĩa thầy trò, là công cha nghĩa mẹ nhưng không khuôn sáo mà là những trang văn làm lay động lòng người.

Võ Hồng quê Phú Yên nhưng hơn nửa thế kỷ ông sống, dạy và viết ở thành phố biển Nha Trang nên người Nha Trang cũng như độc giả, học trò ông mặc nhiên coi ông là người Nha Trang. Trước 1975, nhiều thân hữu, độc giả khi đến Nha Trang, muốn đến thăm nhà văn Võ Hồng nhưng không nhớ địa chỉ, chỉ cần hỏi bác xích lô hay anh xe ôm có tuổi: “Cho tôi đến nhà nhà văn Võ Hồng được không?”. Nhiều người sẽ đưa khách đến tận nhà số 53 Hồng Bàng (sau này đổi thành số 51). Và ở ngay cổng nhà, khách sẽ thấy tấm bảng nhỏ có dòng chữ:“Kéo dây - gọi Võ Hồng”. Cái chuông treo ở ngay cầu thang lên gác có cột sợi dây nối ra cổng. Khách kéo dây, tiếng chuông leng keng vang lên, nhà văn dáng cao gầy với mái đầu đã thưa tóc xuất hiện ở cầu thang, nheo mắt nhìn và bước xuống mở cổng đón khách, mời lên căn gác bề bộn sách báo và bản thảo. không câu nệ khách là ai, không phân biệt là văn nghệ sĩ lớn nhỏ, già trẻ; độc giả bình dân hoặc sang trọng, Võ Hồng đều đối xử một cách lịch sự, tế nhị và rất thân tình ngay từ những phút đầu. Lớn tuổi và có vẻ có trình độ thì ông xưng “toa - moa”, trẻ hơn thì ông xưng hô “qua - em” rất chân tình.

Chợt nhớ năm 1991, Nhà xuất bản Trẻ ấn hành hai tập sách mỏng viết cho thiếu nhi của Võ Hồng là truyện vừa Thương mái trường xưa và tập thơ Hồn nhiên tuổi ngọc (cả hai đã được in nhiều kỳ trước đó trên tập san Tuổi Hồng do tôi phụ trách). Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ bấy giờ là Lê Hoàng và tôi bàn nhau ra Nha Trang tổ chức buổi ra mắt hai tập sách nói trên như một món quà sinh nhật 70 của nhà văn. Điều đọng lại trong tôi đến nay là sự nhiệt tình rất cảm động của độc giả Nha Trang đối với Võ Hồng. Họ đủ mọi thành phần, tuổi tác đã ngồi chật kín khán phòng và tràn ra hết cả khuôn viên, tham gia buổi ra mắt sách mà có lẽ chủ yếu họ muốn đến gặp gỡ nhà văn mà họ yêu quý tại buổi giao lưu trong buổi sáng Chủ nhật đẹp trời đó.

Viết về nhân cách lớn của nhà văn Võ Hồng, chợt se lòng khi nghĩ đến nhân cách một số nhà văn, nhà thơ trẻ hôm nay, tài năng chưa biết lớn bao nhiêu nhưng miệng to tiếng lớn và nặng phần trình diễn - thậm chí thay vì nói đến tác phẩm lại đem nhan sắc của các nhà văn, nhà thơ nữ ra khoe mẽ, so sánh, khen chê thì thật là hết ý!

PHẠM CHU SA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm