Nhân danh một thứ tình cha ích kỷ

Người đàn ông cúi gằm mặt xuống giữa phiên tòa. Đôi mắt hốc hác của những đêm liền thiếu ngủ và râu ria ngổn ngang tố cáo những tháng ngày bỏ bê chính mình.

Chiếc áo sơmi xanh đã bao lâu không có bàn tay đàn bà ủi hằn lên những nếp gấp nhàu nhĩ lộ rõ sự đơn chiếc buồn tẻ. Nhưng trái ngang thay, hôm nay anh phải hầu tòa vì tội giết người đàn bà đã từng là của mình.

Hờn ghen vô lối đưa họ cách xa

Những câu hỏi của vị chủ tọa và câu trả lời ngắc ngứ của anh như đưa người dự khán trở về với những ký ức ngổn ngang mà anh có lẽ chẳng muốn đối mặt.

Anh và cô ấy đã từng yêu nhau, đã từng có thời hạnh phúc mà thề non hẹn biển. Như một lẽ tất yếu, họ cưới nhau và dọn về chung sống đầy thơ mộng. Nhưng cuộc đời nào ai biết trước ngày mai. Và người ta trong dòng đời bất tận chẳng thể dự liệu được những tai kiếp có thể đổ ập đến, trong mối quan hệ đã từng thề nguyền bên nhau đến tóc bạc da mồi, có lúc vẫn thường ngậm ngùi mà than thở “hôn nhân là nấm mồ chôn tình yêu”.

Những chật vật cơm áo gạo tiền, những hờn ghen vô lối đưa họ ngày một cách xa nhau. Chia tay, dẫu không đành đoạn nhưng họ chẳng thể cứu vãn thêm nữa. Năm ấy, đứa con gái nhỏ của họ chưa đầy ba tuổi. Dĩ nhiên, chẳng cần luật định thì việc giao con gái cho mẹ nuôi là một giải pháp hợp lý. Anh ra đi với đôi bàn tay trắng. Họ giao ước hằng tuần anh sẽ đón con về chơi vài hôm rồi đưa con về. Nhưng trong suốt quãng thời gian đó, những mâu thuẫn giữa anh và cô chưa thể giải quyết dứt điểm. Và chuyện thăm nom con cũng là cái cớ cho những cự cãi.

Cải trang thành thợ điện để ra tay

Cho đến buổi sáng định mệnh, anh đến đón con đi chơi thì cả hai lại tiếp tục cãi vã.

Sau khi chở con về, anh cải trang thành thợ điện, mang theo một túi xách bên trong có một con dao, băng keo và một số dụng cụ khác. Anh rùng mình khi kể tiếp.

Sau đó, anh đeo khẩu trang, bấm chuông nhà cô, giả giọng là một nhân viên điện lực đến sửa chữa. Cô không hề một chút nghi ngờ, mở cửa cho anh vào.  Khi lên đến tầng một, anh bắt đầu gí dao vào cổ cô. Cô hoảng sợ tri hô. Phút đôi co, con dao cứa vào cổ cô một nhát.

Lực lượng dân phòng và hàng xóm xung quanh nghe tiếng la hét từ ngôi nhà, vội vã kéo đến. Anh hoảng sợ, luýnh quýnh đẩy cô vào phòng tắm để chạy xuống tầng trệt. Nhưng nghe tiếng cô la một to hơn, anh mau chóng quay lại ôm vật cô xuống sàn. Con dao gãy đôi. Anh ngồi đè lên người cô và bắt đầu nắm hai vai cô, đập đầu xuống sàn cho đến khi cô bất tỉnh.

Anh hoảng hốt rời bỏ hiện trường, chạy xuống tầng trệt hòng tẩu thoát nhưng bị giữ lại. Còn cô dù được tận tình cứu chữa nhưng vĩnh viễn đã chẳng thể gặp lại con gái yêu một lần nào nữa.

Tấm căn cước “cắn rứt lương tâm”

Vị chủ tọa phiên tòa xoáy sâu ánh mắt vào anh: “Tại sao bị cáo có thể đập đầu một người từng là vợ mình xuống sàn như vậy?”.

Anh im lặng.

Có thể giải thích gì lúc này? Người ta nói “Phải 500 năm ngoái đầu nhìn lại mới đổi được một lần gặp nhau ở kiếp này”. Giữa bao la hồng trần, kỳ thực có thể gặp gỡ nhau ấy là duyên phận trời sắp đặt. “Tu trăm kiếp mới được chung thuyền, tu ngàn kiếp mới được chung giường”. Trong cõi ba sinh, cơ duyên vợ chồng là điều hết sức đáng để trân quý. Nhưng bởi đời là hữu hạn, trên thế gian chẳng có điều chi bất biến, mỗi sát na trôi qua vạn vật đã xoay vần.

Đâu phải ai cũng có diễm phúc được nắm tay người mình yêu đến răng long đầu bạc. Nhưng chia tay dù vì lý do gì cũng hãy dành cho nhau sự tôn trọng để cùng lo lắng, nuôi dạy con nên người.

Hậu ly hôn, chỉ có mối quan hệ vợ chồng giữa họ đổ vỡ, còn họ sẽ mãi mãi là cha mẹ của con mình. Đứa trẻ đó rồi sẽ như thế nào nếu biết rằng cha mẹ nó vì “yêu thương” nó mà một người chết, một người vào tù? Lỗi của anh hay chị, người nào cấm cản hay yêu thương con không đủ đầy theo ý nguyện người kia đã còn là điều quan trọng?

Dù nói bao nhiêu lời hối hận thì mọi thứ cũng đã chẳng thể trở lại. Anh mong được giảm nhẹ hình phạt để về thăm con. Phiên tòa khép lại với mức án 15 năm tù dành cho anh. Người đàn ông gục đầu xuống khóc khi nghe tuyên án.

Nhưng mọi sự đã quá muộn màng... Ở một nơi nào đó có đứa trẻ ất ơ từ đây đã mất mẹ vĩnh viễn, còn cha nó cầm tấm căn cước “cắn rứt lương tâm” để vào đời chỉ vì nhân danh một thứ tình yêu đầy ích kỷ là thương con...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm