Nhân viên xe buýt coi thường, hắt hủi người khuyết tật

Không riêng Tùng, nhiều người khuyết tật khác cũng đã chia sẻ như vậy trong“Hội nghị Diễn đàn giao lưu giữa người khuyết tật với các doanh nghiệp, các sở ngành, quận, huyện, các tổ chức đoàn thể xã hội về chính sách, việc làm cho người khuyết tật”diễn ra vào sáng 17-12 tại Trung tâm Bảo trợ dạy nghề, tạo việc làm cho người tàn tật TP.HCM.

Chị Trần Thanh Hòa, một người khuyết tật tham dự hội nghị, kể dù có vé miễn phí dành cho người khuyết tật khi đi xe buýt nhưng chị rất ít dùng vì thường bị nhân viên hắt hủi. Chị nói: “ Vì bị tật ở chân nên khi xe buýt dừng, tôi mất khá nhiều thời gian để di chuyển lên xe. Những lúc như vậy, nhân viên xe buýt thường không giúp đỡ gì mà còn la mắng bảo phải nhanh chân. Có nhiều lúc, tôi vừa đặt chân lên bệ cửa thì xe đã vọt chạy khiến tôi bị ngã nhiều lần. Sau nhiều lần như vậy, tôi không dám đi xe buýt nữa mà đi xe ôm mỗi khi có việc”.

Chị Trần Thanh Hòa chia sẻ tại diễn đàn về trường hợp của mình. Ảnh: THANH TUYỀN 

“Nếu được, tôi mong các lãnh đạo của Sở GTVT có thể nới lỏng thời gian lên xuống xe buýt cho chúng tôi để đảm bảo an toàn chứ cứ như vậy dù phải mất tiền thuê xe ôm tôi vẫn chịu chứ không dám đi xe buýt” - chị Hòa gửi gắm.

Nhiều lần bị chửi vô cớ, em Phạm Nhựt Quang (18 tuổi, học sinh Trường Khuyết tật thính giác Hy Vọng 1) nêu thắc mắc:Em gặp khó khăn về vấn đề đi xe bus với vé miễn phí. Có một số nhân viên hay chửi thề khi thấy em đưa vé miễn phí ra. Em thấy có sự phân biệt đối xử giữa những người bình thường với tụi em, khi tụi em đưa vé ra đều bị mấy anh chửi trong khi em không làm gì sai cả. Ở trên xe mấy anh thường không quan tâm tới tụi em, làm lơ những khi chúng em gặp khó khăn khi di chuyển hay tìm chỗ ngồi”.

 Em Phạm Nhựt Quang (18 tuổi, học sinh Trường Khuyết tật thính giác Hy Vọng 1) kể về tình huống mà mình hay gặp phải khi đi xe buýt. Ảnh: THANH TUYỀN

Còn chị Trần Thị Mỹ Thạnh chia sẻ: “Em có thẻ đi xe buýt miễn phí, mà nhiều khi đi vội quá nên em quên không mang theo thẻ. Em khuyết tật rõ ràng như thế mà lên xe nhân viên một mực đòi phải có thẻ thì mới miễn phí. Cho em hỏi có nhất thiết khi nào cũng mang thẻ theo bên người để chứng nhận em là người khuyết tật kiểu như vậy hay không? Trong khi em nghĩ khi họ nhìn em thì thừa biết em khuyết tật rồi”.

 Buổi diễn đàn thu hút nhiều người khuyết tật đến tham gia. Ảnh: THANH TUYỀN

Trước chia sẻ và thắc mắc của nhiều trường hợp tương tự như trên, bà Nguyễn Thị Liên - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM đã có những ghi nhận để góp ý với các đơn vị vận hành xe buýt. “Tôi cũng nhờ mọi người nếu gặp phải những trường hợp như vậy thì cứ ghi rõ biển số xe, những cá nhân có hành động không đẹp như vậy để chúng tôi có cơ sở nhắc nhở, chấn chỉnh với các nhân viên trên xe buýt để có thể trong những năm sau, tại diễn đàn như thế này chúng ta sẽ không nghe đến vấn đề như vậy nữa” - bà Nguyễn Thị Liên nhắn nhủ.

 Nguyễn Thị Liên- PGĐ Sở Lao động- Thương binh và Xã hội TP HCM trả lời thắc mắc của người khuyết tật tại diễn đàn. Ảnh: THANH TUYỀN

Ngoài xe buýt, việc di chuyển bằng các phương tiện công cộng khác cũng là mối quan tâm lớn của người khuyết tật vì họ luôn gặp khó khăn khi di chuyển.

Anh Trần Văn Trung thắc mắc: “Tôi được biết sắp tới TP.HCM sẽ có tàu điện ngầm, không biết người khuyết tật như chúng tôi có được sử dụng phương tiện này miễn phí hay không? Nếu được thì sẽ làm thủ tục như thế nào?”.

 Anh Trần Văn Trung nêu thắc mắc về việc sử dụng tàu điện ngầm trong thời gian sắp tới. Ảnh: THANH TUYỀN

Cũng liên quan đến việc sử dụng tàu điện ngầm, chị Nguyễn Diệu Linh nêu ý kiến: “ Như anh Trung có nói, tàu điện ngầm sắp tới được đưa vào sử dụng ở TP.HCM. Khi chúng tôi được tham gia đi tàu điện ngầm thì có lối đi nào dành riêng cho chúng tôi hay không? Vì như tôi thấy nếu đi chung sẽ xảy ra tình trạng chen lấn như khi đi xe buýt, đặc biệt là người đi xe lăn sẽ gặp khó khăn rất nhiều. Xin Sở GTVT có một chương trình cụ thể dành cho người khuyết tật di chuyển dễ dàng hơn vì bệ cửa của tàu điện ngầm cao hơn nhiều so với xe buýt”.

Về vấn đề sử dụng tàu điện ngầm, đại diện Sở GTVT đã có ghi nhận ý kiến và hứa sẽ trình ban lãnh đạo. “Hiện nay tàu điện ngầm vẫn chưa được đưa vào sử dụng nên chúng tôi sẽ xin ý kiến của lãnh đạo để bổ sung các chính sách hỗ trợ cho người khuyết tật” - đại diện Sở GTVT lưu tâm.

Bên cạnh phương tiện di chuyển, những thắc mắc về việc làm dành cho người khuyết tật, vấn đề về bảo hiểm y tế hay các chính sách dành cho người khuyết tật cũng được nhiều người góp ý và được ban lãnh đạo ghi nhận.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm