Nhớ Sơn Nam với “văn minh miệt vườn”

Sáng 27-12, Nhà xuất bản Trẻ kết hợp với báo Tuổi Trẻ tổ chức tọa đàm “50 năm Hương rừng Cà Mau” nhân dấu mốc 50 năm tác phẩm Hương rừng Cà Mau của nhà văn Sơn Nam đến với bạn đọc (1962-2012). Buổi tọa đàm mang đến nhiều điều mới mẻ, thú vị về ông già Nam Bộ - nhà văn Sơn Nam.

Đi vào văn học sử

Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu đề dẫn: Rời quê nhà U Minh lên Sài Gòn vào năm 1954, nhà văn Sơn Nam mưu sinh bằng nghề cầm bút, cộng tác viết báo với nhà văn Bình Nguyên Lộc, viết văn với nhà văn Ngọc Linh, Tô Nguyệt Đình… Năm 1960, ông đã viết cuốn Tìm hiểu đất Hậu Giang, được tái bản đến lần thứ ba, song trong lòng bạn đọc miền Nam lúc đó, Sơn Nam vẫn là một nhà khảo cứu nghiệp dư. Phải đến năm 1962, khi những truyện ngắn Con Bảy đưa đò, Tình nghĩa Quốc văn giáo khoa thư, Bắt sấu rừng U Minh Hạ, Mùa len trâu, Bác vật xà bông, Hát bội giữa rừng… của nhà văn Sơn Nam được in dần trên các báo và được Nhà xuất bản Phù Sa tập hợp thành tập truyện Hương rừng Cà Mau thì tên tuổi nhà văn Sơn Nam mới được văn đàn Sài Gòn công nhận.

Nhớ Sơn Nam với “văn minh miệt vườn” ảnh 1

Từ trái qua: Các nhà văn, nhà thơ Vũ Đức Sao Biển, Kiên Giang, Nguyễn Đông Thức tại tọa đàm “50 năm Hương rừng Cà Mau”. Ảnh: HÒA BÌNH

Nhà giáo Đinh Công Tâm, sinh năm 1936, cho biết ông đã say mê Sơn Nam từ thời thanh niên, khi ông đọc được truyện ngắn Tình nghĩa giáo khoa thư trong Hương rừng Cà Mau. Câu chuyện về hai con người xa lạ trở thành tri kỷ tri âm bởi đồng điệu tâm hồn từ những bài học làm người, tình yêu quê hương, xóm làng mộc mạc mà họ đã được học từ ấu thơ trong sách Quốc văn giáo khoa thư quá tinh tế, sâu sắc khiến anh giáo trẻ Đinh Công Tâm cảm động không nguôi. Từ đó, bất cứ những gì do nhà văn Sơn Nam viết hay liên quan đến nhà văn, ông đều sưu tầm.

Nhà văn Vũ Đức Sao Biển cũng cho biết ông sinh ra và lớn lên ở miền Trung nhưng ông lại xin về dạy học ở Bạc Liêu vì từ nhỏ đã mê Hương rừng Cà Mau và tự hứa sẽ đi đến tất cả những địa danh trong quyển sách. Theo ông, tác phẩm, con người của nhà văn Sơn Nam đều thể hiện sâu sắc tính Nam Bộ ở từng câu, từng chữ, từng lời, thấm đẫm hồn dân tộc Việt Nam.

“Ông đã đẻ ra từ “văn minh miệt vườn” đi vào văn học sử, được cả xã hội công nhận. Cả một đời và sự nghiệp của ông đều cống hiến cho xã hội sự hiểu biết về văn hóa Nam Bộ” - nhà thơ Lê Minh Quốc đúc kết.

Ai sẽ viết tiếp “văn minh miệt vườn”?

Nhà thơ Kiên Giang, bạn đồng làng, đồng văn của nhà văn Sơn Nam, kể: “Lúc sinh thời Sơn Nam có nói với tôi xứ mình nghèo quá, mình có đi học thì phải làm sao cho người ta biết, hiểu về xứ mình. Cách Sơn Nam hiểu về xứ mình trước tiên là ảnh la cà khắp nơi, thu thập mọi điều về văn hóa, cuộc sống. Ảnh nói phải biết chào hỏi người khác từ ánh mắt, từ cái bắt tay để nhận được những câu chuyện từ họ. Từ lâu văn minh, văn hóa miệt vườn đã bị bỏ quên, bây giờ thì mình làm nó được nhớ lại. Cần xem xét việc lập một quỹ về nhà văn Sơn Nam, có thể lấy tên là quỹ “La Cà” để khuyến khích những người la cà mà viết sách được như Sơn Nam”.

Nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ - TS Quách Thu Nguyệt cũng bày tỏ tâm huyết về một quỹ văn học mang tên nhà văn Sơn Nam để khuyến khích nhiều hơn nữa những nhà văn thế hệ sau viết về vùng đất - văn hóa Nam Bộ. Riêng nhà văn Nguyễn Đông Thức bày tỏ lo lắng: “Tôi lo khoảng trống viết về văn hóa, vùng đất, con người Nam Bộ sau lưng nhà văn Sơn Nam quá lớn, không có một nhà văn nào hiện nay có thể thay thế được”.

Cùng chia sẻ nỗi lo không người kế thừa và mong ước có được những thế hệ nhà văn Nam Bộ tiếp nối con đường của nhà văn Sơn Nam, ông Nguyễn Minh Nhựt - Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ cho biết sẽ cố gắng cho ra mắt một giải thưởng mang tên Sơn Nam trong thời gian sớm nhất.

Những lo lắng và đề xuất trên là tấm lòng của hậu thế nhớ về nhà văn Sơn Nam cũng như nghĩ cho văn minh miệt vườn mai sau, như Sơn Nam từng viết trong chuyện Con Bảy đưa đò, ở đời “Cần một tấm lòng”!...

50 ngày sách Sơn Nam

Nhớ Sơn Nam với “văn minh miệt vườn” ảnh 2

Thiết kế giỏ sách đặc biệt cho bộ ba tập Hương rừng Cà Mau nhân kỷ niệm “50 năm Hương rừng Cà Mau”.

Tri ân nhà văn Sơn Nam và cùng chia sẻ với độc giả nhân kỷ niệm “50 năm Hương rừng Cà Mau”, Nhà xuất bản Trẻ đã thực hiện chương trình “50 ngày sách Sơn Nam”, kéo dài từ 29-12-2012 đến 17-2-2013. Trong 50 ngày này, tại những nơi bán sách có liên kết với Nhà xuất bản Trẻ trong cả nước, trọn bộ ba tập Hương rừng Cà Mau được bán với giá 100.000 đồng và đựng trong một túi vải in hình nhà văn cùng thơ của ông. Ngoài ra, toàn bộ sách của nhà văn Sơn Nam cũng sẽ được giảm 50% giá bìa trong chương trình này.

HÒA BÌNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm