Nhộn nhịp xóm thuốc lào Sài Gòn

Từ con đường nhỏ đất đỏ dưới chân cầu Ông Đụng, chúng tôi tìm đến vựa thuốc lào lớn nhất Sài Gòn ở xã Đông Thạnh, Hóc Môn. Giữa cái nắng như đổ lửa là những căn chòi dựng tạm bợ với hàng trăm nhân công đang rọc thuốc.

Các nhân công đang khẩn trương thu hoạch lá thuốc cho kịp mùa vụ rồi về quê ăn tết của người Khơme. Ảnh: HOÀNG LAN

Những phận đời bên cây thuốc

Có tất cả bảy người con đang tuổi ăn tuổi lớn, bà Nguyễn Thị Mỹ Duyên (58 tuổi, quê Kiên Giang) làm quần quật tối mặt tối mũi vẫn không kiếm đủ cái ăn. Trong cơn túng quẫn, bà bỏ quê nhà lên thành phố kiếm sống. Lang thang sao lại đến vùng ven Sài Gòn, giữa lúc vụ thuốc lào đang vào cao điểm nên được nhận vào làm ngay. Mỗi tiếng rọc thuốc, bà được chủ trả cho 20.000 đồng, làm từ 7 giờ sáng đến 2 giờ chiều được hơn 100.000 đồng. “Lương cao, công việc nhẹ, lại được chủ cho ăn, cho uống đầy đủ. Sướng hơn làm ruộng dưới quê nhiều lắm” - bà chia sẻ.

Ngồi kế bà Duyên, bà Nguyễn Thị Trương đang loay hoay gắn lại cọng dây cước câu cá vào nan tre mỏng - dụng cụ rọc lá thuốc lào mà chủ phát cho từng người. Đã 76 tuổi lại không có con cái, bà Trương vẫn còn đi nhổ cỏ thuê, thứ nghề gắn bó với bà từ hồi còn con gái. Nhưng phần vì già cả, phần bởi đất đai bị đô thị hóa, mấy năm nay không ai thuê bà hết. Từ ngày có bạn bè giới thiệu vào rẫy thuốc lào làm việc, bà Trương không còn lủi thủi một mình, tuổi già bớt phần quạnh quẽ.

Bà Nguyễn Thị Trương đã 76 tuổi vui vẻ rọc lá thuốc

Với anh Phạm Văn Tuân, quê Gò Công Đông (Tiền Giang), vụ thuốc lào lại là nơi chắp cánh cho tình yêu nảy nở. Bốn năm trước, Tuân còn đi ghe đổ tro, trấu cho những người làm nông miệt Đông Nam Bộ. Thấy nghề thuốc lào ngon ăn hơn, chàng thanh niên bỏ ghe lên bờ làm mướn. Nhờ chăm chỉ cần mẫn lại hiền lành tốt bụng, anh Tuân lọt vào mắt xanh của con gái ông chủ vựa thuốc lào. Xuân này là mùa xuân thứ hai anh Tuân không về quê nhưng đã ấm áp hơn bội phần, vì vợ chồng anh vừa đón một bé trai kháu khỉnh.

Giải trí kiểu miệt vườn

Gần đó, tại ụ thuốc lào của anh Võ Minh Điền, các nhân công tay vẫn vội vàng, thoăn thoắt tước từng tàu lá nhưng miệng thì đang say sưa, nồng cháy với giai điệu phát ra từ dàn loa, amply đặt trước mặt.

Năm nay anh Điền thuê 140 người làm việc trong ụ thuốc của mình. Họ đa phần là dân tỉnh lẻ, vì cuộc sống quá khó khăn mà lên Sài Gòn tìm việc. Thấy nhân công làm việc vất vả, lại không về quê ăn tết, anh Điền sắm luôn dàn âm thanh để bà con vui xuân. Đang làm việc mệt lả mà có nhạc nghe giải trí, ai nấy cũng tươi tỉnh hẳn.

Có hôm thuốc lào chín sớm, họ phải làm việc đến tận 22 giờ khuya. Vậy là anh Điền mua thêm cặp micrô, để vừa làm, anh em vừa giao lưu văn nghệ đêm khuya. Từ chòi lá xập xệ bỗng chốc hóa thành quán karaoke hiện đại, hát hò nhảy nhót tưng bừng, xua đi cái khổ cực của cơm áo gạo tiền.

Họ đã nói

Thấy bà con lao động cực khổ quá, tết cũng không về đoàn tụ gia đình nên mấy tháng nay bao cơm trưa luôn cho bà con, trà đá thì có sẵn, nước ngọt ngày hai cữ. Vì những khoản này, tiền nhân công trong ụ thuốc của tôi bị đội lên gấp rưỡi. Mấy năm gần đây, khí hậu ngày một khắc nghiệt, nhựa thuốc không ngon nên liên tục bị thương lái ép giá. Nghề này giống như cái nghiệp của mình, không thể bỏ được chứ làm có sung sướng gì đâu.

Anh VÕ MINH ĐIỀN, chủ một vựa thuốc lào ở Đông Thạnh

 

Một số hình ảnh không khí lao động sôi nổi ở xóm thuốc lào những ngày đầu năm:

Vườn thuốc lào.

Anh Phạm Văn Tuân (SN 1986, quê Gò Công) đang ra sức tưới tiêu trên ruộng thuốc lá của người cha vợ. Gương mặt anh vui vẻ bởi vừa đón đứa con trai đầu lòng.

Ở một ruộng thuốc khác, Nguyễn Lâm Sơn (SN 1993, quê Cà Mau) đang đi bứt đọt thuốc lá. Đây là vụ thuốc lào đầu tiên của Sơn, nhưng đã là năm thứ ba cậu không về quê ăn Tết

Dù làm việc giữa trời nắng nóng nhưng nét mặt ai cũng rất hào hứng

Dàn karaoke hoành tránh (phía sau) anh Võ Minh Điền mua để phục vụ anh chị em nhân công vui xuân

Lá thuốc sao khi rọc xong được tập trung lại một khu vực, ủ trong một ngày trước khi tiến hành xắt.

Nghề trồng thuốc lào ở xã Đông Thạnh bắt đầu hình thành từ năm 1980, khi nhiều người dân xứ Bắc vào Nam đem theo thứ cây “đặc sản” của họ. 

Do đó thuốc làm ra chủ yếu để bán cho khu vực miền Bắc chứ ít được tiêu thụ tại chỗ. 

Những năm trở lại đây, nhiều người Khơme ở các tỉnh miền Tây lên Sài Gòn kiếm sống đã chọn nghề này làm kế mưu sinh mỗi độ xuân về (ảnh). Sau đó họ về quê đón cái tết cổ truyền của dân tộc mình vào giữa tháng 4 dương lịch hằng năm

Dụng cụ để rọc lá thuốc là những nan tre vót mỏng uốn cong lại hình cung, rồi cắt những cọng dây cước câu cá quấn ngang hai bên đầu làm thành

Chị Nguyễn Thị Song Tuyền (31 tuổi, quận 12) tranh thủ giờ giải lao ăn vội hộp cơm chủ ụ thuốc mua cho.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm