Những vùng ở Việt Nam có thể phát sinh động đất do đới đứt gãy

Những vùng ở Việt Nam có thể phát sinh động đất do đới đứt gãy ảnh 1Vết nứt xuất hiện trên tường của người dân ở Bắc Trà My, Quảng Nam, sau trận đến động đất. (Ảnh: Lê Lâm/TTXVN)


Các đới đứt gãy đang hoạt động 

Theo giáo sư Phan Trọng Trịnh, Chủ tịch Hội Kiến tạo Việt Nam (Tổng Hội Địa chất Việt Nam), trong các đới đang hoạt động ở Việt Nam, đứt gãy Điện Biên-Lai Châu hiện được xem là đứt gãy có tốc độ lớn nhất, nhưng cũng khó vượt quá 3 mm/năm. Đây có lẽ là đứt gãy sinh chấn lớn nhất Việt Nam với các biểu hiện của các trận động đất Tuần Giáo, Điện Biên. Ngoài ra, một số đứt gãy Sông Đà, Sông Mã cũng được xem là các đứt gãy đang hoạt động. 

Trước đây dựa vào tài liệu động đất lịch sử, nhiều nhà địa chấn cho rằng đứt gãy Sông Mã là đứt gãy sinh chấn lớn nhất Việt Nam. Song những số liệu mới cho thấy biểu hiện đang hoạt động của đứt gãy Sông Mã không rõ rệt. 

Rất nhiều đặc điểm biến dạng tân kiến tạo và phát triển địa hình của phần phía Bắc Việt Nam được làm sáng tỏ nhờ phân tích lịch sử biến dạng của đới đứt gãy Sông Hồng. Đứt gãy Sông Chảy thể hiện rõ nét ở vùng Lục Yên. Ở khu vực hồ thủy điện Thác Bà, đứt gãy được thể hiện rất rõ nét trên địa hình và chạy dọc theo bờ Tây Nam hồ. Đứt gãy Sông Hồng chạy dọc rìa Tây Nam của đới biến chất dãy núi Con Voi, trùng với đứt gãy Sông Hồng. 

Hệ thống đứt gãy trượt bằng phải Sông Cả kéo dài hơn 400km từ Lào theo hướng Tây, Tây Bắc về bờ biển Việt Nam. Trong lãnh thổ Việt Nam đứt gãy Sông Cả phân thành hai nhánh, một nhánh gọi là đứt gẫy Nậm Chân và nhánh kia là đứt gãy Sông Cả. Thung lũng Sông Cả rõ ràng bị khống chế về phía Tây Nam bởi một đứt gãy lớn đang hoạt động, thể hiện bởi các đoạn đứt gãy biểu hiện của chuyển dịch hiện đại.

Đới đứt gãy hoạt động Rào Nậy gồm có một đới chính và một đới nhánh với chiều dài khoảng 230km, trong đó 150km trên lãnh thổ Việt Nam. Đáng chú ý là trong các đới đứt gãy phát triển hai loại trũng với hai tuổi khác nhau, ứng với hai trường ứng suất kiến tạo và cơ thức dịch chuyển ngược hẳn nhau. 

Đới đứt gẫy Ia Sir-Sông Ba bắt đầu từ phía Đông Nam thị trấn huyện Ngọc Hồi chạy dọc theo thung lũng Ia Sir, cắt qua thành phố Pleiku, rồi theo thung lũng Sông Ba đi thẳng ra đến bờ biển ở thị xã Tuy H​òa với chiều dài khoảng 240km. 

Trên Biển Đông, phần lớn các đứt gãy có kích thước nhỏ. Trước đây nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đứt gãy Tây Biển Đông là nguồn gây ra động đất chính trên Biển Đông. Những nghiên cứu mới nhất cho thấy các nguồn sinh chấn rất hạn chế. 

Hiện nay trong đánh giá nguy hiểm động đất, sai số lớn nhất liên quan tới đánh giá nguồn động đất. Để làm tốt việc này, các nhà khoa học cần tập trung nghiên cứu đứt gãy đang hoạt động, tính phân đoạn của đứt gãy đang hoạt động, tiếp tới là đánh giá chu kỳ lặp lại của các trận động đất. Sử dụng các công thức mới nhất về suy giảm gia tốc rung động cũng là cần thiết nhưng sai số lớn nhất vẫn là vị trí của nguồn sinh chấn cũng như độ lớn của động đất cực đại có thể phát sinh dọc theo đứt gãy đang hoạt động đó, giáo sư Phan Trọng Trịnh nhấn mạnh.

Nguy cơ động đất kèm sóng thần 


Đối với vùng bờ biển Việt Nam, ngoài hai vùng nguồn động đất gần tại bờ Tây của đảo Hải Nam và ngoài khơi Nam Trung Bộ kinh tuyến 1100E, nguồn động đất có nguy cơ gây sóng thần cao nhất là nguồn động đất tại đới hút chìm Manila phía Tây Philippines và phía Nam Đài Loan. Tuy chưa có những kết quả nghiên cứu đầy đủ để xác định chu kỳ lặp lại của động đất gây sóng thần với các độ lớn khác nhau tại đới hút chìm Manila, nhưng động đất có độ lớn Mw > 8 rất có khả năng xảy ra ở đây. Mặc dù chưa xác định được chu kỳ lặp lại của động đất có độ lớn này, nhưng theo kinh nghiệm của một số nước hay phải ứng phó với nguy cơ sóng thần, sóng thần tương ứng với kịch bản động đất cần được tính đến khi quy hoạch phát triển kinh-tế xã hội vùng. 

Dải ven biển Thừa Thiên-Huế là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng ngập lụt lớn nhất, đặc biệt các khu vực gần các cửa sông và vịnh, nơi địa hình thấp, ven đầm, phá, nhiều nơi diện ngập lụt có thể tới 2-3 km, độ sâu ngập lụt khoảng hơn 2 m, nhiều nơi có thể đến 3-4 m. Điển hình là các khu vực dân cư gần cửa Thuận An, khu vực dân cư lân cận cửa Hòa Duân, khu vực Lăng Cô và khu vực vịnh Chân Mây, trong đó khu vực xã Lộc Vinh là nơi chịu ngập lụt lớn nhất và rộng nhất. Các khu du lịch và bãi tắm ven biển bị ảnh hưởng trong đó có thể kể đến bãi biển Lăng Cô, cửa Thuận An, Hòa Duân, các khu vực nuôi trồng thủy hải sản ven biển và trong phá Tam Giang-Cầu Hai cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. 

Với kịch bản này, do mức độ và diện ngập lụt tương đối lớn, đặc biệt là khu vực cảng Chân Mây, Vinh Hải, khu vực cạnh phá Tam Giang-Cầu Hai có thể di dân đến nơi an toàn cách trên 3km từ bờ biển hoặc tới các vùng đất cao hơn 4m. 

Một khu vực khác cũng là thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam cũng có nguy cơ lớn nhất bởi tác động của ngập lụt do sóng thần, trong đó đặc biệt đáng chú ý là phía bên trong vịnh Đà Nẵng, khu bãi biển Mỹ Sơn, khu Ngũ Hành Sơn, cạnh sông Hàn. Khu vực này có phạm vi ngập lụt tương đối lớn, trung bình từ 1-2 km tính từ bờ; độ sâu ngập trung bình khoảng 2-3 m, nhiều nơi ven bờ dọc vịnh Đà Nắng có thể ngập đến 3-4 m. Khu vực Cửa Đại có thể bị ngập lớn nhất 5km từ bờ và độ sâu 4m. 

Xây dựng bản đồ cảnh báo nguy cơ ngập lụt 

Giáo sư Phan Trọng Trịnh cho rằng, xây dựng các bản đồ cảnh báo nguy cơ ngập lụt do sóng thần có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc phòng tránh và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai sóng thần gây ra. Các cơ quan quản lý và hoạch định chính sách ở các cấp Trung ương và địa phương có thể sử dụng các bản đồ này để lập quy hoạch về phát triển kinh tế-xã hội, sử dụng đất tại các khu vực ven bờ, lập phương án sơ tán dân, tìm kiếm, cứu nạn khi có sóng thần.

Việc quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là quy hoạch các khu đô thị, nơi tập trung dân cư, các khu công nghiệp, bến cảng, các khu du lịch, bãi biển, khu bảo tồn sinh thái tại các khu vực có nguy cơ sóng thần cao cũng cần phải được xem xét một cách kỹ lưỡng trên cơ sở phân tích và đánh giá lợi ích và thiệt hại. 

Trong bất cứ trường hợp nào, việc sử dụng đất tại các khu vực có nguy cơ ảnh hưởng của sóng thần cũng phải kèm theo điều kiện là đảm bảo an toàn cho tất cả người dân sinh sống và làm việc tại các khu vực này khi có sóng thần tấn công. Cho dù giá trị của các khu đất ven biển rất cao, nhưng thay vì sử dụng đất cho các mục đích kinh tế, thương mại, có thể trồng rừng tạo cảnh quan, vừa góp phần bảo vệ môi trường cho bãi biển phục vụ du lịch, vừa tăng khả năng phòng tránh sóng thần. 

Các bản đồ còn có thể sử dụng phục vụ giáo dục cộng đồng, nâng cao kiến thức của người dân về thiên tai sóng thần để người dân có thể tự chuẩn bị phòng chống sóng thần một cách hiệu quả./. 

Theo Vietnam+

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm